Thường nghe nói “Vợ chồng là duyên, con cái là nợ, không có duyên không gặp, không có nợ không đến”, vì vậy cũng đừng quá cố chấp, mọi thứ cứ để thuận theo tự nhiên là được rồi. 

Con trai đoản mệnh làm cha mẹ thương tiếc khôn nguôi

Trong cuốn “Canh tỵ biên” của Lục Xán vào thời nhà Minh đã ghi lại một câu chuyện như sau: Ở thôn Lục Mộ, Trường Châu có một người tên là Đới Khách, làm nghề buôn bán ngói; công việc làm ăn cũng không đến nỗi tệ, cơm no áo ấm.

Anh chỉ có một người con trai nên rất nuông chiều; sống phóng túng, muốn làm gì thì làm. Không ngờ con trai anh năm 16 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo, dùng trăm nghìn phương thuốc cũng không có tác dụng; nằm liệt trên giường nửa năm rồi cũng qua đời. Hai vợ chồng vô cùng đau khổ, làm đám tang rất lớn; lại mời hòa thượng, đạo sĩ đến ngày đêm tụng kinh siêu độ. Tiền bạc tích góp trong nhà cũng vì việc ma chay mà dùng gần hết; nhưng họ vẫn mãi thương nhớ người con trai của mình mà khóc lóc không thôi.

Hai vợ chồng cứ mãi đau khổ về cái chết của người con
Hai vợ chồng cứ mãi đau khổ về cái chết của người con (ảnh SOH)

Một ngày nọ, có một bà lão đi thuyền đến thôn Lục Mộ, tới thăm hỏi hai vợ chồng Đới Thị; nhìn thấy hai vợ chồng quá đau thương mới khuyên nhủ: “Sinh tử là lẽ thường tình, hà tất phải bi thương như vậy. Xem ra hai ngươi yêu mến con trai như vậy, tình sâu khó dứt; ta muốn cho các ngươi gặp mặt nhau một chút, để xem sẽ thế nào?”. 

Vợ chồng Đới Thị lau nước mắt nói: “Con trai đã qua đời lâu như vậy, âm dương cách biệt làm sao mà gặp lại được? Nếu có thể gặp được như lời bà nói thì quả thật vô cùng biết ơn!”.

Vợ chồng là duyên, con cái là nợ

Bà lão nói với họ: “Chuyện này dễ thôi”. Vợ chồng Đới Thị vui mừng nắm tay bà lão. Bà lão nói: “Ta dẫn hai ngươi đến nơi này, các ngươi tự nhiên sẽ gặp được con trai của mình. Nhưng không cần phải hai vợ chồng đều đi, một người đi là được rồi”. Đới Khách rất mừng, liền để cho vợ cùng bà lão lên thuyền. Bà lão nói vợ Đới Khách nhắm mắt lại và không được tùy tiện mở ra nhìn lén. 

Sau đó thuyền lao đi rất nhanh, chỉ một lát sau đã đến một khu phố ồn ào náo nhiệt. Bà lão xuống thuyền và dẫn theo vợ của Đới Khách. Từ xa có thể nhìn thấy con trai của nàng đang đứng ở trong một tiệm gạo.

Người con trai cũng rất vui mừng khi thấy mẹ của mình; cậu lập tức chạy ra gặp mẹ và nói: “Con ở tiệm gạo này làm công, trong tâm lúc nào cũng nhớ thương cha mẹ; đang lúc muốn gặp thì mẹ đã tới rồi. Mẹ chờ một lát, con đi thông báo cho ông chủ; nói ông ấy đến chào mẹ”. Nói xong thì quay người chạy vào trong nhà. Bà lão lập tức nói vợ Đới Khách lên thuyền; lại để cho nàng đội một cái mũ thật rộng và khoác áo choàng vào; nấp ở trên thuyền để xem tình huống đang diễn ra ở tiệm gạo.

Nhìn rõ mối duyên nợ, nỗi đau khổ cũng nguôi ngoai
Nhìn rõ mối duyên nợ, nỗi đau khổ cũng nguôi ngoai (ảnh SOH)

Hợp tan cũng là duyên nợ, hiểu thấu để sống an nhiên

Một lúc sau, người con trai bước ra, cách ăn mặc rất đáng sợ, nhìn giống như quỷ đầu bò; nhìn quanh một lượt không thấy ai liền chửi: “Đồ súc sinh chạy đi đâu rồi? Bà ta thiếu nợ ta 20 năm, chỉ mới trả được 16 năm, còn thiếu 4 năm nữa! Hôm nay bà ấy dám đến đây, ta phải gọi người bắt bà ta lại; tiếc là ta chậm chân lại để cho bà ta chạy mất rồi”. Nói xong tức giận đi vào trong nhà. Vợ của Đới Khách ngồi trên thuyền không dám thở mạnh, bà lão nói với nàng rằng: “Ngươi nhìn thấy rồi đó, đây chính là con trai của ngươi!”

Vợ Đới Khách ngồi trên thuyền trở về nhà và kể lại tất cả mọi chuyện cho chồng nghe. Từ đó nỗi đau buồn của hai vợ chồng mới nguôi ngoai. Về sau khi họ thử đi tìm bà lão và chiếc thuyền đó thì không thấy tăm hơi đâu nữa.

Vẫn thường nghe nói “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”, tình huống này dường như rất phổ biến trong xã hội. Qua câu chuyện ở trên thì có lẽ chúng ta cũng hiểu được một phần nào nguyên nhân, tất cả cũng đều là do duyên nợ tạo thành.

Theo Sound of hope