Thử nhìn lại quá khứ 30 năm, chắc nhiều người cũng phải kinh ngạc, đời sống xã hội Trung Quốc đã có những biến đổi lớn lao mà không ai ngờ được.

Một người ở Trung Quốc đã hồi tưởng lại đời sống xã hội vào năm 1993, mới thoáng một cái vậy mà đã 30 năm rồi; xã hội có vẻ như phát triển hơn nhưng chưa hẳn đã hạnh phúc hơn. Chúng ta cùng đọc và so sánh với xã hội Việt Nam, cũng có rất nhiều nét tương đồng:

30 năm trước, một người lao động có thể nuôi sống cả gia đình. 30 năm sau, 2 người đều đi làm nhưng lại khó có thể nuôi dạy tốt 1 đứa trẻ. 

30 năm trước, cả con đường không có hàng xóm nào là không quen biết nhau. 30 năm sau, trong cả tòa nhà chỉ mấy người hàng xóm quen biết nhau.

30 năm trước, “soái ca” trong mắt mọi người có lông mày rậm và đôi mắt to. 30 năm sau, “soái ca” trong mắt mọi người chính là người vẽ lông mày và mắt. 

30 năm trước, “3 thứ quan trọng” của hôn nhân là TV màu, tủ lạnh và máy giặt. 30 năm sau, “3 thứ quan trọng” của hôn nhân là nhà, xe và tiền. 

30 năm trước, người ta thường lo lắng vì con cái ăn không đủ no. 30 năm sau, người ta thường buồn rầu vì con cái chỉ ăn quà vặt mà không chịu ăn cơm. 

30 năm trước, người ta đặt tên cho con trai mình là “cún con”. 30 năm sau, người ta lại gọi con chó cưng trong nhà mình là “con yêu”.

Biến đổi như thế nào; Biến đổi khí hậu thế giới; Thế giới biến đổi khí hậu
Thời nay, người ta cưng chó như con của mình (ảnh minh họa Ohdearstudio)

30 năm trước, mọi người ăn rau rừng và bột ngô khi họ không có tiền. 30 năm sau, chỉ người có tiền mới ăn rau rừng và bột ngô. 

30 năm trước, mọi người ngày nào cũng về nhà ăn cơm, thỉnh thoảng mới ra ngoài ăn. 30 năm sau, mọi người gọi đồ ăn ngoài mỗi ngày và thỉnh thoảng mới nấu ăn ở nhà. 

30 năm trước, người ta sẽ vui mừng vì “mập lên”. 30 năm sau, người ta lại lo lắng về việc “giảm cân”. 

30 năm trước, vào mùa nông nhàn (thời gian rảnh rỗi sau vụ mùa), người nông dân sẽ lên thành phố mua sắm. 30 năm sau, mỗi dịp lễ tết, người thành phố lại về quê nghỉ mát. 

30 năm trước, một cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con. Có bao nhiêu người đã nộp phạt hàng chục nghìn nhân dân tệ và phải bí mật sinh đứa con thứ 2. Còn 30 năm sau, đứa thứ 2 và đứa thứ 3 được cho phép sinh ra, hơn nữa, nhà nước còn hỗ trợ các khoản trợ cấp chăm sóc và thưởng hàng chục nghìn nhân dân tệ cho việc sinh một đứa trẻ, nhưng không ai muốn sinh con. 

30 năm trước, cách duy nhất để ra ngoài là bằng xe buýt và xe đạp. Ai muốn đi xe con thì nhất định là người “nhiều tiền”. 30 năm sau, có app Didi (giống Grab) và xe đạp công cộng mỗi khi ra ngoài. Nếu muốn đi xa hơn, bạn có thể đi máy bay hoặc đường sắt cao tốc. Điều đáng tiếc là ngày lễ nào cũng có tình trạng “tranh giành” để mua vé, đến ngày thường làm việc thì lại chịu cảnh tắc đường.

30 năm trước, nhà ở được đơn vị phân cho mỗi người. Một gia đình có 3 thế hệ chen chúc trong căn phòng nhỏ chỉ rộng hơn chục mét vuông, nhưng cuộc sống của họ vẫn rất đầy đủ trọn vẹn. 30 năm sau, ngôi nhà được dùng để đầu cơ và được mua bằng tiền vay. Nếu bạn muốn mua một ngôi nhà, bạn phải dốc sạch ví của 6 người trong gia đình và trả tiền vay trong thời gian hàng chục năm. 

30 năm trước, cả 3 thế hệ ở chung một nhà mà vẫn an vui (ảnh minh họa Baothaibinh)

30 năm trước, đã có một “cơn sốt kinh doanh trên biển”. Nhiều người đã từ bỏ “bát cơm sắt” ổn định, từ chức để khởi nghiệp. 30 năm sau, sinh viên tốt nghiệp đại học lại đang vật lộn thi “biên chế” để có một công việc ổn định. Họ gọi những ứng viên sau khi được nhận vào “biên chế” là “lên thuyền”. Hết thảy mọi người khác đều là tạm bợ không lâu dài, chỉ có những người vào biên chế là ổn định và bền vững.

30 năm trước, cách để mọi người có được thông tin chính là đọc sách và xem báo. 30 năm sau, báo không còn ai xem nữa, thậm chí không còn 1 sạp báo nào trên đường phố. Nếu bạn muốn đọc sách có thể lên trên trang web, nếu không muốn đọc chữ thì có thể xem video. Người xem video nếu không thích thời lượng quá dài thì lại xuất hiện đoạn clip ngắn với tốc độ nhanh gấp đôi.

Theo 360doc