Xin hãy yêu tôi khi tôi ít đáng được yêu nhất
Thông thường khi tôi ăn mặc đồ đẹp, nói năng cao hứng, tôi nghĩ mình thật đáng yêu. Những lúc đó cũng được đón nhận nhiều tình cảm, nhiều sự quan tâm. Nhưng những lúc tôi cần được yêu nhất lại chính là lúc mệt mỏi, ốm đau. Tôi đã có suy nghĩ như vậy khi đối diện với tình trạng bệnh tật của bố mình. Sự kết nối bố và con trai trở nên hiện hữu.
- Lòng mẹ bao la, con đã biết thế nào là đủ
- Nhật ký dạy con: Bài học về sự tử tế
- Mỗi con người sinh ra đều có bản tính lương thiện
Sự kết nối bố và con trai
Khi tôi còn nhỏ, tôi thường lấy bụng của bố tôi làm gối và nằm trên người ông. Tôi vừa cảm nhận làn gió mát của chiếc quạt điện, vừa xem TV, tôi thấy rất thú vị … Đó là những gì tôi có thể nhớ lại từ dòng sông ký ức. Hình ảnh thân mật, sự kết nối bố và con được hiện lên như thế.
Sau khi lớn lên, giống như hầu hết các cậu bé khác, tôi hiếm khi được tiếp xúc thân thể với cha mình. Rồi có một lần bố tôi đã ôm chặt lấy tôi trong một bối cảnh đông người.
Cách đây hơn 5 năm, tình trạng bệnh tiểu đường của bố tôi ngày càng nặng và phải chạy thận nhân tạo. Bố tôi sợ làm gánh nặng cho tôi nên tự mình bắt xe buýt đến bệnh viện. Nhưng sau khi chạy thận, bố tôi thường rất yếu nên tôi sẽ đi xe máy đến đón bố. Có lần bố ngồi sau xe máy của tôi, cơ thể yếu ớt lắc lư, cảm giác không vững, có thể ngã bất cứ lúc nào. Thay vì thói quen đặt tay lên vai tôi, bố ôm lấy eo tôi. Cái ôm rất chặt, giống như cảm giác một đứa trẻ sợ bị bỏ rơi.
Khi bố già đi, tôi lớn lên, sự ích kỷ đôi khi cũng lớn lên theo
Vào lúc đó, tôi nhận ra sự kết nối lại giữa cuộc sống của bố và cuộc sống của tôi. Sự kết nối bố và con trở nên hiện hữu một cách âm thầm diễn ra trên chiếc xe máy dũng mãnh cũ kỹ này. Lúc đầu, tôi hơi sợ mối quan hệ phụ thuộc. Vì tôi chưa sẵn sàng đối diện với việc bố già đi. Ông không còn lái xe taxi được vì bệnh đục thủy tinh thể. Cũng hầu như không thể tự lo cho bản thân từ ba bữa ăn đến đi lên cầu thang. Ông cần sự giúp đỡ. Giai đoạn này bệnh của bố tôi nặng dần.
Thời gian bệnh tật của bố kéo dài. Tôi biết sức khỏe của bố tôi không thể hồi phục nhưng trong lòng tôi không muốn đối mặt. Tôi thực sự lo sợ. Điều tôi lo lắng không chỉ là bệnh tật của bố tôi mà còn là liệu sự sáng tạo và nhịp sống của tôi có bị dừng lại vì chăm sóc bố tôi hay không? Tôi nghĩ đến mùi thuốc khử trùng trong phòng khám bệnh viện và mùi của người già trong phòng ngủ của bố tôi. Nghĩ kỹ lại, tôi thấy suy nghĩ sâu xa của tôi rất ích kỷ.
Một thời gian sau nữa, thị lực của bố tôi suy giảm chỉ còn 1/10. Vì lý do an toàn, gia đình đã bàn bạc đưa bố tôi vào viện dưỡng lão. Mặc dù phải trả thêm rất nhiều chi phí nhưng đổi lại bố tôi được chăm sóc tốt hơn.
Điều quan trọng nhất là thể hiện tình cảm với những người thân yêu
Nhà dưỡng lão đó do mẹ, các chị, em gái tôi tìm ra. Trong buổi họp mặt gia đình này, tôi không nói gì nhiều. Các thành viên khác trong gia đình đã chủ động để tôi giảm bớt cảm giác tội lỗi. Họ biết rằng nếu không đưa bố tôi vào viện dưỡng lão, tôi phải chăm sóc bố khi tôi đang bận đi làm.
Tôi không được lớn lên trong môi trường hiếu thuận, gia đình và hạnh phúc. Tôi nghĩ nhiều gia đình có thể cũng như gia đình tôi. Sẽ có mâu thuẫn phát sinh trong việc chia nhau chăm sóc bố. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình bất hiếu, tôi chỉ mong sao lương tâm mình được thanh thản.
Mãi cho đến khi lập gia đình, có con, tôi mới nhớ đến một câu ngạn ngữ của người xưa: “Bồng con trên tay, mới biết lòng cha mẹ”. Không gì có thể so sánh với công sức của cha mẹ dành cho con cái.
Tôi đã đọc một câu ngạn ngữ Thụy Điển trong một cuốn sách: “Hãy yêu tôi khi tôi ít đáng được yêu nhất, bởi vì đó là lúc tôi cần tình yêu thương nhất”. Có lẽ chúng ta không nên sợ hãi khi đối mặt với sự già đi của cha mẹ.
Cha mẹ chúng ta cần tình cảm của chúng ta khi họ già đi với bệnh tật xuất hiện. Lúc đó họ cảm thấy yếu đuối, cô đơn. Đó có lẽ là lúc họ cảm thấy bản thân ít đáng được yêu nhất vì không giúp ích gì cho con cái. Hãy luôn thể hiện tình yêu thương của mình với cha mẹ, dù chỉ là trong khoảng thời gian ngắn bạn có mặt ở bên họ.
Theo Epoch Times