Ký ức tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày cơ cực, là những mong muốn có quần áo mới, giày dép mới…như những người bạn đồng trang lứa. Tôi nghĩ đó là những mơ ước bình dị. Nhưng mẹ đã cho tôi thấy rằng bà là người luôn “cảm thấy không có đủ cho con cái mình và quên mất những gì mình muốn”. Lòng mẹ thật bao la. Tôi tự hỏi mình có biết nghĩ cho người khác như vậy không?

Mùi ẩm mốc khó chịu

Mỗi khi nhớ lại thời đi học, tôi lại nhớ đến mùi ẩm mốc của bộ đồng phục mà tôi mặc đến trường.

Mẹ tôi được gửi làm con gái nuôi từ khi còn nhỏ. Bà có 3 người con. Công việc của bà thường là những việc lao động chân tay vì trình độ học vấn thấp. Mẹ làm nhân viên phục vụ nhà hàng, quét dọn và các công việc lao động nặng nhọc khác. Bà thường về rất muộn, khi về còn phải giúp con giặt quần áo …

Những bộ quần áo đó chỉ được làm khô vào lúc nửa đêm nên sáng sớm chúng thường còn ẩm. Tôi không còn cách nào khác là mặc vào rồi vội vã đến trường.

Khi còn nhỏ, tôi rất ghét cái mùi ẩm ẩm đó. Cái mùi khiến tôi cảm thấy tự ti và kém cỏi. Thỉnh thoảng tôi lại phàn nàn với mẹ: “Tại sao con không có đồng phục sạch sẽ để mặc?” Nhưng tôi lại không tự giúp mình làm việc đó. Sau giờ học tôi thường cùng lũ trẻ hàng xóm chơi các trò nghịch ngợm, nhảy lò cò, trốn tìm, ném bóng …Tôi ghét chính mình trong ký ức đó.

Đôi giày Nike

Khi tôi học trung học cơ sở, đó là thời kỳ hoàng kim của Michael Jordan thống trị sân NBA. Tất cả nam sinh trong lớp đều ao ước có đôi giày thể thao “Jordan 9”. Từ nhỏ, tôi thường đi giầy kém chất lượng bán ở ven đường. Sau vài tháng nhịn không nổi, tôi đã lấy hết sức nói với mẹ: “Con muốn một đôi giày bóng rổ, loại có thương hiệu.”

Mẹ cân nhắc vài hôm rồi đưa tôi vào một cửa hàng bán đồ thể thao sau giờ học. Tôi chỉ mất một phút để chọn một đôi giày thể thao Nike màu trắng vì chúng rẻ nhất trong cửa hàng. Mẹ nhìn vào cái nhãn có ghi số tiền, cau mày. Bà mở ví ra đếm rồi hỏi nhân viên xem có rẻ hơn được không. Người bán hàng nói: “Đã giảm 10% rồi”.

Sau đó mẹ nhìn tôi, lại mở ví, đắn đo một hồi rồi hỏi: “Tính theo giá nhân viên có được không?”.

Cuối cùng, mẹ khiêm tốn đưa chiếc ví cho nhân viên bán hàng. Người bán hàng nhìn tôi trong ba giây. Sau đó ông liếc nhìn đôi dép có đế mòn trên chân của mẹ. Cuối cùng, đôi giày thể thao của tôi được giảm giá gần 25% – giá thỏa thuận.

Ya! Ngày hôm sau, tôi đi đôi giày trắng mới đó và bước vào lớp với một khung cảnh rực rỡ. Bởi vì tất cả nam sinh trong lớp đều mang một đôi Nike trên chân, tôi cũng có một đôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi ghét chính mình trong ký ức đó.

Lòng mẹ bao la

Khi tôi học đại học, mẹ đi dọn dẹp nhà cửa cho người khác để kiếm sống. Một lần mẹ tôi nói với tôi trong nước mắt: “Mẹ xin lỗi…Con học rất giỏi nhưng mẹ không có tiền để cho con có chỗ học tốt hơn…”

Tôi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Mẹ tôi bối rối nói rằng gia đình người chủ muốn gửi con trai đến Đại học Stanford ở Hoa Kỳ. Nghe nói đây là trường đại học tốt nhất, sau khi tốt nghiệp đều là nhân tài.

Tôi nhìn vào đôi mắt tự trách của mẹ, mặt đỏ bừng. Tôi lao tới ôm chặt lấy mẹ, chợt nhận ra người mẹ trong vòng tay tôi thật nhỏ bé và gầy gò… Thân hình gầy guộc từng centimet ấy đã làm thế nào để vượt qua cái nóng, cái lạnh mà nuôi ba đứa con là chúng tôi.

“Mẹ ơi, mẹ đã nuôi con khôn lớn, mẹ đã giỏi lắm rồi… Mẹ đã cho con đủ rồi, con sẽ tự làm ra những gì con muốn…” – Kỷ niệm đó tôi nhớ mãi, thật nặng nhưng thật ấm.

Mẹ tôi dốc hết ví để mua giày mới cho tôi, nhưng quên rằng đôi giày của mình đã bị mòn từ lâu. Mẹ tự trách mình tại sao không thể đưa tôi ra nước ngoài, nhưng không bao giờ phàn nàn rằng mẹ phải đi làm ngay sau khi tốt nghiệp tiểu học. Cuối cùng tôi nhận ra rằng mẹ là người luôn “cảm thấy không có đủ cho con cái mình và quên mất những gì mình muốn”. Lòng mẹ thật bao la. Tôi tự hỏi mình có biết nghĩ cho người khác như vậy không?

Theo Epoch Times

Quý độc giả có thể đọc bài gốc tại đây