Bí quyết dưỡng sinh đơn giản của cụ ông gần 200 tuổi
Cụ ông gần 200 tuổi có bí quyết dưỡng sinh tưởng chừng rất đơn giản, nhưng có bao nhiêu người thực sự có thể duy trì trong cuộc sống hằng ngày?
Người đàn ông sống gần 200 tuổi
Vào thời cận đại, có một người đàn ông gần 200 tuổi tên là Lý Thanh Vân ở Trung Quốc. Ông là một học giả Trung y vào cuối thời nhà Thanh. Khi mới trở thành người sống trăm tuổi, ông đã được chính phủ trao giải thưởng vì thành tích xuất sắc trong Trung y và thuốc Đông y. Về sau dù đã gần 200 tuổi nhưng Lý Thanh Vân vẫn thường xuyên giảng dạy ở các trường đại học, có nhiều học giả phương Tây vì muốn gặp mặt ông một lần mà từ phương xa đến thăm ông.
Lý Thanh Vân quê ở Kỳ Giang, thành phố Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên. Ông là một trong những cụ già sống lâu nổi tiếng trên thế giới. Tương truyền ông không chỉ là học giả về Trung y, mà còn là Đại sư khí công và cố vấn chiến thuật.
Có nhiều ý kiến khác nhau về tuổi thật của Lý Thanh Vân, có người nói năm sinh của ông là 167 TCN, cũng có người nói là năm 1497 hay năm 1677. Cho dù theo cách nói mới nhất là năm 1677, ông cũng đã trải qua 9 thời đại, bao gồm Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống, v.v., cho đến thời kỳ đầu của Trung Hoa Dân Quốc, ông được 256 tuổi. Nếu lấy năm 167 TCN làm cơ sở thì ông sẽ trở thành một ông già nghìn tuổi- 2100 tuổi. Bản thân Lý Thanh Vân từng nói rằng, ông sinh năm 1736, như vậy thì cũng đã 197 tuổi. Kỳ thực, ông là quốc bảo hiếm có trên thế giới.
Trong gần 200 năm cuộc đời, Lý Thanh Vân có tổng cộng 24 người vợ và con cháu lên tới 180 người. Tờ The New York Times, Tạp chí Time và các phương tiện truyền thông khác đều từng đưa những bài báo liên quan đến ông.
Bí quyết dưỡng sinh của cụ Lý Thanh Vân
Lý Thanh Vân tin rằng, nếu một người muốn sống lâu, người đó phải duy trì một tâm trí bình tĩnh và bình yên. Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Time, ông đã nói rằng: “Bảo trì một loại tâm thái tĩnh lặng: ngồi như rùa, đi như chim và ngủ như chó”. Đây chính là bí quyết dưỡng sinh mà ông để lại cho thế hệ sau này.
Năm 1928, Lý Thanh Vân đã viết cuốn sách “Bí quyết trường sinh bất lão”. Trong đó có ghi lại rằng, bí quyết dưỡng sinh của ông liên quan mật thiết đến luyện tập khí công, ông rèn luyện cơ thể bằng phương pháp “kết hợp cương nhu, âm dương điều hòa”. Trong đó, ông chia sẻ 3 nguyên nhân giúp ông trường thọ và khỏe mạnh:
- Trường kỳ ăn chay.
- Thường xuyên bảo trì nội tâm bình tĩnh và thoải mái.
- Quanh năm đun nước cẩu kỷ và uống như trà.
Lý Thanh Vân có những thành tựu và trình độ phi thường trong Trung y và thuốc Đông y, và được mệnh danh là “thần tiên”. Ông tin rằng, tuổi thọ dài ngắn của con người phụ thuộc vào “nguyên khí”, con người được nuôi dưỡng bởi môi trường sống sau khi sinh ra, giống như ngọn nến, nếu được thắp lên và đặt trong lồng thì có thể khiến nó cháy rất lâu; nhưng nếu để nó ngoài trời mưa gió thì thời gian cháy của nó sẽ bị rút ngắn, thậm chí bị dập tắt.
Do đó, “nguyên khí” bị ảnh hưởng sâu sắc bởi môi trường sống sau khi sinh ra. Theo lý luận của Phố Ông, một người cổ đại rất giỏi về dưỡng thân, Lý Thanh Vân đã nhấn mạnh về đạo dưỡng sinh, nhất định phải lấy từ, kiệm, hòa, tĩnh làm đạo “căn bản”.
Từ: là nhân từ, yêu thương và tâm địa thiện lương. Có thể bảo trì một trái tim nhân hậu, không làm hại đồ vật hay làm hại người, có thể giúp con người chống chọi được với nhiều thảm họa khác nhau, tự nhiên đạt được khỏe mạnh trường thọ.
Kiệm: có nghĩa là tiết chế, tiết kiệm, tiết chế ăn uống thì có thể bồi dưỡng tỳ vị; tiết chế ham muốn thì có thể tập trung tinh lực; tiết chế giao du thì có thể chọn bạn ít phạm phải sai lầm; tiết chế tửu sắc thì có thể giữ tâm thanh tịnh và ít dục vọng; tiết chế suy nghĩ, có thể tránh được phiền não; tiết chế lời nói thì có thể nuôi dưỡng hơi thở, tránh được thị phi. Nếu có thể tiết chế trong mọi việc, bạn sẽ được hưởng lợi từ nó.
Hòa: có nghĩa là hòa nhã và hòa thuận. Quân thần hòa thuận thì đất nước hưng thịnh; cha con hòa thuận thì gia đình hạnh phúc; anh em hòa thuận thì hỗ trợ lẫn nhau; vợ chồng hòa thuận thì gia đình yên ấm; bạn bè hòa thuận thì sẽ chăm sóc lẫn nhau, đạt đến đạo vạn sự tường hoà.
Tĩnh: có nghĩa là thanh tĩnh và bình tĩnh. Nếu cơ thể không làm việc quá sức và đầu óc không suy nghĩ lung tung thì nội tâm tự nhiên sẽ tĩnh lặng, cơ thể sẽ an bình.
Quan điểm của Lý Thanh Vân về thói quen sinh hoạt: Không nên ăn quá no, nếu không ruột và dạ dày sẽ bị tổn thương; không nên ngủ quá lâu, nếu không tinh khí sẽ tiêu tán. Trong gần 200 năm qua, ông chưa bao giờ ăn quá nhiều hoặc ngủ quá lâu.
Lý Thanh Vân đi ngược lại với nhịp độ sống hiện đại và nhanh gọn ngày nay. Ông cho rằng mọi người thường hành động quá vội vàng, điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hãy cứ bước đi thong thả, không vội vã, mắt không nhìn quá lâu, tai không nghe quá lớn. Khi nghỉ ngơi không nên ngồi cho đến khi mệt mỏi hoặc nằm cho đến khi chán nản. Khi đối mặt với cảm giác thèm ăn, bạn nên ăn trước khi bị đói, uống trước khi bị khát, nên ăn ít, không nên ăn nhiều và đột ngột. Ngoài ra, đừng để những cảm xúc vui mừng, tức giận, yêu thương và ghét bỏ ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn; cũng đừng để phú quý, vinh nhục ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn. Đây chính là đạo để trường thọ.
Theo Vision Times