Cách ứng phó với những người tiêu cực

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng gặp phải một người cực kỳ tiêu cực, họ lúc nào cũng bi quan, luôn than phiền về mọi chuyện.
- 3 cách giúp bạn thoát khỏi cảm xúc tiêu cực
- Thiền: Một cách đơn giản, nhanh chóng để chữa lành những cảm xúc tiêu cực
Ai cũng có lúc trải qua những ngày tồi tệ và dễ cáu bẳn vì những điều khó chịu, nhưng với những người tiêu cực một cách triền miên, họ không chỉ khiến người khác thấy mệt mỏi khi ở gần, mà còn mang trong mình một trạng thái tâm lý độc hại có sức lây lan mạnh mẽ.
Điều quan trọng là bạn cần học cách nhận biết, để đảm bảo rằng bản thân mình không rơi vào trạng thái tương tự, và biết cách bảo vệ năng lượng tích cực của mình khi phải đối mặt với kiểu người như vậy.
Dù việc thể hiện lòng trắc ẩn và cố gắng trợ giúp tinh thần người khác là điều rất đáng quý, nhưng trong một số trường hợp, bạn sẽ cần phải là một nhà tâm lý học chuyên nghiệp hoặc huấn luyện viên cuộc sống thì mới có hy vọng tạo ra sự thay đổi nơi họ.
Nếu bạn không sẵn sàng đối mặt với thử thách ấy, hoặc đã cố gắng mà không có kết quả, thì tốt hơn hết là nên hạn chế tiếp xúc với nguồn năng lượng tiêu cực từ họ.
Nội dung chính
Thế nào là người tiêu cực?
Người tiêu cực giống như một cái giếng nhiễm bẩn nếu bạn không có “bộ lọc” đủ mạnh, bạn rất dễ bị nhiễm độc theo. Họ rất khó chịu và dễ khiến người khác cảm thấy kiệt sức. Họ thường mang tâm lý nạn nhân và nhìn cuộc sống như một cuộc chiến đã thua không có gì đáng để mong đợi hay hào hứng. Nói cách khác, họ không dám hy vọng, vì sợ sẽ thất vọng.
Nếu ai đó có rất ít bạn bè, rất có thể họ đã khiến người khác xa lánh bởi thái độ tiêu cực, hoặc họ vốn không thích mọi người. Dù lý do là gì, đó đều là tín hiệu cảnh báo cho bạn.
Vì ít khi thực sự trải nghiệm được hạnh phúc, người tiêu cực cho rằng hạnh phúc chỉ là ảo tưởng được thổi phồng. Họ thậm chí còn cảm thấy vui khi nghe tin xấu và luôn tìm ra mặt tối ngay cả trong hoàn cảnh sáng sủa nhất.

Người ta thường nói: “Người đau khổ thường thích kéo người khác khổ chung” và sự tiêu cực sẽ gieo mầm bất hạnh khắp nơi nếu bạn không cẩn thận. Bí quyết là: đừng để những hạt giống ấy có cơ hội nảy mầm.
Những người tiêu cực thường mang một kiểu hoài nghi cay độc, khiến họ luôn thấy người khác như những kẻ ngu ngốc, vô dụng hoặc đáng ngờ. Họ có thể nghĩ rằng mình có câu trả lời cho vấn đề của bạn và muốn bạn lắng nghe lời họ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: cái nhìn của họ thường bị che mờ bởi sự oán giận cay đắng. Dù họ có thể đánh giá sự việc một cách đầy tự tin, bạn vẫn cần giữ sự tỉnh táo, vì rất có thể nhận định của họ hoàn toàn sai lệch với thực tế.
Mọi chuyện đều có lý do của nó. Người tiêu cực có thể mang trong mình một quá khứ đầy tổn thương, hoặc thậm chí là rối loạn tâm lý thực sự.
Nếu họ sẵn lòng đón nhận lòng tốt, thì hãy giúp họ bằng tất cả sự thiện chí. Nhưng nếu họ đáp lại lòng tử tế bằng sự nghi ngờ, nổi giận vô cớ, hoặc tìm cách thao túng bạn, thì tốt hơn hết bạn nên dành thời gian ấy cho những điều đáng giá hơn.
Một người chỉ có thể được giúp đỡ khi họ thật sự muốn thay đổi chính mình. Nếu bạn chọn rút lui, họ có thể cảm thấy rằng mình “đã đúng” trong cách nghĩ tiêu cực ấy. Cứ để họ cảm thấy như vậy, nhưng đừng mang cảm giác có lỗi. Khi họ sẵn sàng thay đổi, họ sẽ tự tìm đến bạn với một thái độ tốt đẹp hơn.
Tác động của sự tiêu cực
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những tin xấu thường được giật tít để thu hút sự chú ý. Không chỉ được phát liên tục suốt 24 giờ từ đủ mọi nguồn khác nhau, mà nó còn bị “cảm xúc hóa” để lôi kéo người xem.
Dù việc cập nhật thông tin là cần thiết, nhưng việc tập trung quá mức vào những viễn cảnh tiêu cực hay còn gọi là “gieo rắc nỗi sợ” – thực chất lại gây hại nghiêm trọng đến tâm lý con người. Nghiên cứu đã cho thấy rằng việc thường xuyên tiếp xúc với tin tức tiêu cực góp phần gia tăng căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
Một cuộc khảo sát đã cho những người tham gia xem các bản tin tiêu cực, tích cực và trung lập; kết quả cho thấy rằng tin tiêu cực khiến họ lo lắng nhiều hơn và có xu hướng phóng đại các sự kiện không may, biến chúng thành những vấn đề nghiêm trọng hơn thực tế.
Không chỉ vậy, việc tiếp xúc với những hình ảnh về cái chết, bạo lực và bi kịch cũng có thể dẫn đến các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Một nghiên cứu về tác động của cảm xúc tiêu cực cho thấy rằng nó có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đột quỵ và đau tim.
Theo tiến sĩ Travis Bradberry, các nơ-ron thần kinh ở vùng hồi hải mã – nơi chịu trách nhiệm về tư duy và ghi nhớ, có thể bị tổn hại bởi sự tiêu cực, dẫn đến suy giảm trí thông minh và khả năng suy nghĩ của con người.
Cách để đối diện với người tiêu cực
Đối với hầu hết mọi vấn đề, nguyên tắc khôn ngoan nhất là bắt đầu từ chính bản thân. Nếu bạn nhận thấy mình cũng có vài nét tính cách tiêu cực như đã nói, thì đã đến lúc thay đổi.
Hãy tập nhìn vào những mặt tích cực trong mọi tình huống. Thực hành chánh niệm, và bắt đầu thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng hy vọng, lòng biết ơn và sự bình an. Cuối cùng, bạn sẽ đạt đến trạng thái mà người tiêu cực không còn đủ sức làm lung lay năng lượng tích cực bên trong bạn.
Nếu bạn đã bị ảnh hưởng đến mức rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng hay mất tự tin, thì bạn cần một thời gian “giải độc” để khôi phục lại sự tích cực của mình. Hãy cố gắng loại bỏ các nguồn tiêu cực ra khỏi cuộc sống – từ những người hay phán xét, mạng xã hội cho đến các bản tin trong thời gian bạn hồi phục. Và rồi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy lo âu và buồn bã tan biến nhanh đến thế nào, một khi bạn ngừng nuôi dưỡng chúng.
Cũng giống như các tiếp viên hàng không luôn nhắc bạn trong hướng dẫn an toàn rằng: “Hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi giúp đỡ người khác,” bạn cũng cần có một nguồn năng lượng tích cực đủ vững vàng trước khi nghĩ đến việc hỗ trợ người bi quan.
Hãy bao quanh mình bằng những điều tích cực như đọc sách truyền cảm hứng, kết nối với những người bạn vui vẻ, và tham gia vào các hoạt động mang lại cảm giác ý nghĩa để xây dựng cho bản thân một “hệ miễn dịch” với năng lượng tiêu cực.
Bảo vệ sự tích cực trong bạn
Bằng cách quan sát chính mình, bạn sẽ nhận ra được mức độ tiêu cực mà bản thân có thể chịu đựng. Có người nhạy cảm hơn người khác, vì vậy hãy đặt giới hạn phù hợp với sức chịu đựng của chính mình.
Đôi lúc, bạn cần tránh xa những người tiêu cực, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể cắt đứt với những người khiến bạn mệt mỏi. Với những mối quan hệ tiêu cực không thể tránh, hãy đặt ra ranh giới rõ ràng.
Khi họ bắt đầu than vãn, chỉ trích hoặc áp đặt, nếu bạn thấy năng lượng tiêu cực của họ đang lấn át sự tích cực của mình, hãy lịch sự rời đi. Việc rời đi khỏi một tràng dài những lời than phiền không phải là bất lịch sự. Mọi điều bạn tiếp nhận đều tiêu tốn thời gian và năng lượng, và bạn có quyền dành chúng cho những điều thực sự đáng giá.
Những người hay than vãn thường kể lể vấn đề như một cách rủ bạn bước vào “bữa tiệc tiêu cực” của họ. Hãy nhẹ nhàng từ chối lời mời đó bằng một câu “Không, cảm ơn” – và hỏi ngược lại xem họ dự định giải quyết vấn đề ra sao.
Dù họ chưa có câu trả lời, thì bạn cũng đã gieo được một hạt giống tích cực. Nếu họ đang gặp vấn đề nghiêm trọng, bạn có thể gợi ý họ tìm đến một chuyên gia tâm lý. Một số người tiêu cực lại “sống bằng” mâu thuẫn, và thường dùng lời lẽ cay độc để kích động người khác nổi giận.
Nhưng hãy nhớ rằng: vấn đề nằm ở tư duy của họ; và bạn không cần, cũng không nên tranh luận để chứng minh điều đó. Cứ để họ tự thể hiện bản chất, và bỏ ngoài tai những lời tiêu cực không đáng để lắng nghe.
Nếu người thân yêu của bạn là người tiêu cực, thì vấn đề sẽ trở nên cá nhân hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải gánh lấy nó. Hãy hiểu rằng họ có thể đang chịu đựng một nỗi đau nào đó trong lòng. Hãy cố gắng tìm hiểu nỗi đau ấy đến từ đâu và đừng để bản thân trở thành một phần nguyên nhân gây ra nó. Hãy trao cho họ sự thấu hiểu, nhưng đừng nhận lấy những tổn thương và gánh nặng cảm xúc của họ như thể đó là trách nhiệm thuộc về bạn.
Hãy giúp những người bạn có thể
Việc giúp đỡ một người tiêu cực có thể khiến bạn kiệt sức và mệt mỏi. Nhưng với những người quan trọng trong đời bạn, bạn vẫn sẽ muốn cố gắng vì họ.
Lòng tốt là thứ khó bị từ chối, hãy quan tâm đến họ nhiều hơn. Gửi một món quà nhỏ, một tấm thiệp, hay đơn giản là một cử chỉ để họ thấy rằng bạn thật sự quan tâm. Hãy cho họ thấy sự cởi mở và đáng tin, để họ biết rằng yếu đuối không phải là điều xấu hổ.

Biết lắng nghe là một kỹ năng và cũng là món quà quý giá. Nếu bạn cho họ thấy bạn hiểu điều họ đang trải qua, có thể họ sẽ không còn cần nhắc lại mãi những điều tiêu cực.
Nếu bạn nảy ra ý tưởng giúp họ, đừng ngần ngại chia sẻ, có thể điều đó sẽ kéo họ ra khỏi bế tắc. Còn nếu họ từ chối, thì ít nhất bạn đã làm hết lòng.
Hãy mang đến tiếng cười, vì nụ cười lan truyền rất nhanh, lại miễn phí! Hãy chia sẻ nó thật nhiều, và biết đâu bạn sẽ nhận lại một nụ cười – dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng tích cực bạn đã tạo ra.
Nhưng hãy nhớ: hạnh phúc của người khác không phải là trách nhiệm của bạn. Nếu bạn đã cố gắng mà không có kết quả, và bạn không thể giữ sự tích cực khi ở gần họ, thì hãy buông bỏ trước khi nó trở thành gánh nặng.
Theo Visiontimes