“Sự xa cách khiến trái tim thêm yêu thương”

“Sự xa cách khiến trái tim thêm yêu thương” là câu tục ngữ có vẻ như hơi cường điệu, nhưng khi tự mình trải nghiệm cảm giác xa cách người thương thì mới thấy thật sự thấm thía.
Gần đây, chồng tôi phải đi công tác xa trong vài tháng, và chính quãng thời gian xa cách ấy khiến tôi thấu hiểu sâu sắc hơn bao giờ hết về câu tục ngữ: “Absence Makes the Heart Grow Fonder”, tạm dịch là: Sự xa cách khiến trái tim thêm yêu thương.
Nguồn gốc câu tục ngữ: “Sự xa cách khiến trái tim thêm yêu thương”
Thật khó tin khi biết rằng câu tục ngữ này đã hiện diện ở phương Tây suốt hơn hai thiên niên kỷ. Giống như nhiều câu tục ngữ khác, nó mang trong mình một bề dày lịch sử đầy thú vị – không chỉ cho thấy hành trình dài lâu mà nó được gìn giữ và lưu truyền, mà còn phản ánh những nền văn minh mà nó đã chứng kiến và vượt qua.
Nguồn gốc sớm nhất của câu tục ngữ này được cho là xuất phát từ một thi sĩ La Mã tên là Sextus Aurelius Propertius, người từng sống vào khoảng năm 50 đến năm 15 trước Công nguyên. Trong tác phẩm mang tên “Elegies”, ông đã viết: “Semper in absentes felicior aestus amantes.” Câu này ngoài việc đôi lúc được diễn đạt lại thành phiên bản hiện đại mà ta quen thuộc – còn thường được dịch: Passion is always warmer toward absent lovers – Càng xa nhau tình cảm càng thêm nồng đượm.

Trải qua thời gian, câu tục ngữ này đã mang nhiều hình thức khác nhau và xuất hiện trong nhiều bối cảnh như thơ ca, âm nhạc và các lĩnh vực nghệ thuật khác. Vì quá xưa cũ, nên thật khó để xác định chính xác thời điểm nó bắt đầu được sử dụng phổ biến dưới dạng hiện nay. Tuy vậy, vào khoảng thế kỷ 17, câu tục ngữ này đã nhiều lần xuất hiện trên các tài liệu in ấn với nhiều cách diễn đạt khác nhau.
Lần đầu tiên nó xuất hiện bằng tiếng Anh trên văn bản có thể là vào năm 1602, như một phần của một bài thơ vô danh trong tuyển tập Poetical Rhapsody của Francis Davison. Và vào năm 1616, một phiên bản khác của nó đã được xuất bản trong tác phẩm “Characters” của Thomas Overbury, trong đó ông viết: “Vắng nhau tình yêu trở nên mãnh liệt; bên nhau rồi tình yêu càng thêm bền chặt.”
Vào thời điểm đó, có thể câu nói này đã bắt đầu được nhiều người biết đến. Cũng có thể, việc nó xuất hiện ở nhiều nơi chỉ đơn giản là do cảm xúc ấy quá quen thuộc với con người. Đến năm 1650, một phiên bản khác của câu nói lại xuất hiện, lần này là trong tác phẩm Familiar Letters của James Howell: “Khoảng cách đôi khi khiến tình bạn trở nên quý giá, và sự xa cách làm cho tình cảm thêm phần ngọt ngào.”
Tuy vậy, có một điều mà các nhà nghiên cứu nhất trí rằng một bài hát thế kỷ 19 mang tên “Isle of Beauty” đã góp phần quan trọng vào việc phổ biến phiên bản tục ngữ như ta biết ngày nay. Trong tác phẩm xuất bản năm 1844 “Songs, Ballads, and Other Poems” – Thomas Haynes Bayly đã viết:
“Bao nhiêu tôi cũng sẵn lòng đánh đổi,
Để được cùng người xưa lang thang chốn cũ,
Xa cách càng khiến trái tim thêm yêu thương,
Tạm biệt nhé, hòn đảo xinh đẹp ơi!”
Bài hát với ca từ tuyệt hay này đã được xuất bản trong nhiều sách Thánh ca khác nhau, và nhờ đó, nhà thơ tài năng Bayly đã khiến câu hát ấy trở thành một câu tục ngữ bất hủ trong tiếng Anh.
Bạn không nhận ra những gì bạn có cho đến khi nó mất đi
Khi suy ngẫm về điều đó, tôi nhận ra rằng câu “Xa cách khiến trái tim thêm yêu thương” chứa đựng một cảm xúc tương tự như một câu nói hiện đại cũng khá sâu sắc: “Bạn không biết mình có gì cho đến khi nó mất đi.”
Thế nhưng, khi đọc lại bài thơ của Bayly, tôi thấy câu nói hiện đại này lại không đem lại cảm giác trọn vẹn và sâu lắng như câu tục ngữ cổ xưa, đúng không? Và điều đó cho thấy vì sao chúng ta nên gìn giữ những câu tục ngữ cổ đầy giá trị ấy.
Đúng là chỉ khi tạm thời rời xa những thứ mình đã quen thuộc, ta mới bắt đầu nhìn thấy giá trị của nó. Trong vài năm gần đây, tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta đều đã phần nào trải nghiệm cảm giác ấy, và đó là “nhờ” vào COVID-19.
Trong thời kỳ đại dịch, khi chúng ta không thể gặp bạn bè, người thân hay thậm chí là đồng nghiệp như bình thường, ta đã dần học cách trân trọng hơn bao giờ hết sự kết nối giữa con người với nhau. Và cũng từ đó, ta bắt đầu biết ơn, nhưng có lẽ cũng phần nào ghét bỏ những kết nối công nghệ đã giúp ta cầm cự suốt quãng thời gian đó.
Những sự kiện trực tiếp như hòa nhạc, thể thao, hay lễ bái v.v. Xem qua video thì chẳng bao giờ trọn vẹn, dẫu con người có cố gắng đến đâu. Nguồn năng lượng của âm nhạc, bầu không khí phấn khích của đám đông cổ vũ, hay chiều sâu trong kết nối tinh thần – tất cả những điều đó không thể tái tạo bằng công nghệ.
Có những sợi dây vô hình gắn kết tất cả chúng ta, bất kể ta đang ở đâu, nhưng chỉ khi gặp nhau trực tiếp, ta mới thực sự cảm nhận được chúng một cách trọn vẹn nhất.
Câu tục ngữ “Xa cách khiến trái tim thêm yêu thương” không chỉ truyền tải một sự thật, mà còn dạy ta một bài học đạo đức: hãy trân trọng những người xung quanh và gìn giữ các mối quan hệ khi còn có thể, bởi vì không có thứ gì tồn tại mãi mãi.
Theo The Epoch Times