Chuyện kỳ bí: Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng đối thoại với linh hồn người mẹ

Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Quý Tiện Lâm từng có một trải nghiệm vô cùng kỳ bí, là khoảnh khắc vừa huyền ảo vừa chân thực khi được đối thoại với linh hồn người mẹ đã mất của mình.
Đôi nét về quốc học đại sư Quý Tiện Lâm
Quốc học đại sư Quý Tiện Lâm là một chuyên gia ngôn ngữ học nổi tiếng, đồng thời ông cũng là một học giả Phật học có trình độ sâu rộng.
Trong rất nhiều nghiên cứu của mình, ông đã từng đề xuất một quan điểm vô cùng độc đáo rằng: Phật Di Lặc (Maitreya) và Đấng Cứu Thế (Messiah) rất có thể là cùng một người. Đây là kết luận được rút ra sau khi Quý Tiện Lâm và đệ tử của ông – Giáo sư Tiền Văn Trung tại Đại học Phục Đán, tiến hành khảo chứng. Trong văn hóa tín ngưỡng của phương Tây, Đấng Cứu Thế được gọi là ‘Messiah’, tên gọi này xuất phát từ tiếng Do Thái – המשיח (Mashiach). Còn Maitreya trong tiếng Phạn có nghĩa là ‘lòng từ bi’. Maitreya và Mashiach có cách phát âm rất tương tự.
Quý Tiện Lâm cho rằng, cái tên ‘Maitreya’ (彌勒) là do dịch thuật không chính xác gây ra. Vào thời nhà Đường, trong hành trình đi Tây Thiên cầu Pháp, cao tăng Huyền Trang cũng đã phát hiện ra điều này. Tuy nhiên, vì mọi người đã quen dùng “Phật Di Lặc” nên cũng không ai đụng đến nữa.
Giáo sư Tiền Văn Trung cho biết, khoảng 1000 năm trước Công Nguyên, tức là 500 năm trước khi Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra ở Ấn Độ cổ, khu vực rộng lớn bao gồm Tây Á, Bắc Phi, Anatolia, vùng Mesopotamia và Ai Cập đã phổ biến tín ngưỡng về Đấng Cứu Thế tương lai. Mà ‘Messiah’ trong Cơ Đốc giáo và tín ngưỡng về Di Lặc ở Ấn Độ đều bắt nguồn từ đó. Quan điểm này cho đến nay vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong giới học thuật.
Tuy nhiên, hôm nay chúng ta không nói về thành tựu Phật học của Quý Tiện Lâm, mà là giới thiệu một câu chuyện kỳ bí mà ông đã trải qua.
Quý Tiện Lâm từng viết rất nhiều câu chuyện về mẹ của mình. Trong tác phẩm “ức vãng thuật hoài”, ông kể về một sự việc mà ngay chính ông cũng không tin, nhưng lại rất chân thực.
Linh hồn người mẹ mới mất trở về gặp con trai
Lúc ông còn đang học tại Đại học Thanh Hoa, một ngày nọ ông nhận được thông báo rằng mẹ của ông đột ngột qua đời. Quý Tiện Lâm buồn bã, vội vàng từ Bắc Kinh trở về quê hương Thanh Bình để an táng mẹ. Khi trở về nhà, ông thấy mẹ đã nhập liệm, nằm trong một chiếc quan tài đen.
Đối diện nhà ông là nhà ông Ninh (chú của Quý Tiện Lâm), giữa hai nhà là một vườn táo. Đêm hôm đó, Quý Tiện Lâm đang ngủ trong phòng cùng một người chú, bỗng nhiên ông Ninh bước vào nhà, vòng qua quan tài của Quý mẫu, trực tiếp đi đến trước giường đất trong phòng mà đánh thức Quý Tiện Lâm đang ngủ say, với vẻ hơi hoang mang nói rằng vợ ông – bà Ninh đã bị “ma nhập”.
Nhưng người ‘nhập’ vào bà Ninh lại chính là mẹ của Quý Tiện Lâm. Vừa nghe xong, Quý Tiện Lâm lập tức sững sờ, cơn buồn ngủ tan biến trong chớp mắt. Ông bật dậy ngay lập tức, loạng choạng đi theo ông Ninh băng qua vườn táo. Khi đến nhà ông Ninh, ông thấy bà Ninh đang ngồi trên giường đất, mắt tuy nhắm nhưng miệng không ngừng nói chuyện. Vừa nghe ông lập tức nhận ra đó không phải lời của bà Ninh, mà chính là lời của mẹ mình.
Mặc dù bà Ninh vẫn nhắm mắt, nhưng khi Quý Tiện Lâm vừa bước vào, bà liền nắm chặt tay ông và nói: “Con ơi! Con làm mẹ nhớ thương đến khổ sở! Rời nhà tám năm rồi, mà con cũng chẳng về thăm mẹ lấy một lần. Con có biết trong lòng mẹ khổ sở thế nào không?”
Những lời nhớ nhung như thế, mẹ ông cứ nói mãi không ngừng. Quý Tiện Lâm nhìn người trước mặt rõ ràng là bà Ninh nhưng giọng nói lại chính là của mẹ ông. Ông lập tức cảm thấy như bị giáng một đòn vào đầu, đầu óc choáng váng, hoàn toàn không biết phải làm gì.
Là một người tiếp nhận nền giáo dục cao, trong tiềm thức ông liên tục tự hỏi mình: “Chuyện này làm sao có thể? Đây là thật ư?”
Trong lòng ông dâng trào đủ thứ cảm xúc chua ngọt đắng cay, rối như một nồi nước sốt bị khuấy tung. Ông nói với “mẹ”: “Mẹ ơi! Mẹ không nên đến tìm thím Ninh. Mẹ không nên làm phiền bà ấy mà!”
Người “mẹ” của ông đáp lời: “Ừ, đúng vậy! Mẹ phải đi rồi!”
Đúng lúc đó, bà Ninh bỗng mở mắt ra, ngồi đờ đẫn trên giường đất, hoàn toàn không biết chuyện gì vừa xảy ra.
Quý Tiện Lâm trở về nhà, nhìn thấy quan tài của mẹ, ông úp mặt trên giường mà khóc, đau buồn đến mức cứ khóc mãi đến tận sáng.
Một người mẹ mỗi ngày tựa cửa chờ con, cứ thế trông đợi suốt tám năm trời. Cuối cùng cũng “gặp” lại được đứa con trai mà bà hết mực thương nhớ. Đối với linh hồn người mẹ, há chẳng phải là một sự an ủi sao? Chỉ là sự an ủi ấy nửa thực nửa hư, như có như không. Trước sinh ly tử biệt, âm dương cách trở, khoảnh khắc “gặp gỡ” này trở nên thật mong manh và xa vời biết chừng nào!
Theo Sound of hope