5 bước để tha thứ cho người khác mà không cần lời xin lỗi

Làm thế nào để tha thứ cho những người đã làm tổn thương bạn, ngay cả khi họ không xin lỗi, thậm chí họ là người mà bạn đã từng đối xử hết lòng?
Cảm giác bị oan ức đôi khi thật khó chịu đựng, đặc biệt khi nỗi đau đó đến từ người mà ta thật sự quan tâm.
Loại cảm xúc này nếu để âm ỉ kéo dài, nó có thể khiến cuộc sống của chúng ta chìm trong oán giận, thậm chí tuổi thọ bị rút ngắn đi lúc nào không hay.
Để tránh những khổ đau không cần thiết, hãy thử thực hành 5 bước tha thứ sau đây. Chúng sẽ giúp bạn thay đổi góc nhìn, hóa giải được với chính mình cũng như với đối phương.
Nội dung chính
1. Phân tích xem họ có cố ý làm vậy, hay chỉ là vô tình
Thay vì để những suy nghĩ tiêu cực hình thành trong đầu, hãy cân nhắc xem liệu người đó có thật sự cố ý làm tổn thương bạn không. Rất có thể họ thậm chí còn không nhận ra rằng họ đã khiến bạn đau lòng.

Một cuộc trò chuyện chân thành có thể giúp bạn tránh được nhiều ngày, thậm chí là nhiều năm sống trong oán giận vô căn cứ. Bằng cách bày tỏ suy nghĩ và giải thích cảm xúc một cách chân thành, chúng ta có thể đạt đến sự thấu hiểu lẫn nhau.
Nếu sau khi suy ngẫm về sự việc, chúng ta nhận ra rằng hành vi xúc phạm đó rõ ràng là cố ý, thì hãy mạnh mẽ lên và tiếp tục với những bước tiếp theo.
2. Hãy chuyển sự chú ý từ người khác về chính mình
Có thể những tổn thương mà bạn nhận được chỉ là phản ứng tự nhiên từ đối phương trước cách cư xử của chính bạn. Hãy tự hỏi bản thân: “Có phải mình đã làm gì đó mới khiến chuyện này xảy ra? Suy nghĩ, hành động và thái độ nào đã góp phần dẫn đến tình huống này?”
Tự soi xét lại bản thân đòi hỏi rất nhiều can đảm và sự trung thực, nhưng đó là điều vô cùng đáng giá. Bước này cho phép chúng ta thoát khỏi tâm lý nạn nhân và có thêm sức mạnh để định hình cuộc sống bằng những lựa chọn đúng đắn. Một lời xin lỗi chân thành từ phía bạn là cách nhanh nhất để hóa giải mọi hiểu lầm.
Nếu bạn nhận ra rằng mình không có lỗi trong chuyện này, thì bước tiếp theo chính là lòng trắc ẩn.
3. Để tha thứ cho người khác, hãy nuôi dưỡng lòng trắc ẩn
Thể hiện lòng trắc ẩn với những người đã làm tổn thương ta có thể không phải là phản ứng đầu tiên, nhưng đó là một thái độ khôn ngoan sẽ chỉ có lợi nếu lựa chọn.
Điều đó có thể trở nên dễ dàng hơn đôi chút khi đối diện với những người không hạnh phúc. Có lẽ họ đã trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn, và tính cách của họ được hình thành như một cơ chế tự bảo vệ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trải nghiệm tiêu cực trong tuổi thơ (ACEs) có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển thể chất, tinh thần và cảm xúc của con người. Dù hành động của họ có thể khiến người khác tổn thương, nhưng rất có thể họ đang âm thầm mang trong mình nỗi đau còn lớn hơn.
Nhưng còn những người có vẻ hạnh phúc, hoặc thậm chí lấy làm thích thú khi khiến bạn tổn thương thì sao? Khi ấy, ta cần nhớ rằng mọi chuyện đều xảy ra vì một lý do nào đó, dù ta có nhận ra hay không.
Có một câu chuyện cổ trong Phật giáo minh họa điều này rất rõ. Chuyện kể rằng, một con chuột chết nằm dưới cái nắng chói chang. Một người lái buôn đi ngang qua, thấy xác con chuột đang phân hủy thì bịt mũi vì ghê tởm rồi bỏ đi. Sau đó, một học giả đi qua. Khi thấy sinh vật đáng thương đang thối rữa trong cái nóng, ông động lòng trắc ẩn và muốn dành cho nó một cái chết có phẩm giá nên đã đem nó đi chôn.
Nhiều năm sau, tôn giả A Nan – đệ tử của Đức Phật Thích Ca bị một bà lão mắng mỏ vô cớ và từ chối cho ông uống nước. Đức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất hãy thay mặt A Nan xin lỗi bà. Thật bất ngờ, bà lão lại tỏ ra vô cùng tử tế với Xá Lợi Phất và thậm chí còn dâng lễ vật cúng dường.
Đức Phật khi ấy mới giảng giải rằng: trong một kiếp sống, A Nan chính là người lái buôn từng lộ vẻ ghê tởm khi thấy xác con chuột – chính là bà lão hiện tại. Còn Xá Lợi Phất là vị học giả đã động lòng trắc ẩn và chôn cất con chuột ấy.
Chúng ta không thể biết được mức độ tổn thương mình đã gây ra cho người khác trong những kiếp sống trước. Theo thuyết nghiệp báo, mỗi người đều phải trả nợ bằng đúng những nỗi đau mà mình từng gieo cho người khác.
Dù thái độ lạnh lùng của bà lão đối với A Nan trong kiếp này tưởng như bất công, nhưng thực ra ông từng đối xử không tốt với bà trong quá khứ và giờ là lúc ông cần trả lại món nợ đó.
Khi hiểu được nỗi đau ấy sâu sắc ra sao, lòng thấu cảm sẽ tự nhiên sinh khởi, nhất là khi ta hình dung ra lý do mình nhận lấy điều đó. Và đôi khi, ta còn cảm thấy nhẹ nhõm, vì món nợ ấy đã được trả rồi.
4. Hãy xem đó là cơ hội để phát triển bản thân
Trong cuốn Đệ Tử Quy – một sách giáo khoa cổ của Trung Quốc dạy về đạo đức và lễ nghi có một lời khuyên rất sâu sắc:
“Thấy người tốt, nên sửa mình.
Dù còn xa, cũng dần kịp.
Thấy người xấu, tự kiểm điểm.
Có thì sửa, không thì cảnh giác.”
Dù cuốn sách được viết cho trẻ em, nhưng lời dạy đó vẫn rất hữu ích cho mọi lứa tuổi.

Theo cách nhìn này, bất kỳ tình huống rắc rối nào cũng có thể trở thành cơ hội để hoàn thiện bản thân, đặc biệt là khi ta là người bị tổn thương.
Chúng ta có thể dùng chính tình huống đau đớn đó như một tấm gương để soi lại mình: xem thử liệu tâm mình có những thứ tiêu cực giống người kia không, và suy ngẫm xem chúng đang ảnh hưởng thế nào đến những người xung quanh.
Với một số người, sự tha thứ kết thúc khi lỗi lầm bị lãng quên. Đó là một cách tha thứ và có thể phù hợp với rất nhiều người. Tuy nhiên, nếu mỗi lần bất chợt nhớ lại sự việc mà vẫn thấy đau, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn vẫn còn điều chưa thật sự buông bỏ.
Nhưng đừng nản lòng nhé, bạn chỉ còn một bước cuối cùng nữa thôi.
5. Hãy cầu chúc điều tốt lành cho họ
Khoa học đã chứng minh rằng những suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Việc dám thừa nhận nỗi đau mỗi khi hồi tưởng lại quá khứ, giúp ta có thể nhìn rõ những lối suy nghĩ đang chi phối cảm xúc của mình.
Ta có đang oán giận? Có còn xem mình là nạn nhân? Có cảm thấy cuộc sống bất công? Những suy nghĩ như thế này có thể đã trở thành thói quen vô thức của nhiều người trong chúng ta.
Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể vượt qua chúng và nhận ra rằng những suy nghĩ đó không phải là bản chất thật của mình.
Việc buông bỏ những suy nghĩ ấy sẽ đưa bạn đến gần hơn với sự kết thúc trọn vẹn của hành trình tha thứ. Hãy kết thúc hành trình ấy bằng một tâm thế mạnh mẽ: huy động toàn bộ nghị lực và quyết tâm để thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng những tư tưởng tích cực và lành mạnh.

Các thí nghiệm gần đây trên mẫu nước cho thấy rằng những suy nghĩ tập trung mạnh mẽ có thể làm thay đổi hình dạng và hành vi của các tinh thể nước.
Khi tiếp xúc với những cụm từ tích cực như “yêu thương” hay “biết ơn”, nước tạo nên những tinh thể đối xứng tuyệt đẹp. Ngược lại, khi tiếp xúc với những lời lẽ độc hại như “Mày khiến tao phát bệnh, tao sẽ giết mày”, các tinh thể trở nên vỡ vụn và méo mó.
Nếu suy nghĩ của chúng ta đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến thế giới vật chất, thì hãy tưởng tượng những suy nghĩ tích cực mạnh mẽ có thể tạo nên thay đổi lớn đến mức nào, không chỉ cho chính bản thân mà cả thế giới quanh ta?
Để tha thứ cho người khác, hãy tha thứ cho chính mình, lấp đầy trái tim với lòng biết ơn vì tất cả những gì bạn đã trải qua, và thành tâm cầu chúc người kia cũng có cơ hội thay đổi và trưởng thành – giống như cách họ đã vô tình trao cơ hội đó cho bạn.
Theo Vision times