Thứ Bảy , 16 Tháng Mười Hai 2023

Chúng ta thường lỡ đắc tội với người khác vì 4 điều sau

17/08/23, 17:22 Nhân sinh cảm ngộ
Phần lớn chúng ta lỡ đắc tội với người khác vì 4 điều sau đây

Nhân sinh phức tạp, các mối quan hệ đan xen vào nhau, đôi khi chỉ vì một chút sơ ý mà chúng ta đã đắc tội với người khác.

Nhiều người không thể hiểu cho đến khi đã trải qua quá nhiều biến cố, trượt ngã trong nhiều mối quan hệ, rằng hầu hết họ chẳng may đắc tội với người khác là vì 4 điều dưới đây:

 1– Lỡ đắc tội với người vì quá thẳng thắn: lời nói thiếu suy nghĩ

Người xưa có câu:“Ngồi yên nghĩ lỗi mình, không nói chuyện người khác.” Chúng ta đều hiểu như vậy, nhưng thực tế rất khó để có thể làm được. Thông thường, nếu thấy bạn của mình mắc lỗi mà không chỉ ra thì chúng ta sẽ cảm thấy có lỗi; thấy đồng nghiệp làm chưa tốt mà không chỉ ra thì cảm giác bản thân vô tâm; nếu không chỉ ra lỗi của người thân thì chúng ta nghĩ họ không thể tiến bộ… Đó là loại cảm giác rất khó chịu.

Lời nói thiếu suy nghĩ dễ khiến tình cảm sứt mẻ (ảnh: Phunuvietnam)

Trong chương thứ 72 “Tam Quốc Chí”, phần “cái chết của Dương Tu” có đoạn, Tào Tháo đem quân đến Hán Trung đánh Lưu Bị, bị mắc kẹt ở biên giới Tà Cốc, tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiến lên một cách hấp tấp, binh lính chắc chắn sẽ bị thiệt hại; và nếu rút quân, Tào Tháo sẽ bị Lưu Bị chế nhạo. 

Vào bữa tối, đầu bếp mang món súp sườn gà dâng Tào Tháo, ông thản nhiên nói: “Vô vị!”. Mọi người đều phân vân không hiểu được ý của Tào Tháo; chỉ có Dương Tu tỏ ra hiểu biết, ông ta nói với mọi người rằng:”Sườn gà ăn không ngon, nhưng bỏ đi thì đáng tiếc, ngụ ý là rút lui”.

Nghe lời Dương Tu, binh sĩ thu dọn hành lý và chuẩn bị hồi kinh. Biết tin, Tào Tháo vô cùng tức giận, cho rằng Dương Tu đã làm lung lay tinh thần quân đội rồi hạ lệnh cho người lấy đầu ông ta.

Dương Tu tỏ ra tài trí hơn người trước Tào Tháo, chiêu hoạ mất đầu (ảnh minh họa Kienthuc)

Một người “cái gì cũng biết, biết cái gì cũng nói”, không tạo cho người khác cảm giác an toàn, rất khó để sống hòa hợp. Kỳ thực “ngàn lời không bằng im lặng”, không nói cũng là một biện pháp để bảo vệ chính mình.

Ngạn ngữ có câu: “Con người chỉ mất 3 năm để học nói, nhưng phải mất cả đời để học cách im lặng”; chúng ta nên học cách lắng nghe nhiều hơn, nói ít làm nhiều, nếu thật sự muốn nói thì phải suy nghĩ kỹ.

 2- Luôn muốn thể hiện bản thân

Người quá coi trọng thể diện sẽ vì giữ “bộ mặt đẹp” mà lao tâm, khiến cuộc sống vốn đã không dễ dàng lại càng trở nên khó khăn, áp lực. Kết quả vừa đắc tội với người lại tự bôi nhọ bản thân.

Người bình thường vì sợ bị khinh rẻ phải cố gắng thể hiện bản thân: chụp ảnh đi ăn tại nhà hàng, đi du lịch sang chảnh, mua sắm thả ga tại các trung tâm thương mại; rồi vì tiền mà không từ thủ đoạn.

Phần lớn chúng ta lỡ đắc tội với người khác vì 4 điều sau đây
Thể hiện bản thân, truy cầu sự ngưỡng mộ, che giấu điểm yếu (ảnh: Cafeland)

Dục vọng khiến con người khoe khoang, còn biểu hiện của sự tu dưỡng chính là đức khiêm tốn. Người trí “nhìn thấu nhưng không nói thấu”, cho dù người khác có nói gì, hay làm gì họ vẫn bình thản sống theo lý tưởng của bản thân. Thế gian cũng lại có câu: “thà đắc tội với quân tử còn hơn đắc tội với tiểu nhân”; đôi khi im lặng giữ thể diện cho người khác cũng là để một lối thoát cho chính mình. 

Khi tiếp xúc với mọi người, bất kể mối quan hệ tốt hay không tốt, đối phương đả kích như thế nào, chúng ta cũng không cần thiết phải thể hiện bản thân. Giữ trên môi nụ cười chân thành với tâm thái bình ổn, đó là cách ứng xử phù hợp nhất.

3- Cho vay tiền và trở thành kẻ thù

Luôn có những người dùng tiền của người khác và tiêu xài như của mình. Sau khi tiêu hết tiền, họ sẽ lại tiếp tục vay tiền và không nghĩ đến trả lại. Việc chúng ta cho những người như thế vay tiền là điều chẳng mang lại nghĩa lý gì cả. 

Nhiều năm trước, mẹ tôi đã vay tiền của chú tôi để xây dựng một trại chăn nuôi. Chú ấy liền nói tiền của mình đã ký gửi có thời hạn, hiện tại không thể rút ra được. Mẹ tôi không thể vay tiền từ chú ấy.

Năm ngoái, con trai chú lấy vợ, họ muốn mua nhà cho đôi vợ chồng trẻ nên gọi điện cho mẹ tôi hỏi vay tiền. Mẹ tôi trả lời, bà ấy chỉ có thể cho vay một khoản nhỏ thôi, chú có muốn nhận hay không?

Trong dịp Tết đoàn viên, họ hàng tụ tập ăn tối cùng nhau. Khi đó chú của tôi đã mượn rượu nói bóng gió rằng, có người sở hữu trăm triệu tiền tiết kiệm trong ngân hàng, nhưng họ chỉ sẵn lòng cho chú vay 30 triệu, thật không đáng giá.

Phần lớn chúng ta lỡ đắc tội với người khác vì 4 điều sau đây
Chuyện đáng buồn: cho vay tiền mất tình cảm (ảnh: Songdep)

Khi bước sang tuổi trung niên, bạn sẽ có một khoản tiết kiệm nhưng có những kiểu người mà chúng ta thà làm họ mất lòng, còn hơn “dùng tiền mua tình cảm”, ngay cả khi người đó là người thân, bạn bè, đồng nghiệp. 

Có nhiều cách để hủy hoại một mối quan hệ, và cách dễ nhất là cho vay tiền. Có lẽ, vừa nói đến tiền, tình cảm liền giảm đi 50%, vừa có tiền trong tay, tình cảm liền giảm đi 90%.

4- Lỡ đắc tội với người vì không biết từ chối

Có những người thật sự rất tốt bụng nhưng không có chính kiến. Họ thường nể nang người khác một cách quá mức. Họ cũng luôn tỏ ra bản thân là một người tốt; vì vậy mà lòng tốt vô độ của họ đôi khi đã tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.

Cuộc sống là có luật nhân quả “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”, tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức một sự thật, chúng ta chưa thể đạt đến cảnh giới “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Người xấu thường không biết xấu hổ, họ làm chuyện xấu mà không bị lương tâm lên án; người tốt có rất nhiều nguyên tắc, lại hay suy nghĩ cho người khác, suy nghĩ nhiều thì sinh bệnh. Chẳng phải đó là tự chiêu mời rắc rối cho bản thân hay sao?

cô gái
(ảnh:  Zshop)

Làm người thì nên sống tử tế, nhưng cũng cần có biện pháp bảo vệ bản thân. Gặp một kẻ vô liêm sỉ mà nói với họ về đạo lý làm người thì chúng ta cũng trở thành người bày đặt, nhiễu sự. Nếu chúng ta giúp đỡ kẻ vi phạm pháp luật thì còn trở thành tòng phạm; hoặc giúp đỡ kẻ xấu thực hiện mưu hèn kế bẩn làm hại người tốt thì chúng ta cũng không tránh khỏi liên luỵ.

Ngay cả khi bạn cho đi không cần báo đáp thì người tham lam sẽ cho rằng bạn cho họ quá ít, người không biết phân biệt tốt xấu vẫn cho là bạn vô tâm, người xấu sẽ dựa vào đó để “đào mỏ”.

Ở một độ tuổi nào đó, kinh nghiệm sống giúp chúng ta có thể nhìn thấu thế gian vô thường và tuỳ duyên một cách thông thái. Chúng ta sẽ khéo léo hơn trong giao tiếp và tránh việc đắc tội với người khác. Dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.

Cuộc sống phức tạp, chúng ta nếu không muốn trở thành nạn nhân thì nên học cách sống giảm bớt gánh nặng, và tự bảo vệ mình khi tiếp xúc với người khác. Làm người, cần học cách giữ im lặng, kiểm soát, cân bằng cảm xúc và mỉm cười. Không phải nói rằng chúng ta nên keo kiệt, nhưng hãy có trách nhiệm với chính mình bằng cách quản lý tốt tài sản; sống một cách có lý trí chúng ta sẽ giảm thiểu đắc tội với người khác.

Theo Aboluowang

x