Khi nói một vấn đề gì mà người khác mãi cũng không thể hiểu hay tiếp thu được thì người ta hay nói: “Đúng là đàn gảy tai trâu”. Câu thành ngữ này vừa để nói khả năng nhận thức của người nghe mà cũng nhắm đến trí huệ của người nói.

‘Đối ngưu đàn cầm’ – Đàn gảy tai trâu

Câu thành ngữ này xuất phát từ một điển cố bên Trung Quốc. “Đàn gảy tai trâu” tương đương chữ Hán là “Đối ngưu đàn cầm” (對牛彈琴).

Chuyện kể rằng, Công Minh Nghi là một âm nhạc gia nổi tiếng thời Chiến Quốc. Ông vừa có thể diễn tấu thất huyền cầm điêu luyện vừa có thể soạn nhạc.

Một hôm, ông đến vùng ngoại ô chơi đàn thì nhìn thấy một con trâu già đang ăn cỏ trên thảm cỏ xanh mướt. Công Minh Nghi nhất thời hứng thú cầm đàn đi đến bên cạnh con trâu già và gảy một khúc nhạc rất tao nhã có tên là “Thanh giác chi thao”. Nhưng con trâu già như không nghe thấy gì, vẫn tiếp tục gặm cỏ.

Công Minh Nghi cho rằng có thể khúc nhạc này quá tao nhã không hợp với con trâu nên đã đổi sang gảy một làn điệu khác; thậm chí ông còn tấu ca khúc sở trường của mình nhưng nó vẫn không có phản ứng gì cả.

Cuối cùng, Công Minh Nghi nghĩ ra cách dùng đàn tạo ra âm thanh của ruồi muỗi vo ve và tiếng nghé con kêu mừng rỡ. Lúc này, con trâu già không gặm cỏ nữa, dỏng tai chăm chú lắng nghe; và ve vẩy cái tai như thể để xua đuổi muỗi đi.

Công Minh Nghi hiểu ra rằng, con trâu không thể nhận thức được âm nhạc nên dù bản nhạc có hay đến mấy thì nó cũng không hiểu được; chỉ có âm thanh gần với hiểu biết của nó thì mới có thể khiến nó chú ý.

Tùy người mà độ, tùy cảnh mà nói

đàn gảy tai trâu nghĩa là gì; đàn gảy tai trâu; trí huệ là gì
Thánh nhân tùy người mà độ, bậc trí huệ cũng tùy người mà nói (ảnh SOH)

Đến cuối đời Đông Hán, có một người thông tuệ đạo Phật tên Mưu Dung; mỗi lần giảng dạy các đệ tử Nho Giáo, Mưu Dung đều mượn các kinh điển của nhà Nho để thuyết giảng đạo Phật. 

Các đệ tử thấy lạ bèn hỏi ông nguyên do; ông kể lại câu chuyện của Công Minh Nghi “đàn gảy tai trâu” cho họ nghe. Ai cũng lấy làm tâm phục khẩu phục bởi thầy Mưu Dung đã tìm hiểu kĩ đối tượng để có cách giảng dạy hiệu quả nhất. Từ đó “đàn gảy tai trâu” trở thành một thành ngữ được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Câu thành ngữ “Đàn gảy tai trâu” vừa để nói người nghe không đủ trình độ nhận thức; nhưng mặt khác cũng là nhắm đến trí huệ của người nói. Thánh nhân tùy người mà độ, bậc trí huệ cũng tùy người mà nói; nói không đúng người đúng thời điểm thì chỉ phí hoài công sức; đôi khi còn tự chuốc họa vào thân.

Có câu chuyện về việc Khổng Tử đi khuyên bảo một tên cướp. Chuyện kể rằng, Khổng Tử có người bạn thâm giao là Liễu Hạ Quý. Liễu Hạ Quý có một người em ruột tên là Liễu Hạ Chích. Chích cầm đầu một băng đảng hơn 9000 binh sĩ; chuyên đi hoành hành, cướp bóc, giết người cướp của, tung hoành ngang dọc; tham lợi không đoái hoài gì tới cha mẹ anh em. Dân chúng từ đó đặt biệt danh cho hắn là “Đạo Chích”.

Đàn gảy tai trâu thật uổng công

trí huệ cổ nhân; ăn nói khôn khéo; ăn nói khôn ngoan
Khổng Tử thiếu chút nữa thì gặp họa sát thân (ảnh Facebook)

Khổng Tử biết vậy nên quyết tâm đi khuyên can người em của Liễu Hạ Quý. Mặc dù Liễu Hạ Quý đã nói trước là sẽ không có hiệu quả nhưng Khổng Tử vẫn khăng khăng làm theo ý mình.

Đến khi tới gặp Liễu Hạ Chích thì Khổng Tử mới thấm câu nói của Liễu Hạ Quý: “Em trai tôi bản tính như bão tố; ý chí như thái sơn; là người khăng khăng làm theo ý mình; tài hùng biện của đệ ấy đủ che lấp mọi khuyết điểm. Hơn nữa, y là người chỉ thích ai đồng tình với đệ ấy; nếu làm trái ý đệ ấy có thể mang họa sát thân”.

Sau khi đi gặp Liễu Hạ Chích về thì Khổng Tử mới nói với Liễu Hạ Quý: “Tôi đúng là kẻ không bệnh mà đi châm cứu, tự đi tới vuốt đầu hổ; thiếu chút nữa bị lão hổ ăn tươi nuốt sống rồi!”
Thế mới biết đàn gảy tai trâu thật uổng công, tùy người mà nói mới là trí huệ!