Tôn Quyền làm chúa nước Ngô như hổ ngồi giữ Giang Đông suốt hơn 50 năm, đường hoàng sánh vai cùng những minh quân kiệt xuất nhất thời Tam Quốc như Tào Tháo, Lưu Bị mà không chịu lép vế. Người đời vẫn tự thắc mắc rằng đâu là vũ khí bí mật của ông?

Tôn Quyền không giỏi mưu kế, đánh trận như Tào Tháo, cũng chẳng có thân phận hoàng thân quốc thích như Lưu Bị. Nhưng kể từ khi kế nhiệm người anh Tôn Sách làm chủ Giang Đông (năm 200), ông đã đứng vững qua mấy cuộc đại chiến kinh động nhất thời Tam Quốc: Xích Bích và Di Lăng, một lần là đánh bại Tào Tháo, một lần nữa là đánh bại Lưu Bị – chính là hai kẻ đối địch lớn nhất của mình.

Nước Ngô có địa thế hiểm trở, Trường Giang chảy từ tây sang đông như một phòng tuyến tự nhiên vô cùng chắc chắn, chưa kể khí hậu phương nam cũng khác hẳn phương bắc… Nhưng chỉ với những yếu tố “địa lợi” ấy, liệu Tôn Quyền có giữ được mảnh đất cha ông trong những cuộc binh lửa. Rất khó nói. Địa thế hiểm yếu đương nhiên là yếu tố quan trọng trong nghệ thuật phòng ngự. Nhưng sơn hà hiểm trở đến mấy, nếu lòng người ly tán thì quốc gia cũng phải chịu bại vong. Lịch sử đã từng chứng kiến quá nhiều tấm gương như vậy. Trong bài “Bạch Đằng giang phú”, Trương Hán Siêu cũng viết:

Giặc tan muôn thủa thanh bình

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao

Thật chí lý! Minh quân có đức thì quốc gia hưng khởi, ngoại xâm tự khắc bị đẩy lùi. Tôn Quyền có đất Giang Đông vững bền, hiểm yếu đã là một lợi thế. Thế rồi Trời lại phú cho ông một trí tuệ dùng người siêu việt, ấy là lợi thế còn lớn hơn tất cả. Hãy thử phân tích một chút về phong cách dùng người “kiểu Tôn Quyền” qua mấy câu chuyện nhỏ dưới đây.

Tôn Quyền lưu danh sử sách về trọng dụng hiền tài, thu phục nhân tâm (Ảnh minh hoạ: internet)

Tôn Quyền đào tạo Lã Mông trở thành đại tướng toàn tài

Lã Mông, tự Tử Minh, là đại tướng chinh chiến nhiều năm, dày dạn kinh nghiệm và rất trung thành. Tuy giỏi nghề cung kiếm nhưng Lã Mông lại kém tài văn chương, là người ít học, không có nhiều chữ nghĩa. Mọi người thường chê cười và gọi ông là “Ngô hạ A Mông” (cu Mông đất Ngô).

Tôn Quyền thường khuyên Lã Mông và một dũng tướng khác là Tưởng Khâm rằng: “Các khanh nay đều là trọng thần nắm giữ đại sự quốc gia, ắt phải đọc sách nhiều để bản thân không ngừng tiến bộ”.

Nghe đến đọc sách, Lã Mông đã ngại, bèn thoái thác: “Trong quân doanh thường khổ nhọc và nhiều sự vụ, e rằng chẳng có thời gian nào mà đọc sách được”.

Tôn Quyền vẫn nhẫn nại chỉ bảo: “Lẽ nào ta bảo các khanh nghiên cứu dùi mài kinh thư, làm đại học sỹ? Chẳng qua bảo các khanh xem sách nhiều một chút, hiểu chuyện lịch sử xưa, tăng thêm kiến thức mà thôi. Như hai khanh, tư tưởng khí chất thông minh dĩnh ngộ, học tập nhất định sẽ thu được nhiều lợi ích, sao có thể không đọc sách? Quang Vũ Đế thời Đông Hán mang trọng trách chỉ huy chiến tranh nhưng tay không lúc nào rời sách. Tào Tháo cũng nói rằng mình già mà vẫn hiếu học. Vậy sao các khanh cứ mãi không khích lệ mình cố gắng?”.

Lã Mông – tướng tài của của Tôn Quyền

Những lời ân cần ấy của Tôn Quyền khiến Lã Mông vô cùng cảm kích, từ đó ngày đêm ra sức học tập. Chẳng ngờ Lã Mông là người có tư chất thông minh, học một hiểu mười, chẳng bao lâu đã nắm vững hết những thư tịch, điển chương, trước tác sách vở, luận về học rộng hiểu nhiều kể cả bậc nho sĩ cao niên cũng khó lòng sánh được. Lã Mông trở thành danh tướng văn võ song toàn. Ngay cả những bạn đồng liêu của ông cũng phải bất ngờ. Lỗ Túc, sau khi kế nhiệm Chu Du làm Đại đô đốc nước Ngô, đến gặp và nghe Lã Mông nói chuyện cũng phải kinh ngạc mà thốt lên: “Xưa nay ta vẫn xem lão đệ chỉ là võ tướng dũng mãnh. Đến hôm nay, kiến thức lão đệ quả là xuất chúng, thực sự chẳng còn là Ngô hạ A Mông (cu Mông đất Ngô) nữa”.

Lã Mông đương nhiên có tài nhưng người nhìn ra cái tài ấy và cất nhắc, trọng dụng, khiến cho cái tài ấy thăng hoa lại chính là Tôn Quyền. Không chỉ nhìn thấy một dũng tướng trên chiến trường, Tôn Quyền còn nhìn ra ở Lã Mông bản lĩnh của một đại tướng quân thao lược, có thể đảm đương đại sự quốc gia chứ không chỉ là kẻ thất phu dùng sức mạnh cơ bắp. Sau này, khi Lỗ Túc mất, Lã Mông quả nhiên đã trở thành Đại đô đốc của Đông Ngô, dùng kế “áo trắng sang đò” (bạch y độ giang) mà đánh úp, thu hồi lại Kinh Châu từ tay Quan Vũ, vốn là đại danh tướng lừng lẫy đang ở phong độ cao nhất lúc bấy giờ.

Tôn Quyền: Đã dùng người thì không nghi kỵ

Tài năng dùng người của Tôn Quyền đã được người anh của mình là Tôn Sách nhìn thấu khi cậu còn là một chàng thanh niên mới tuổi mười tám, đôi mươi. Chuyện kể rằng, lúc Tôn Sách sắp mất gọi Tôn Quyền đến bảo rằng: “Gây dựng cơ nghiệp, cầm quân đánh trận, tranh giành thiên hạ thì đệ không bằng ta. Nhưng chiêu hiền đãi sỹ, giữ gìn cơ nghiệp thì ta không bằng đệ. Sau khi ta chết, đệ hãy khéo lo toan nhé!”.

Sau khi kế nghiệp huynh trưởng, Tôn Quyền đã thể hiện xuất sắc vai trò “gìn giữ cơ nghiệp, chiêu hiền đãi sỹ” ấy. Khí độ bao dung, tính tình gần gũi, coi trọng quân tướng dưới trướng, Tôn Quyền đã tập hợp quanh mình được rất nhiều danh tướng, mưu thần, giúp cho Đông Ngô đứng vững trong thiên hạ. Một trong những đặc điểm dùng người nổi tiếng nhất của Tôn Quyền là tin tưởng tuyệt đối.

Khi Tào Tháo mang 80 vạn quân tiến đánh Giang Đông, hầu như tất cả mưu thần đều khuyên Tôn Quyền đầu hàng để nước nhà tránh khỏi một cuộc tắm máu, thảm sát. Duy chỉ có Đại đô đốc Chu Du khuyên Tôn Quyền quyết đánh. Tôn Quyền trong bụng từ đầu cũng đã quyết đánh, liền trao bảo kiếm cho Chu Du và tuyên bố trước triều đình: “Từ bây giờ ai còn bàn đến chuyện đầu hàng thì trảm không tha!”. Tôn Quyền tin tưởng Chu Du đến mức giao trọn quyền điều động quân đội trong nước cho ông.

Có người nói với Tôn Quyền rằng Chu Du rồi sẽ làm phản. Tôn Quyền bèn gạt đi, tiếp tục nói với Chu Du rằng: “Từ nay trẫm chỉ quản những việc từ trong cửa cung trở vào, những việc từ cửa cung trở ra đều do khanh tự mình quyết lấy”. Sự tin tưởng ấy của Tôn Quyền đã khiến Chu Du vô cùng cảm động, dồn hết tâm sức để sống mái một phen với quân Nguỵ, cuối cùng dùng kế hoả công, một trận thiêu rụi 80 vạn quân của Tào Tháo trên sông Trường Giang.

Tôn Quyền đã buộc Tào Tháo lui quân “không kèn không trống” khi Tào Tháo đem quân muốn đánh hạ Ngô (Ảnh: internet)

Quân có hùng, tướng mới mạnh

Tôn Quyền nối nghiệp cha anh tuổi đời còn trẻ, quốc lực còn yếu, Đông Ngô khi ấy phải đối mặt với nhiều thế lực quân địch ở trước mặt và sau lưng. Biết rõ điều ấy, Tôn Quyền ra sức trọng dụng những cánh tay phải của mình để trị nước, đó là 4 đời Đại đô đốc Đông Ngô: Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Lục Tốn. Sau khi Chu Du qua đời, Lỗ Túc lên thay cũng nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của Tôn Quyền dù chính sách bang giao của Lỗ Túc gần như đi ngược hẳn với Chu Du. Lỗ Túc chủ trương nối lại đồng minh với Thục Hán dù quân Thục trước đó đã chiếm lấy Kinh Châu. Tôn Quyền ban đầu tỏ ra nghi ngại: “Ta mới quần nhau với Thục ở Kinh Châu, Lưu Bị tiếng là mượn Kinh Châu nhưng năm lần bảy lượt đều không muốn trả. Chu Du cũng vì thế mà sinh bệnh mất. Nay lại phải hoà hiếu sao?”. Lỗ Túc cười đáp: “Công Cẩn còn thì hai nước mới không thể hoà hiếu. Nay Công Cẩn mất rồi, Khổng Minh nhất định sẽ nối lại liên minh hai nước”. Quả nhiên, sau đó Thục Hán cho sứ sang thông hiếu trở lại với Đông Ngô, đích thân Khổng Minh còn sang làm bài văn tế cho Chu Du. Tôn Quyền lập tức đồng ý, từ đó về sau hoà hiếu với Thục Hán nữa, thậm chí có lúc còn liên kết với quân Thục cùng đánh nước Nguỵ. 

Tôn Quyền không giỏi mưu lược chiến trận, thế nên ông đã dựa rất nhiều vào các Đại đô đốc để đối ngoại và các mưu thần (như Trương Chiêu) đối nội. Sau khi Lỗ Túc mất, Tôn Quyền tiếp tục đặt niềm tin vào Lã Mông. Lã Mông không làm ông thất vọng, thu hồi lại Kinh Châu ngay trong tay mãnh tướng Quan Vũ. Sau khi Lã Mông chết, Tôn Quyền lại tiếp tục đặt niềm tin vào một tài năng trẻ khác là Lục Tốn. Và quả nhiên Lục Tốn cũng không phụ lòng Tôn Quyền, cũng dùng một trận hoả công thiêu 70 vạn quân Thục ở trận Di Lăng. Nếu không có chiến thắng quyết định ấy ở Di Lăng, có lẽ cả một miền Giang Đông đã không yên với Lưu Bị, khi ấy đang ở phong độ cao nhất.

***

Cách Tôn Quyền dùng người để lại cho hậu nhân một bài học sâu sắc: đã dùng thì không nghi, đã nghi thì không dùng. Nhưng sử sách ghi lại rằng cả đời Tôn Quyền cũng hầu như chẳng nghi kỵ ai bao giờ. Ông chính là trung tâm đoàn kết sức mạnh của Giang Đông. Ông đối đãi với tất cả quần thần đều với tấm lòng nhân nghĩa, chân thành, thậm chí cùng ăn, cùng uống, cùng vui, cùng buồn với họ. Người hiện đại thường bàn về phẩm chất “lãnh đạo” của ông chủ. Nhìn Tôn Quyền, có lẽ chúng ta sẽ học được nhiều điều.