Người hầu kiện Lão Tử và sự ra đời của Đạo đức kinh
Sử sách ghi lại rằng Lão Tử sống vào khoảng thời gian từ năm 571 – 471 TCN. Ông là người làng Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở. Ông được coi là ông tổ về Đạo, là bậc tiên hiền trong lịch sử. Cuốn Đạo Đức Kinh của ông đã để lại cho người đời sau những triết lý nhân sinh sâu sắc. Người hầu Từ Giáp theo Lão Tử mà không học được cái Đạo của ông, cứ mong chờ đến ngày nhận được lương mà không biết rằng chính Lão Tử đã cứu mạng Từ Giáp suốt thời gian qua.
Thời nhà Chu, Lão Tử được giao chức Thủ Tàng Thất Sứ, quản lý thư viện sách quý của triều đình. Với tâm hiếu học, ông như cá gặp nước, thoải mái chìm đắm trong bể kiến thức rộng lớn. Ông nắm được toàn bộ lễ nhạc, hiểu rõ đạo lý thế nhân.
Nội dung chính
Từ Giáp là ai?
Truyện kể rằng Lão Tử thuê một người hầu tên Từ Giáp từ khi anh còn thiếu niên. Anh đã theo ông hơn 200 năm. Chủ nhân hứa trả anh 100 tiền mỗi ngày, tổng cộng đã nợ 720 vạn tiền. Nhưng Từ Giáp vẫn chưa nhận được đồng nào kể từ ngày làm việc. Hơn 200 năm qua, tối nào Từ Giáp cũng tính toán số tiền chủ nhân còn nợ mình và mong sớm được nhận.
Giữ chức quan nhỏ, cuộc sống khó khăn. Tuy vậy, tâm trí Lão Tử đã hoàn toàn đặt vào việc thực hành tu Đạo nên tiền tài danh lợi nơi xã hội không làm ông bận tâm. Nhìn thấy xu thế suy thoái về đạo đức trong việc trị quốc của vua triều nhà Chu, ông từ quan quyết định ra đi. Ông cưỡi trâu xanh đi về hướng Tây với người hầu Từ Giáp của mình.
Doãn Hỷ cầu đạo
Quan giữ thành phía Tây huyện Hàm Cốc tên là Doãn Hỷ. Ông từ lâu đã không có hứng thú với chốn quan trường. Ông có tâm muốn tìm bậc thầy chân chính để học Đạo. Thông qua chiêm bói ông biết trước sẽ có Thần nhân đi qua đây. Ông liền ra lệnh thuộc hạ quét dọn 40 dặm đường để nghênh đón.
Đêm đó, Doãn Hỷ nhìn thấy các vì sao dịch chuyển vị trí. Ông phát hiện một vầng sáng màu tím dịu đang hướng về huyện Hàm Cốc từ phía đông. Ông cảm thán: “Vị chân sư mà tôi hằng mong đợi đã tới rồi”.
Từ Giáp kiện Lão Tử
Lão Tử cưỡi con trâu xanh, theo sau là người hầu Từ Giáp. Từ Giáp thấy chủ nhân rời khỏi quan trường đi xa, muốn mau chóng đòi tiền công. Anh ta nghĩ: “Thật bất công nếu ta không được trả một đồng nào”.
Anh ta quyết định nhờ người viết cáo trạng gửi lên huyện Hàm Cốc. Ở quán trọ có một người kiếm sống bằng nghề viết cáo trạng cho người khác. Từ Giáp nói về sự bất công mà anh ta đã phải chịu đựng. Người viết cáo trạng thấy khoản nợ 720 vạn tiền là rất lớn, nếu đòi được tiền thì Từ Giáp có thể trở thành phú ông. Ông ta lập tức bày tỏ mong muốn được gả con gái cho Từ Giáp. Từ Giáp càng vui mừng, liền đem cáo trạng kiện Lão Tử chuyển đến cho Doãn Hỷ.
Trong khi đó, Doãn Hỷ đang bận rộn chuẩn bị đón chân sư. Ông quỳ gối trước Lão Tử và bày tỏ mong muốn được Thần nhân truyền Đạo. Lão Tử từ khi xuất hành, cả vùng Trung Nguyên ông cũng không truyền thụ thứ gì. Ông biết Doãn Hỷ trong mệnh đã định là đắc Đạo, ông bèn lưu lại ở đó.
Lá bùa bảo mệnh
Khi cáo trạng được mang tới, Doãn Hỷ giật mình, liền mang tới cho Lão Tử xem. Lão Tử gọi Từ Giáp tới, bảo Từ Giáp cúi mặt xuống và mở miệng ra. Chỉ thấy bùa ‘Thái Huyền Chân Phù’ bị nôn ra, chữ chu sa trên bùa vẫn như mới viết, còn Từ Giáp tức khắc biến thành bộ xương khô.
Lão Tử thở dài: “Trước đây, ta là một quan nhỏ và nghèo, không có người làm tạp vụ, bèn thuê ngươi. Theo định số ngươi đã chết từ lâu. Ta cho ngươi bùa “Thái Huyền Chân Phù”, nhờ đó ngươi mới sống đến hôm nay. Ban đầu ta đã đồng ý với ngươi rằng, nếu ngươi sau này đến cõi an lạc, khi đó ta sẽ dùng vàng tính tiền công của ngươi, trả lại hết cho ngươi. Đã sắp tới nơi, tại sao ngươi lại vội vàng không đợi chờ thế này?”
Lão Tử truyền đạo
Doãn Hỷ vô cùng kinh ngạc. Ông liền quỳ xuống dập đầu nói lời xin tha cho Từ Giáp. Đồng thời Doãn Hỷ nguyện xin hoàn trả tiền thiếu nợ cho Lão Tử. Lão Tử bèn ném bùa Thái Huyền Chân Phù cho Từ Giáp, Từ Giáp lập tức sống lại. Doãn Hỷ bèn đưa Từ Giáp 200 vạn tiền rồi bảo ông ta đi. Từ Giáp rất vui. Anh ta và người viết cáo trạng rời đi chuẩn bị cho đám cưới. Vụ án đã đóng lại.
Doãn Hỷ cung kính thi lễ với Lão Tử, ông bèn đem bí kíp Đạo trường sinh truyền thụ cho Doãn Hỷ. Đã đến lúc Lão Tử đi qua đèo Hàm Cốc để tiếp tục hành trình về phía tây. Doãn Hỷ lại thỉnh cầu Lão Tử chỉ dạy thêm. Nhìn thấy tâm cầu Đạo thành kính của Doãn Hỷ, Lão Tử đã viết “Đạo Đức Kinh”, bao gồm 5.000 chữ để lại cho Doãn Hỷ rồi vội rời đi.
Doãn Hỷ tinh tấn tu hành theo lời dạy của chân sư, cuối cùng đắc Đạo thành Tiên.
Theo Minh Huệ