6 cấp độ của tư duy, đứng càng cao nhìn càng xa
Trong cuộc sống, sự khác biệt giữa mọi người không chỉ do yếu tố hoàn cảnh, mà còn do tư duy của họ khi đối diện với vấn đề cụ thể.
Tại sao trong cuộc sống một số người có thể thể hiện khả năng sáng tạo và đổi mới đáng kinh ngạc và có được một cuộc sống thoải mái nhẹ nhàng, trong khi những người khác thì lại dường như đang vật lộn ở đáy xã hội và có một cuộc sống vô cùng khó khăn?
Điều này là do mọi người có điểm khởi đầu khác nhau khi suy nghĩ vấn đề và có những cấp độ tư duy cao thấp khác nhau. Trên thực tế, chính những khác biệt về cấp độ nhận thức này đã hình thành nên khoảng cách giữa con người với nhau. Có 6 cấp độ trong tư duy, việc hiểu được các cấp độ này sẽ giúp chúng ta biết tại sao hoàn cảnh sống của con người lại khác nhau đến như vậy.
Nội dung chính
Cấp độ thứ nhất: Tập trung vào “hoàn cảnh” bên ngoài
Những người ở cấp độ này đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài về tình cảnh mà họ gặp phải. Họ thường phàn nàn về hoàn cảnh khó khăn của mình, đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài, như cấp trên của họ hay cằn nhằn, tình hình kinh tế khó khăn hay thậm chí là thời tiết. Ví dụ, những người ở cấp độ này có thể nói: “Than ôi! Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nên tôi không được học hành và có cơ hội tốt hơn”.
Cấp độ thứ 2: Nhấn mạnh vào một số “hành vi” nhất định
Những người ở cấp độ này tin rằng, họ có thể thay đổi vận mệnh của mình bằng cách chủ động thay đổi hành vi và thói quen. Họ sẽ thử nhiều cách khác nhau, cố gắng thay đổi môi trường theo cách tốt nhất có thể.
Ví dụ, dậy sớm với hy vọng tăng thêm thời gian làm việc. Tuy nhiên, nếu người đó thiếu kỹ năng cần thiết nào đó thì việc chỉ thay đổi thời gian thức dậy có thể không mang lại kết quả lâu dài. Người đó có thể cải thiện hiệu suất trong thời gian ngắn, nhưng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, cuối cùng người đó có thể sẽ quay trở lại mô thức cũ của mình.
Cấp độ thứ 3: Quá tin tưởng vào “năng lực” của mình
Những người ở cấp độ này đã nhận ra rằng việc thay đổi hành vi của mình là chưa đủ, mà họ còn cần phải cải thiện các kỹ năng và năng lực của mình. Họ tin rằng, chìa khóa thành công nằm ở việc cải thiện bản thân, chứ không phải là thay đổi hoàn cảnh hoặc hành vi.
Ví dụ, họ có thể dành thời gian học những kỹ năng mới hoặc tìm cách cải thiện những khả năng hiện có. Tuy nhiên, họ ỷ lại quá nhiều vào năng lực bản thân và làm việc một mình, họ có thể quá tin tưởng vào kỹ năng chuyên môn của mình và bỏ qua những năng lực quan trọng khác, như kỹ năng giao tiếp hoặc lãnh đạo.
Những người thành công thường tư duy theo những cấp độ dưới đây:
Cấp độ thứ 4: “Niềm tin” kiên định
Những người ở cấp độ này nhận ra rằng, niềm tin có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và khả năng của chúng ta. Họ hiểu một cách sâu sắc sức mạnh của niềm tin và đạt được những thay đổi đáng kể trong cuộc sống bằng cách thay đổi niềm tin của mình. Chẳng hạn, một vị tổng giám đốc không còn phàn nàn hay trách móc nhân viên của mình nữa, ông quyết tâm không ngừng học hỏi và đổi mới, ông tin tưởng chắc chắn rằng thông qua nỗ lực của mọi người, công ty có thể có được chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Cấp độ thứ 5: Biết người biết ta, hiểu rõ “chính mình”
Những người ở cấp độ này biết chính xác họ là ai, hơn nữa họ có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. Họ là những người tạo ra cuộc sống, chứ không phải những người được cuộc sống nhào nặn. Họ biết họ muốn trở thành người như thế nào và làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu. Ví dụ, một người muốn trở thành một doanh nhân thành đạt, người đó sẽ dành toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Cấp độ thứ 6: Cảm giác “sứ mệnh”
Cảm giác sứ mệnh là động lực nội tại trong Thiên mệnh con người. Người xưa có nói: “Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân”. Khi đó, con người đã vượt qua chính mình. Họ nhìn thấy mối liên hệ của mình với toàn bộ xã hội và thế giới, đồng thời nhận ra rằng rằng nỗ lực của bản thân không chỉ thay đổi số phận của mình, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới.
Họ sống để thực hiện lý tưởng về một mục tiêu cao cả hơn, mà lý tưởng này vượt qua sự được mất hay danh lợi cá nhân và cũng vượt qua thế giới vật chất. Ví dụ, một người theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường, họ không còn chỉ làm việc vì lợi ích của riêng mình, mà còn nỗ lực để bảo vệ môi trường sinh thái của cả trái đất.
Sáu cấp độ của tư duy đã phản ánh tình huống thực tế của chúng ta trong cuộc sống. Trong quá trình khám phá sâu sắc các cấp độ này, chúng ta có thể tìm ra những quan điểm và động lực mới để có thể giúp cuộc sống của mình trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn, thay vì dậm chân tại chỗ hay đau khổ không thể thoát ra được.
Theo Vision Times