Tại sao Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc? Nhân sĩ các nước lên tiếng
Nhiều người thắc mắc tại sao môn khí công ôn hòa như Pháp Luân Công lại bị cấm và đàn áp dã man ở Trung Quốc.
“Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại các học viên Pháp Luân Công thật tàn nhẫn và có hệ thống, trong khi đức tin của họ là điều tốt đẹp, Chân Thiện Nhẫn?”. Đó là câu hỏi mà ông Benedict Rogers, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền người Anh, muốn chất vấn các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Rogers nói với phóng viên The BL: “Pháp Luân Công đóng góp những điều rất tốt đẹp cho xã hội. Đó là môn tu luyện tốt cho sức khỏe, các học viên Pháp Luân Công có lối sống lành mạnh, không uống rượu, không hút thuốc. Họ tập luyện các bài công pháp. Mọi thứ về những giá trị của môn này đều tích cực”.
Tại Anh Quốc, Canada, Mỹ và hơn 100 quốc gia khác, Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp được tự do tập luyện, và không hề bị cấm đoán. Thậm chí, các nhà lãnh đạo còn khuyến khích người dân tập môn này.
Nói về Chân – Thiện – Nhẫn, bà Judy Sgro, Nghị sĩ Canada, chia sẻ với NTD: “Đó là những giá trị mà tôi muốn người Canada thực hành theo hàng ngày; chính là những nguyên lý mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp tin tưởng và làm theo hàng ngày”.
Khi Pháp Luân Công mới được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, chính quyền Trung Quốc không cấm, mà thậm chí còn khuyến khích tập môn này.
“Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ lúc đó còn khuyến khích việc tập Pháp Luân Công vì những lợi ích sức khỏe cho người dân và giảm bớt chi phí cho hệ thống y tế”, luật sư nhân quyền David Matas cho biết trong cuộc phỏng vấn với tiến sĩ Robert Donmoyer, Đại học San Diego (Mỹ).
Lý do Giang Trạch Dân ra lệnh cấm Pháp Luân Công
Với nhiều lợi ích sức khỏe, Pháp Luân Công phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc từ năm 1992. Theo ước tính của giới chức Trung Quốc, nước này có khoảng 70-100 triệu người tập tính đến năm 1999. Con số đó vượt xa số lượng đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương thời.
Lãnh đạo ĐCSTQ lúc đó “trở nên lo sợ và ghen tị với mức độ yêu mến của công chúng dành cho môn tập”, theo luật sư Matas. Vì vậy, Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp nhằm loại bỏ Pháp Luân Công kể từ ngày 20/7/1999.
Với quyền lực tối cao của một Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, Giang Trạch Dân áp đặt lệnh cấm Pháp Luân Công; mặc dù các thành viên khác trong Bộ Chính trị biết rằng môn này là tốt.
Kể từ đó, bộ máy cầm quyền của Bắc Kinh đã gây ra nhiều vi phạm nhân quyền đối với Pháp Luân Công, đặc biệt là nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Ngày nay, tin tức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông; không ít người đã biết lý do vì sao môn này bị bức hại. Vì vậy, câu hỏi “tại sao Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc” đã trở thành một câu hỏi tu từ, mà nhà báo Rogers cũng như nhiều người khác muốn chất vấn các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.