Rượu và người tu luyện
Văn hóa về rượu đã xuyên suốt trong dòng chảy lịch sử từ xưa đến nay. Người tu luyện có được uống rượu không?
Các pháp môn tu luyện khác nhau có những quy định khác nhau. Có pháp môn tuyệt đối cấm rượu, có pháp môn lại để người tu uống rượu rồi ngủ liền cả nhiều ngày.
- Việt Nam: Nhiều người thụ ích từ lớp thiền định trực tuyến miễn phí
- 3 năm khổ luyện ngồi thiền – tu luyện là nghiêm túc
Nội dung chính
Rượu và người tu luyện
Người tu luyện có được uống rượu không?
Rượu và người tu luyện có thể là đề tài gây hứng thú với nhiều người. Nhiều người thắc mắc người tu luyện có được uống rượu không? Đã là người tu hành thì phải đoạn tuyệt với tửu sắc. Đó là một trong những giới luật được quy định của Phật giáo.
Người tu luyện đúng là đoạn tuyệt với rượu nhưng không tuyệt đối. Trong giới tu luyện vẫn lưu truyền những câu chuyện về các tăng nhân, đạo sĩ uống rượu say. Họ uống rượu say rồi ngủ liền một mạch mấy năm liền. Sự thực không phải họ tài giỏi mà hình thức tu luyện của họ định ra thế. Họ tu luyện trong trạng thái cần phải đánh mê chủ ý thức bản thân. Nhưng người thật sự luyện không phải là bản thân của họ mà là thứ khác đắc điều trân quý trên thân của họ.
Vì sao những học viên Pháp Luân Công đều cai bỏ hẳn rượu bia?
Uống rượu đã trở thành điều thông dụng trong cuộc sống hiện đại. Nam tử đều biết uống rượu, nữ tử uống cũng rất giỏi. Thuận theo đạo đức nhân loại đang trượt dốc có phần góp sức của rượu. Những hệ lụy về rượu đã trở thành một vấn nạn trong xã hội. Nếu tìm một nam tử không uống rượu bia, không cờ bạc, trai gái,… trong xã hội ngày nay thì quả thật khó.
Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận rất nhiều nam tử đang tu luyện Pháp Luân Công thuộc về đối tượng này. Họ không tu tại chùa, không theo một hình thức tôn giáo nào nhưng họ lại thực hiện nghiêm ngặt những giới luật. Họ vẫn có cuộc sống sinh hoạt như người bình thường, vẫn có công việc, bạn bè và các mối giao tiếp nhưng trọng điểm tu của họ là tu tâm, ước thúc tâm tính theo giá trị Chân – Thiện – Nhẫn.
Bất kể trước đây họ đã nghiện rượu nặng đến đâu hoặc uống rượu giỏi thế nào; hay do công việc đặc thù họ không thể từ chối rượu thì khi đã nghiêm túc tu luyện Pháp Luân Công họ đều lựa chọn cai hẳn rượu bia. Không uống rượu, đó là điều tuyệt đối khi tu luyện Pháp Luân Công nếu là tu luyện chân chính.
Rượu ảnh hưởng đến thân thể người tu luyện
Những người mới bước vào tu luyện Pháp Luân Công, họ ngay lập tức chưa thể bỏ được rượu, bia; nhất là những người do đặc thù công việc phải tiếp khách. Tu luyện cho phép họ buông bỏ một cách từ từ nhưng cuối cùng phải có yêu cầu nghiêm khắc với bản thân.
Rượu và người tu luyện thật sự có tác động lẫn nhau. Người bình thường mà uống nhiều quá cũng không tốt cho sức khỏe. Rượu uống nhiều khẳng định gây loạn tính, có ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe. Thông qua luyện công, thân thể người tu luyện được tịnh hóa, ngày càng kiền tịnh, vô bệnh. Thân thể của họ còn diễn luyện sinh mệnh và đạt đến một trình độ nhất định trong cảnh giới tu luyện. Uống rượu vào sẽ có ảnh hưởng đến quá trình tu luyện này. Ý thức rõ việc tác hại của rượu đối với thân thể nên những học viên đều thực hiện nghiêm túc không uống rượu.
Hơn ai hết, những học viên Pháp Luân Công hiểu được nguồn gốc sâu xa của rượu. Họ không muốn bản thân mình cuốn vào vòng xoáy kim tiền, vào trầm luân của mê lạc, họ cần giữ đầu óc mình thanh tỉnh. Họ thực sự đã tạo nên một miền đất tịnh thổ trong dòng chảy cuồn cuộn xuống dốc của đạo đức ngày nay. Họ cũng đang thực hiện những thệ ước của Thần, quay về giá trị văn hóa truyền thống và tìm đường về gia viên thực sự của mình…
Rượu có từ khi nào?
Nếu tra tìm sử sách xem rượu có từ khi nào thì rất khó có được con số chính xác. Từ các câu chuyện truyền thuyết đến các bậc đế vương, các danh nhân, hay người dân thường, thậm chí cả trong giới tu luyện đều nói về rượu.
Các bậc tiên nhân để lại tích “Túy Bát tiên đồ” (Bát tiên say rượu) khi đi dự đại hội bàn đào của Vương Mẫu Nương Nương nhân dịp cây đào tiên ba ngàn năm mới ra hoa, kết trái. Bậc đế vương thì có cung đình ngự tửu (rượu cho vua ở trong cung đình). Văn nhân Lý Bạch để lại câu thơ vang danh thiên cổ, trong bài thơ: “Nguyệt hạ độc chước”: “Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ảnh thành tam nhân” (nghĩa là: nâng ly mời trăng sáng, cùng với bóng nữa là ba người). Lý Bạch còn là người “đấu tửu thi bách thiên” (uống một đấu rượu xuất ra trăm bài thơ).
Truyền thuyết cho rằng thiên thượng an bài cho Tửu Kỳ Tinh (Tửu Tinh) tạo ra rượu. Ngoài ra, còn có thuyết Đỗ Khang và Nghi Địch tạo ra rượu. Đỗ Khang sống vào cuối thời Tây Chu, tương truyền là người phát minh ra cách nấu rượu ở Trung Quốc. Nghi Địch là con gái của vua Thuấn có sở trường ủ rượu rất ngon. Nàng dâng tặng mỹ tửu lên cho vua Đại Vũ. Sau khi uống xong vua Vũ thấy mùi vị tuyệt ngon. Nhưng cũng từ đó xa lánh Nghi Địch, bỏ hẳn mỹ tửu và nói rằng: “Đời sau tất có kẻ vì rượu mà mất nước!”
Ai là người phát minh ra việc chưng cất rượu?
Lúc nguyên sơ, rượu được sản xuất bằng quá trình lên men thực phẩm tự nhiên. Việc lên men tự nhiên, quy luật tuần hoàn của vật chất không phải do con người phát minh ra mà là do Thần cố ý tạo ra hoàn cảnh sinh tồn đó cho con người. Khi con người phát hiện rằng loại chất lỏng này uống rất ngon, dần dần họ nghiên cứu ra quy trình sản xuất rượu.
Tuy nhiên, do đặc tính của nước và khí hậu mỗi nơi khác nhau nên hương vị của rượu được nấu ra cũng khác nhau. Chính vì vậy, nên con người cho rằng kỹ thuật chưng cất rượu là do mình phát minh ra, nhưng thực chất kỹ thuật này chính là do Thần đã hữu ý truyền cấp cho con người. Đây cũng là ý nghĩa thực sự của từ “tiên nhưỡng” (“nhưỡng” có nghĩa là nấu rượu, chưng cất rượu).
Rượu xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày
Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa. Trung Hoa được coi là cái nôi của nền văn hóa nhân loại. Về văn hóa uống rượu ở Trung Hoa đã xuất hiện từ thời thượng cổ Hiên Viên hoàng đế cho đến nay. Đến mãi đầu thế kỷ 15, theo bước chân nhà Minh sang xâm lược Việt Nam thì cũng diễn ra sự truyền bá văn hóa như khoa học kỹ thuật, vũ khí, nông nghiệp và rượu.
Thời xưa, tiêu chuẩn đạo đức của con người khá cao và thuần thiện. Họ kính ngưỡng Thần Phật, trời đất và tổ tiên nên họ rất chú trọng việc cúng tế. Họ cho rằng việc quên đi nguồn cội là một tội lớn, bị lên án. Nhưng tổ tiên mà người xưa quan niệm không chỉ trong phạm vi gia đình, dòng họ mà còn có nghĩa rộng hơn: là nguồn cội sinh mệnh, là đấng sáng tạo con người, là Thần linh.
Rượu được sử dụng trong cúng tế tổ tiên, nhưng sau người ta dần dần đưa rượu vào cuộc sống hàng ngày. Vua quan có rượu trong cung, người dân có lò nấu rượu thủ công. Bất luận là thời chiến hay thời bình, chuyện vui hay buồn, hiếu hỷ hay ma chay,… đều không tách khỏi được rượu.
Ý nghĩa thực sự của việc uống rượu
Rượu trên mâm cỗ dâng lên tổ tiên hay trong các buổi cúng tế là tỏ lòng kính trọng. Còn rượu trong giao tiếp là thức uống mang tính lễ nghi. Hương vị của rượu và sự chênh chếch men say tạo nên sự thi vị của cuộc sống. Điều đó không sai, là tốt nhưng uống rượu quá nhiều sẽ gây ra loạn tính, gây nghiện, gây hậu quả cho cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia.
Trong lịch sử Trung Quốc, có vua Kiệt nhà Hạ ham mê uống rượu, cuối cùng lâm cảnh mất nước; Trụ Vương nhà Ân chìm đắm trong tửu sắc, đã bị Châu Võ Vương tiêu diệt; Trương Phi thời Tam quốc, khi uống rượu say thường đánh người, kết quả là bị người giết chết… Có người còn quý rượu hơn mệnh, điều đó không nên.
Rượu xác thực là vật trung gian, làm cấu nối gắn kết duyên phận con người. Nhưng hàm ý sâu xa hơn khi Thần an bài rượu và văn hóa rượu cho con người chính là để con người trong quá trình giữ gìn lễ tiết, phải bảo trì đầu óc thanh tỉnh, từ đó có thể tìm được con đường trở về ngôi nhà thật sự của mình trên thiên thượng. Nhưng khi con người uống say quên cả trời đất, quên cả đường về nhà, chính là đi ngược lại với ý nghĩa và mục đích ban đầu của Thần.