Người phúc đức ở nơi phúc địa: 3 điều cần chú ý để có phong thủy tốt
Người ta có thể chọn thế đất, chọn hướng nhà, mua các vật phẩm để mong có phong thủy tốt, nhưng lại quên rằng “Phúc địa phúc nhân cư”.
- Phong thủy gia đình: Tầm nhìn người đàn ông, phẩm chất người phụ nữ
- 2 câu chuyện thầy phong thủy tìm đất cho người đã mất
“Phúc địa phúc nhân cư” có nghĩa là một người phải có phúc thì mới có thể sống được ở nơi đất lành; ngoài ra, một nơi vốn dĩ không có phong thủy tốt, người phúc đức đến sinh sống một khoảng thời gian, nơi đó phong thủy tự nhiên sẽ thay đổi và trở thành mảnh đất tốt lành.
Vậy làm thế nào để có thể là người phúc đức? Cần phải nuôi dưỡng một tâm hồn thiện lương, quản cái miệng thật chặt, hành vi phải đoan chính; làm được như vậy thì vinh hoa phú quý không mời cũng tự đến.
Nội dung chính
Phong thủy đầu tiên của một người: Tâm hồn
1. Có tâm hồn lương thiện
Người xưa nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sinh ra ban đầu vốn lương thiện. Lương thiện là món quà mà Thần đã ban cho con người. Người cho đi tình yêu sẽ nhận lại tình yêu, người cho đi phúc sẽ nhận lại phúc. Làm việc thiện mà không cầu phúc báo, bản thân sự lương thiện chính là phúc báo lớn nhất. Do vậy, những người lương thiện có cuộc sống ấm áp và vui vẻ. Kẻ làm việc ác thì tâm hồn luôn lạnh lẽo, chưa từng cảm nhận được hương vị của sự ấm áp, chính điều này đã là một sự trừng phạt rồi.
Một người có thể không giàu có, không nổi tiếng, nhưng không được đánh mất sự lương thiện của mình, bởi vì đánh mất đi sự lương thiện đồng nghĩa với việc mất đi cội nguồn.
2. Nuôi dưỡng lòng bao dung
Sự khoan dung chính là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hiểu được những khó khăn của người khác. Bởi vì thấu hiểu, nên chúng ta trở nên từ bi, nhân từ. Trong tâm cũng dịu lại và bắt đầu tha thứ cho lỗi lầm và khuyết điểm của người khác.
Người không hiểu được lòng khoan dung sẽ đánh mất sự tôn trọng của người khác, còn người luôn bao dung một cách mù quáng sẽ đánh mất sự tôn nghiêm của chính mình.
3. Giữ tâm khiêm tốn
Khiêm tốn là một loại sức mạnh. Lòng khiêm tốn giống như cỏ dại, không giễu cợt thế giới bên ngoài, cũng không quan tâm đến sự chế nhạo của người đời, mà âm thầm tích lũy sức mạnh của chính mình.
Khiêm tốn là một loại tầm nhìn. Họ biết núi cao bao nhiêu, nước sâu bao nhiêu và biết rõ mình đang ở vị trí nào. Cho nên, họ sẽ không trở nên ngông cuồng vì những thành tựu nhỏ bé của mình.
Phong thủy thứ 2 của một người: Cái miệng
1. Đừng phơi bày khuyết điểm của người khác và gây thù chuốc oán
Mọi người trong cuộc sống đều rất coi trọng và quan tâm đến thể diện của bản thân, người làm tổn thương thể diện của người khác cũng sẽ làm tổn thương trái tim của họ.
Người có mặt, cây có vỏ. Đánh người thì không nên đánh vào mặt, chỉ ra lỗi sai thì cũng không nên quá nặng lời. Nếu bạn làm người khác mất mặt thì người khác chắc chắn sẽ làm bạn mất mặt.
Cho nên, trước mặt một người bước đi khập khiễng đừng nhắc đến khiếm khuyết của họ, trước mặt một người béo phì đừng nên đề cập đến chuyện cân nặng, mập ốm, hay trước một người có ngoại hình hạn chế cũng đừng nói đến chuyện nhan sắc, xinh đẹp.
Mỗi người có một con đường riêng. Vì vậy, bạn nên kiềm chế cái miệng của mình lại và kết thiện duyên với người khác, như vậy thì cuộc sống của bạn sẽ ngày càng rộng mở hơn.
2. Chớ khoe khoang và gây rắc rối
Ở nước Triệu có một phương sĩ rất thích nói khoác. Ông ta nói rằng mình đã gặp Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Xi Vưu, Thương Hiệt, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang v.v. và ông ấy đã sống mấy ngàn năm.
Một ngày nọ, vua Triệu bị ngã ngựa và bị thương nặng. Thầy thuốc nói rằng phải lấy máu trên nghìn năm mới chữa khỏi được, nên vua Triệu đã ra lệnh lấy máu của phương sĩ.
Phương sĩ sợ hãi nhanh chóng nói rõ rằng bản thân chỉ khoe khoang mà thôi. Vua Triệu thấy ông ta không trung thành, không đáng tin cậy nên đã thực sự giết chết ông ta.
Nhiều người không có việc gì để làm bèn thích khoe khoang. Dường như không khoe khoang thì không thể thể hiện được khả năng của mình. Cuối cùng lại tự rước họa vào thân.
3. Đừng nói chuyện vô nghĩa
Con ếch trong ao ngày nào cũng kêu, miệng khô khốc nhưng chẳng ai thèm để ý đến. Còn gà trống chỉ gáy vài tiếng vào lúc bình minh. Nhưng khi mọi người nghe tiếng gà gáy thì biết rằng bình minh sắp đến và mọi người đều chú ý và thức dậy.
Trong cuộc sống cũng tương tự như vậy, những cách nhìn sâu sắc mới có thể được mọi người chào đón, còn nói chuyện chung chung, hời hợt và lý luận suông thì chỉ khiến mọi người cảm thấy chán ghét thêm mà thôi.
Phong thủy thứ 3 của một người: Hành vi
1. Đi đường tắt là tự chuốc lấy thất bại
Đi đường tắt là một loại thủ đoạn, hành trình leo núi lại là sự rèn luyện.
Tất nhiên, trong cuộc sống luôn có những con đường tắt có thể giúp cho bạn chuyển sang bờ hạnh phúc bên kia một cách nhanh chóng mà không cần tốn quá nhiều công sức. Nhưng nếu đi đường tắt quá nhiều, bạn sẽ mất năng lực để chịu đựng những thử thách trên đường đời.
Trên thế giới này, có nhiều con đường gập ghềnh hơn những con đường bằng phẳng, những con đường tắt có thể đi được thì lại càng ít hơn.
Nếu chúng ta đã quen đi trên đường gập ghềnh, ngẫu nhiên đi đường tắt sẽ có tác dụng. Nhưng nếu đã quen đi đường tắt, nếu chuyển qua đi trở lại con đường gập ghềnh thì chúng ta sẽ khó lòng chịu được và có rất nhiều lời than trách, phàn nàn.
Cho dù tòa nhà cao đến mấy cũng đều bắt đầu được xây dựng từ nền móng bên dưới, cũng như những gợn sóng ngoài khơi xa cũng đều xuất phát từ dưới đáy biển sâu nổi lên. Cho nên, con người cũng cần tích lũy từng chút một trong cuộc sống.
2. Hại người lợi mình sẽ làm tổn hại nhân phẩm
Mọi người thường nói, “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.
Đúng như cổ nhân nói: “Tòng thiện như đăng, tòng ác như băng”, làm việc thiện thì khó và lâu như trèo lên núi cao, làm việc ác thì lại nhanh và dễ như núi lở.
Bạn đối xử với người khác như thế nào thì người khác sẽ đổi xử lại với bạn như thế. Bạn tưởng mình đã đạt được chút đỉnh lợi ích bên ngoài, nhưng thực ra bạn đã đánh mất nhân phẩm của chính mình.
3. Chiếm món lợi nhỏ sẽ đánh mất tín nhiệm
Trên đời không có bữa cơm nào là miễn phí, chiếc bánh trên bầu trời có thể không nhất định sẽ rơi vào tay bạn.
Đằng sau tất cả những món lợi nhỏ chắc chắn ẩn chứa một cái giá đắt hơn phải trả. Hãy luôn nhớ rằng không phải mọi điều tốt đẹp đều sẽ đến với bạn. Không chiếm món lợi nhỏ là một loại giáo dưỡng.
Bạn chiếm được món lợi nhỏ nhưng lại đánh mất lòng tin của mọi người thì cái được chẳng bõ cho cái mất.
Chịu thiệt là phúc, không chiếm món lợi nhỏ cũng là một loại trí tuệ.
Theo Vision Times