Cảnh giới của tâm sẽ quyết định bạn đi được bao xa
Rèn luyện kỹ năng chỉ giúp bạn đạt đến một trình độ nhất định, thứ giúp bạn có thể tiến xa và cao hơn đó chính là cảnh giới của tâm.
Vai trò của xe ngựa thời Trung Quốc cổ đại
Vào thời nhà Chu tại Trung Quốc có sáu loại nghệ thuật, tiếng Hán gọi là “lục nghệ”. Gồm nghi lễ, nhạc cụ, bắn cung, toán học, đánh xe ngựa và thư pháp. Lục nghệ được phát triển theo tư tưởng của Khổng Tử và được hợp thức hoá trong hệ thống giáo dục của vương triều này.
Nghệ thuật đánh xe ngựa là một trong những môn học cao quý của các vương tôn công tử. Nhưng tác dụng chính là giúp các nam sinh làm quen với việc cưỡi ngựa trước khi ra chiến trận. Khi binh biến thì những nguyên tắc cơ bản đã được luyện tập.
Xe ngựa là phương tiện di chuyển trọng yếu ở xã hội cổ đại. Các trận chiến chủ yếu cũng sử dụng chiến xa.Trong khi giao chiến, điều khiển xe ngựa tốt chính là yếu tố quan trọng để giành được chiến thắng.
Do sức bền của ngựa có hạn, nên khi xung trận, những người đánh xe tiên phong mở đường cho quân lính là rất quan trọng. Nếu điều khiển cỗ xe không tốt thì có thể làm mất nhuệ khí của quân sĩ và dẫn đến bại trận.
Câu chuyện Triệu Tương Tử học đánh xe ngựa với Vương Vu Kỳ
Có một câu chuyện về đánh xe ngựa nổi tiếng truyền lại thế này:
Sau buổi học, Triệu Tương Tử tỏ ý muốn tỉ thí công phu đánh xe với Vương Vu Kỳ và được Vương Vu Kỳ đồng ý. Lần tỉ thí thứ nhất Triệu Tương Tử thua, bèn nói: “Không đúng, không đúng, là do ngựa của ta không tốt.”
Thấy thế, Vương Vu Kỳ đổi ngựa cho Triệu Tương Tử rồi tiếp tục cuộc thi. Lần tỉ thí thứ hai Triệu Tương Tử lại thua, nên vội đổ lỗi:“Không đúng, không đúng, là do xe của ta cũng không tốt.”
Chiều ý bạn, Vương Vu Kỳ đổi xe của mình cho Triệu Tương Tử. Lần tỉ thí thứ ba hai người đổi cả xe và ngựa cho nhau, nhưng kết quả Triệu thua vẫn hoàn thua. Vì không phục, ông viện lý do: “Là do huynh không dạy hết kỹ thuật cho ta, nếu không sao lần này xe của ta tốt hơn nhưng ta vẫn thua huynh?”. Triệu Tương Tử hoài nghi Vương Vu Kỳ giấu nghề cho riêng mình.
Sau nhiều lần im lặng, thấy Triệu Tương Tử không hiểu đạo lý, Vương Vu Kỳ thẳng thắn nói:
“Kỹ thuật thì ta đã chỉ dạy hết cho huynh rồi. Khi đánh xe thì ngựa phải liền với xe, dùng tâm điều khiển ngựa. Nhưng còn huynh, khi bị tụt lại phía sau ta thì cứ muốn vượt qua ta. Khi hơn ta rồi lại e ta sẽ thắng huynh. Huynh đánh xe ngựa nhưng tâm huynh chỉ đặt ở nơi ta, thì làm sao có thể đạt được ‘tiến tốc trí viễn’ (đi được nhanh, tiến được xa)?”
Đạo lý đánh xe ngựa
Sở dĩ đánh xe ngựa được xếp vào một trong sáu loại hình nghệ thuật là bởi bên trong đó hàm chứa đạo lý uyên thâm. Đánh xe ngựa cũng cần học tập kỹ năng và luyện tập cho thông thạo các kỹ năng đó. Tuy nhiên quan trọng hơn vẫn là rèn luyện tâm của người đánh xe. Cảnh giới của tâm sẽ quyết định xe của họ đi được bao xa.
Mặc Tử nói: “Tham vọng không mạnh, trí tuệ không cao“. Nếu lý tưởng của một người không đủ cao xa, thì người đó không thể có được trí lực và năng lực tương xứng. Người đánh xe phải nuôi chí lớn, chuyên tâm điều tiết xe ngựa, đạt đến sự hòa hợp cao độ giữa người, xe và ngựa. Có như vậy thì đánh xe mới đạt được tốc độ thượng thừa.
Triệu Tương Tử trong khi đánh xe thì tâm lại lo sợ thất bại. Ông tự giới hạn mình vào mục tiêu hạn hẹp, cho nên kỹ năng dẫu có tốt, nhưng ngựa và xe mà ông điều khiển không thể chạy nhanh hơn ngựa và xe của người có duy nhất một mục tiêu: Về đích.
Khi một người đánh xe có thể đạt được hoà hợp cao độ với cả ngựa và xe, thì trong cuộc sống đời thường người đó cũng có thể hòa hợp với những người xung quanh. Theo thời gian, người đó có thể đạt được sự hòa hợp với thiên nhiên, với đất trời. Đó cũng là cảnh giới cao ‘thiên nhân hợp nhất’, cũng là cảnh giới cao của đạo tu thân của người xưa.
Người như vậy thì làm điều gì cũng thuận, họ tề gia thì gia đình yên ổn; nếu trị quốc thì thiên hạ thái bình.
Rất nhiều người khi tới một trình độ nhất định thì không tiến thêm được nữa, cũng là vì không thể nâng cao cảnh giới của tâm mình.
Tổng hợp