Tiếng đàn thánh nhân có thể câu thông thiên thượng, cảm động quỷ thần
Thời nhà Thanh, ở Hải Ninh, Chiết Giang có một người tên Quách Khứ Phi, nổi tiếng chơi đàn giỏi. Tiếng đàn của ông trên thì có thể câu thông với thiên thượng, dưới có thể cảm động quỷ thần.
Quách Khứ Phi từ nhỏ đã đặc biệt yêu thích tiếng đàn. Năm 14 tuổi, khi thấy một người họ hàng đang chơi đàn, trong lòng Khứ Phi liền cảm thấy vô cùng quyến luyến. Người này sau đó đã dạy Khứ Phi gảy đàn, từ đó trở đi ông hết lòng chuyên chú học đàn, không quản ngày đêm, bất quản thời tiết nóng lạnh suốt mấy chục năm.
Cũng bởi vậy mà tâm tình ông rất bình thản, không màng danh lợi, ít dục vọng. Chẳng những không theo đuổi công danh phú quý, mà còn bất động tâm trước những cám dỗ, cùng sự cười nhạo từ mọi người. Ai cũng cho rằng ông là một kẻ ngốc, suốt mấy mươi năm không ai thực sự biết được tài năng của ông.
Tiếng đàn câu thông thiên thượng, cảm động quỷ thần
Năm đó, vào ngày mừng thọ của Quách Khứ Phi, bạn bè người thân đều đến chúc mừng; nhưng bản tính ông vốn chán ghét sự ồn ào, nên ở một mình trong phòng, để cho con trai ra tiếp khách.
Sau khi kết thúc tiệc tối, có vài người họ hàng lớn tuổi bày tỏ: “Quách Khứ Phi nổi tiếng chơi đàn tỳ bà đã nhiều năm. Chắc hẳn có sự khác biệt với người bình thường. Mọi khi không dám thỉnh cầu, hôm nay nhân tiệc chúc thọ xin hãy đàn một khúc cho mọi người cùng thưởng thức. Đừng cho rằng bọn ta chỉ là đàn gảy tai trâu mà khước từ, đây là điều may mắn mà ta hết sức mong chờ”.
Tất cả đều phụ họa theo, cảm thấy không biết từ chối ra sao, người con liền vào nói với cha ý nguyện của mọi người.
Quách Khứ Phi cầm đàn đi tới, nói: “Đây là pháp khí của Thánh hiền, là thanh âm của trời đất; trên có thể câu thông với thần linh, dưới có thể cảm động quỷ thần”.
Mọi người liền nói: “Nếu là như vậy, thì nhất định có thể bồi dưỡng phẩm hạnh cho chúng ta, nhưng nói có thể câu thông với quỷ thần thì quả thực ta không dám tin”.
Quách Khứ Phi bảo con trai thiết đàn dâng hương, thắp lên rất nhiều nến, đóng hết cửa sổ, dặn những người trẻ nhát gan không cần sợ hãi.
Tất cả cười cợt: “Có ba bốn mươi người ở đây, dẫu là quỷ thần hiện hình thì có gì đáng sợ đâu?”
Quách Khứ Phi chỉnh lại dây và bắt đầu gảy, lúc đầu âm thanh du dương, rất êm tai. Một lát sau âm thanh dần trở nên bi thương, ánh đèn dần mờ đi, từng trận u phong rung động xào xạc, phát ra những tiếng “u u”.
Dường như quỷ thần cảm động mà phát ra những thanh âm não nề, tất cả phụ nữ đều bật khóc. Đột nhiên ngoài cửa sổ giống như có cả trăm người đang ném bùn cát, giấy dán cửa sổ như sắp rách vỡ, tất cả mọi người đều sợ hãi.
Những đứa trẻ sợ hãi nhào vào lòng người lớn. Một vị lớn tuổi xua tay nói: “Nhạc còn chưa đàn xong, mà người nhát gan đã bị dọa sợ sắp phát bệnh đến nơi, làm sao bây giờ? “
Quách Khứ Phi mỉm cười, đổi giai điệu. Đèn đột nhiên sáng lên, cảm giác trong phòng tràn ngập dương khí, tiếng đàn thanh nhã đột nhiên dừng lại. Những vị khách hỏi: Ông đàn khúc gì mà lại như vậy?
Quách Khứ Phi nói: “Phổ am chú, lần thứ nhất mới chỉ chơi 6 đoạn đã khiến mọi người sợ hãi nên phải dừng lại”.
Mọi người bái lạy rồi nói: “Quả là tài nghệ vô cùng kỳ diệu, dù còn đoạn tiếp cũng không dám thỉnh nghe nữa”. Vì thế mọi người đều kính phục lui ra.
Tiếng đàn cứu mạng lúc nguy nan
Tiết thanh minh năm Nhâm Tuất, Quách Khứ Phi mua thuyền đưa gia quyến đến Võ Lâm (tên gọi khác của Hàng Châu ngày xưa) để tế mộ. Tế mộ xong, họ cùng nhau ngao du núi Ngô, thuyền neo ở trong thành.
Lúc ấy trời mưa mấy ngày không dừng, nước sông dữ dội, dâng lên cao bằng bờ sông, thuyền không thể di chuyển. Ông liền đưa thuyền dời xuống thủy các (lầu các gần sông) của một phú hộ. Ngày hôm đó không thể nhóm lửa nấu cơm, tất cả mọi người đều lo lắng hoang mang, không biết làm thế nào.
Quách Khứ Phi cười nói: “Không có gì to tát, trong lúc hoạn nạn không thể không hạ mình một chút, ta sẽ dùng tiếng đàn để xin đồ ăn, có lẽ sẽ tốt hơn”.
Mọi người nói: “Nhưng hiện tại không thể lên bờ, biết làm sao bây giờ?”
Quách Khứ Phi nói:”Không cần lo lắng”.
Sau đó ông bèn mang đàn lên khoang thuyền, tấu lên khúc “Thủy điệu ca đầu”. Tiếng đàn vừa dứt, trên thủy các có người mở cửa hỏi, không lâu sau thủy các mở ra, mời thuyền vào trong nội các.
Lúc này, mấy người hầu đi ra, cầm ô trái phải, hộ tống một ông lão lên thuyền. Người này cởi áo mưa ra, để lộ đai lưng của một vị quan tứ phẩm.
Ông lão bước vào thuyền, chào Quách lão gia và nói: “Tôi vừa nghe thấy tiếng đàn tuyệt diệu của tiên sinh, tiểu nữ nhà tôi đã học đàn nhiều năm nhưng vẫn chưa có minh sư chỉ dạy. Nếu như không chê, xin mời về tệ xá một lần”.
Vì vậy, ông đã cử những người hầu cầm đàn, dìu Quách Khứ Phi xuống thuyền và mời mọi người vào nhà cùng mình.
Tiền sảnh rất hoành tráng và rộng rãi, trưng bày đủ loại đồ trang trí sang trọng.
Được biết chủ nhân của nội các là một một vị quan đã cáo quan về tĩnh dưỡng tuổi già, gia đình ông vẫn luôn giàu có. Hai cha con đều thích chơi đàn, thủy các kia chính là cầm thất, cô con gái thường xuyên ở đó.
Lúc nghe được tiếng đàn của Quách Khứ Phi, biết không phải người tầm thường, nên liền báo cho phụ thân biết để thỉnh mời. Ông lão biết gia đình Quách tiên sinh đang gặp nạn, liền mở tiệc chiêu đãi, còn cấp cho gạo củi đầy đủ.
Thấy Quách tiên sinh là người đức độ tài năng, ông lão liền thỉnh mời làm thầy cho con gái. Cô con gái mới tuổi thành niên, thông minh đẹp đẽ, khí chất hào sảng. Quách tiên sinh bảo nàng thử đàn một khúc nhạc. Sau khi đàn xong, ông nói: “Thủ pháp cũng không tệ, chỉ cần sửa vài âm tiết là sẽ thanh nhã hơn”.
Ông dạy cho cô khúc “Hán cung thu”. Vị lão nhân khẩn nài mời bọn họ lưu lại vài ngày, đợi khi thời tiết sáng sủa, nước rút thì hãy rời đi. Nhưng thực tâm ông lão có ý muốn giữ Quách tiên sinh ở lại và tiễn người nhà về.
Quách Khứ Phi hiểu ý liền mượn cớ: “Lão phu năm nay đã gần tám mươi, chỉ sợ phạm vào lời cảnh báo tuổi già không nên ở bên ngoài lâu, chỉ có thể cáo từ. Tiểu thư vốn thông tuệ, có thể hiểu hết những huyền bí trong nhạc lý, dạy một hiểu ba, có thể suy luận để áp dụng vào các bản nhạc khác nhau”. Quách Khứ Phi nhất định rời đi. Ông lão liền chuẩn bị lễ vật hậu hĩnh, đích thân lên thuyền tặng và tiễn họ rời đi.
Từ đó, danh tiếng của Quách Khứ Phi lưu truyền khắp nơi, ai cũng muốn tới tìm ông học đàn. Nhưng ông vốn không màng danh lợi, chỉ thích yên tĩnh tự tại, nên đã lên núi ở ẩn. Về sau không ai biết ông đã đi đâu, có người nói rằng ông đã đắc đạo thành tiên.
Tiếng đàn “câu thông thiên địa, cảm động quỷ thần” của ông đã trở thành huyền thoại lưu sử sách. Chỉ có bậc thánh nhân mới có thể thực sự gảy lên những khúc nhạc tuyệt vời như vậy.
Theo Epoch times