Khi muốn nói một người thông minh, tài trí cũng mắc sai lầm thì chúng ta thường dùng câu: “Bậc trí giả nghĩ ngàn điều, tất sẽ có một điều sai”.

Câu thành ngữ này là xuất phát từ “Sử ký Hoài Âm Hầu liệt truyện”: “Bậc trí giả nghĩ ngàn điều, tất sẽ có một điều sai; kẻ ngu ngốc nghĩ ngàn điều, tất sẽ có một điều đúng”. Câu này là do mưu sĩ Lý Tả Xa của Hàn Tín vào đầu thời nhà Hán nói ra.

Lý Tả Xa hiến kế

Theo sử liệu ghi chép lại, Lý Tả Xa là cháu của Lý Mục – một danh tướng của nước Triệu. Vào cuối thời nhà Tần, Lý Tả Xa phụ tá Triệu Vương, được phong làm Quảng Vũ quân. Ông là người rất tài hoa, lại quen thuộc binh pháp, vì vậy được Triệu Vương rất nể trọng. 

Năm thứ 2 thời Hán Cao Tổ, Hàn Tín và Trương Nhĩ dẫn quân đi qua núi Thái Hành, tiến đến Tỉnh Hình (nay là Thổ Môn Quan của tỉnh Hà Bắc), chuẩn bị tấn công nước Triệu. Triệu Vương biết được tin này, lệnh cho tướng nước Triệu là Trần Dư tập hợp 20 vạn binh lực tại Tỉnh Hình, chuẩn bị đón đánh. 

Bậc trí giả là gì; Tài trí là gì; Tài trí hơn người
Người tài trí đôi khi cũng mắc sai lầm (ảnh minh họa Kknews)

Lý Tả Xa nói với Trần Dư: 

“Hiện tại quân Hán đi đường xa, hậu cần cung ứng khó khăn. Mà đường sá ở Tỉnh Hình chật hẹp, xe không thể đi song song, ngựa không thể đi thành hàng, vận chuyển lương thực sẽ khó khăn. Mong ngài cấp cho tôi 3 vạn quân, từ đường mòn chặn vũ khí quân lương của địch. 

Các ngài ở đây đào chiến hào, đắp thành cao, cố thủ trận địa, khiến cho quân Hán tiến vào không thể đánh được, mà cũng không thể lui được. Không quá 10 ngày, sẽ lấy được đầu của Hàn Tín và Trương Nhĩ dâng trước trướng. Nếu không chúng ta sẽ bị họ tóm gọn”. 

“Bậc trí giả nghĩ ngàn điều, tất sẽ có một điều sai”

Nhưng Trần Dư bảo thủ, nói nghĩa binh không dùng mấy mưu kế lừa gạt, từ chối yêu cầu của Lý Tả Xa. Kết quả, Hàn Tín thuận thế tấn công quân Triệu, đánh cho quân lính tan tác, Triệu Vương bị bắt, Trần Dư bị giết. Đối với Lý Tả Xa, Hàn Tín ra lệnh cho binh sĩ không giết, phải bắt sống, muốn trọng thưởng cho ngàn vàng. Lý Tả Xa sau khi bị bắt, Hàn Tín tự mình đến mở trói, dùng lễ thầy trò để đối đãi.

Tài trí nghĩa là gì; Thông minh là gì; Người thông minh là gì
Quân tử nhất định phải học được sự khiêm nhường (ảnh minh họa Vandieuhay)

Về sau, dưới tác động của Hàn Tín, Lý Tả Xa đã đưa ra ý kiến của mình khi bàn bạc về mưu kế của nhà Hán tiến đánh nước Yên, nước Tề. Ông nói: 

“Bậc trí giả nghĩ ngàn điều, tất sẽ có một điều sai; kẻ ngu ngốc nghĩ ngàn điều, tất sẽ có một điều đúng. Nay quý quân đánh bại quân Triệu, nổi danh bốn bể, uy chấn thiên hạ. Đây là sở trường của tướng quân. Nhưng dân chúng mệt nhọc, sĩ tốt mệt mỏi, chính là điểm yếu. Nếu bây giờ tấn công nước Yên, chưa chắc sẽ thành công. Chi bằng án binh bất động, giữ lại nước Triệu, trấn an tướng sĩ tử vong, trẻ mồ côi. Sau đó nhắm vào nước Yên bày trận, đồng thời phái người thuyết phục nước Yên đầu hàng Hán”. 

Hàn Tín nghe theo kiến nghị của Lý Tả Xa, phái người đi đến nước Yên, phân tích ra việc lợi hại, nước Yên sau đó đã đầu hàng. Qua việc này cũng đủ thấy tài năng quân sự của Lý Tả Xa.

Câu thành ngữ được sử dụng rộng rãi

Lý Tả Xa tuổi già chuyên tâm nghiên cứu quân sự, đã viết ra cuốn binh pháp “Quảng Vũ Quân”, tiếc là đã bị thất truyền. Trong lần trò chuyện đầu tiên với Hàn Tín, ông từng nói rằng: “Bại tướng làm sao có thể dũng cảm cất lời”, về sau cũng trở thành một câu thành ngữ được sử dụng rất rộng rãi.

Kẻ ngốc là gì; Quân tử là gì; Kẻ tài trí
Kiêu ngạo là mầm mống của tai họa (ảnh minh họa Sohu)

Một người tài trí cũng có thể mắc sai lầm, vì vậy không nên cao ngạo mà xem thường người khác. Một người ngu ngốc nếu cẩn trọng suy nghĩ thì cũng có thể đưa ra được ý kiến hay, vì vậy đừng ngại nói lên ý kiến của mình.

Câu thành ngữ “Bậc trí giả nghĩ ngàn điều, tất sẽ có một điều sai” cũng thường được dùng để cảm thông cho những sai lầm của người khác.

Theo Vision Times

Xem thêm video: