Thường nghe nói “người có tài thì hay có tật”, nhưng nếu ngông cuồng quá mức thì chính là đang tự hủy hoại bản thân mình. 

Bạn đã từng gặp qua một người như thế này chưa: Anh ta kiêu ngạo, tự mãn, không thể bao dung được người khác, đối với bất cứ ai cũng tùy tiện bình phẩm, có thể tìm thấy lỗi trong mọi việc, hiếm ai có thể khiến anh ta hài lòng; những người như vậy dường như đều có một đặc điểm chung, đó là họ có một năng lực nào đó vượt trội hẳn so với người bình thường.

Vào cuối thời Đông Hán, có một nhà văn học rộng tài cao tên là Nê Hành, anh giỏi đối đáp, có khả năng đọc qua là nhớ, nhưng lại là người tùy tiện, ngông cuồng, coi thường người khác.

Khổng Dung rất quý Nê Hành, nhiều lần viết thư tiến cử anh, nói Nê Hành là người: “Trung thành, quả cảm, chính trực, chí hướng thanh cao, thấy điều thiện thì kinh ngạc mà ngộ ra, ghét điều ác như là kẻ thù”. Tào Tháo cầu hiền tài như khát nước, vì vậy đã trọng đãi Nê Hành, nhưng Nê Hành lại rất ngạo mạn với Tào Tháo, thường châm chọc Tào Tháo trước mặt mọi người, không chút nể nang, dường như không biết thế nào gọi là tôn trọng, còn nói rằng bản thân mắc bệnh ngông cuồng.           

Tào Tháo thấy anh trẻ tuổi mà lại cao ngạo, nên cho làm Cổ lại (quan lo việc đánh trống) để bớt đi cái cuồng khí, kết quả là Nê Hành lại nhân cơ hội để làm nhục Tào Tháo. Dựa theo quy củ thời đó, lúc Cổ lại đánh trống thì phải mặc trang phục riêng biệt, nhưng Nê Hành lại cố ý mặc áo vải lên đài đánh trống. 

Bi kịch của một người ngông cuồng
Nê Hành cố tình làm mất mặt Tào Tháo (ảnh: Kknews)

Có người nhắc nhở anh, thế là anh cởi từng mảnh áo ra trước mặt khách. Nhìn thấy cảnh này, ai cũng phải che mặt đi, lắc đầu ngao ngán. Sau đó anh lại mặc từng món đồ của Cổ lại vào, đánh trống xong thì tự mình rời khỏi yến tiệc. Hành động này đã khiến cho Tào Tháo và khách khứa cảm thấy rất khó xử, thậm chí ngay cả người tiến cử là Khổng Dung cũng cảm thấy rất khó chịu.                  

Về sau Tào Tháo phái anh đi Kinh Châu dụ hàng Lưu Biểu, muốn lấy việc này để thử tài năng của anh. Lưu Biểu ngưỡng mộ tài học của Nê Hành, cho anh ngồi chỗ thượng khách. Có lần Lưu Biểu cùng rất nhiều văn nhân thảo ra một bức văn thư, Nê Hành nhìn một cái liền xé tan thành từng mảnh, đang lúc mọi người vô cùng kinh ngạc, anh liền đi tới chỗ bút mực, loáng một cái đã viết ra một bản khác, hơn nữa ngôn từ và nghĩa lý cực kỳ hay, Lưu Biểu sau khi xem xong thì rất thán phục, càng coi trọng tài học của Nê Hành hơn. 

Nhưng thời gian trôi qua, tính cách ngạo mạn kia của Nê Hành cũng khiến Lưu Biểu không sao chịu được. Vì vậy Lưu Biểu phái anh đến chỗ của Hoàng Tổ – Thứ sử Giang Hạ.

Hoàng Tổ ban đầu cũng rất kính nể anh, hơn nữa Nê Hành có quan hệ rất tốt với con trai của Hoàng Tổ là Hoàng Dạ, họ thường cùng nhau du sơn ngoạn thủy. Có lần hai người đến tham quan một tấm văn bia do nhà văn Thái Ung thời Đông Hán viết, Hoàng Dạ hối hận vì đã không sao chép lại, ai ngờ Nê Hành đã giúp anh sao chép lại không sai một chữ.

Bi kịch của một người ngông cuồng
(ảnh minh họa Pinterest)

Mặc dù Nê Hành học rộng tài cao, trí nhớ siêu phàm, nhưng cái tính cuồng vọng tự ngạo của anh theo thời gian vẫn không giảm đi chút nào. Một ngày nọ, Hoàng Tổ mở yến tiệc ở trên thuyền, Nê Hành nói lăng lỗ mãng, Hoàng Tổ liền quở trách anh mấy câu. Ai ngờ anh ở trước mặt mọi người mắng lại Hoàng Tổ, Hoàng Tổ nổi cơn thịnh nộ mới cho người xử tử Nê Hành. Vậy là thiên tài mắc bệnh “ngông cuồng” đã ra đi mãi mãi ở tuổi 26, thật khiến cho người ta thương tiếc!         

Người xưa nói: Quân tử có 3 điều phải lo sợ, sợ thiên mệnh, sợ đại nhân (bề trên), sợ lời nói của Thánh nhân. Tiểu nhân không biết thiên mệnh nên cũng không sợ, cợt nhả đại nhân, khinh nhờn lời nói của Thánh nhân. Giống như Nê Hành, khắp người đều là gai nhọn, không dung chứa nổi ai, cứ nghĩ mình là người giỏi nhất trên thế gian, dù ông Trời có ban cho tài năng kiệt xuất, nhưng cuối cùng cũng không làm được việc gì.         

Theo Sound of Hope