Người mẹ hiền đức hiểu rằng tích tiền cho con cũng chỉ là vật ngoài thân, giáo dục con coi trọng đức mới mang lại phúc báo lâu dài cho con cái.

Cổ ngữ có câu: “Lấy đạo đức truyền gia thì được trên 10 đời, lấy nghề cày cấy và dạy học truyền gia đứng thứ 2, lấy thi thư (kinh sách) truyền gia thì đứng thứ 3, lấy của cải giàu có truyền gia thì không nổi 3 đời”. Vì vậy, đối với con cháu trong nhà, ông cha để lại bài học làm người, dạy tu thân dưỡng đức mới là quan trọng hàng đầu.

Trong “Liệt nữ truyện, Tề Điền Tắc mẫu truyện” có câu: “Bất nghĩa chi tài, phi ngô hữu dã, bất hiếu chi tử, phi ngô tử dã”. Nghĩa là: “Của cải bất chính không phải là của tôi; con trai bất hiếu không phải là con trai của tôi”. Trong đó, có lưu truyền câu chuyện cảm động dưới đây.

Người mẹ hiền đức hiểu con qua lời nói và hành động

Nước Tề thời Chiến Quốc là một nước giàu mạnh, thiên hạ no ấm, là đại quốc trong số các nước chư hầu. Khi Tề Tuyên Vương chấp chính, ông bổ nhiệm Điền Tắc làm tể tướng. Ông là một chính trị nghiêm minh, liêm khiết. Tất cả những đức tính ông có được là nhờ sự dạy bảo của mẹ ông. 

Chuyện rằng, ngày nọ khi Điền Tắc vào triều quay trở về nhà, như thường lệ việc đầu tiên khi về phủ ông tới thỉnh an mẹ trong sảnh đường. Người mẹ vốn giỏi quan sát của ông chỉ cần thông qua biểu hiện và lời nói của con có thể biết được ngày hôm đó con vào triều có tình hình chính sự ra sao. Điền Tắc sau khi vấn an mẹ, sắc mặt lộ ra chút vui mừng. Ông lấy trong tay áo ra một trăm dật vàng (đơn vị trọng lượng cổ, một dật bằng 20 lượng); hai tay cung kính dâng lên và nói: “Con biếu mẹ”.

người mẹ hiền đức
Người mẹ giỏi quan sát có thể hiểu con qua từng lời nói, hành động (ảnh: meeyland).

Nhìn thấy số vàng lớn như vậy, mẹ ông bỗng sinh nghi ngờ. Với vẻ mặt ủ rũ, bà hỏi: “Con làm tể tướng được ba năm, lương bổng chưa bao giờ nhiều như vậy. Đây là phần thưởng quân vương ban tặng cho con à ? Hay đây là do cấp dưới hối lộ mua chuộc”. Điền Tích không dám lên tiếng. Thấy vậy, trong lòng mẹ ông đã đoán được bảy tám phần, bà nghiêm nghị hỏi: “Tại sao con không trả lời?

Luôn biết sợ hãi trước sự nghiêm khắc của mẹ

Thân là tể tướng nước Tề, trong triều đình mặc dù ông có uy nghiêm; bất khả xâm phạm tới đâu nhưng ở nhà luôn sợ hãi trước sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ. Ông không muốn và không bao giờ dám lừa dối mẹ mình. Vì vậy, ông đã thành thật nói cho mẹ biết nguồn gốc của số vàng này. Hóa ra đó là tiền của một vị đại phu trong triều. Ông ta vì không làm tròn trách nhiệm, nên cầu xin Điền Tắc nói tốt về ông một vài lời trước mặt Tuyên Vương, xin được khoan dung tha thứ.

Vì vậy, vị đại phu âm thầm biếu ông số vàng này. Điền Tắc cũng nhất quyết không chịu nhận; tuy nhiên vị đại phu cố gắng níu kéo đưa cho bằng được. Ông ta nói rằng biếu Điền phu nhân. Điền Tắc là một người con hiếu thuận, cuối cùng đành nhận số tiền này.

Tâm không nghĩ bất nghĩa, của không nhận bất nhân

Nghe xong, Điền mẫu nghiêm nghị nói: “Con trai, con hãy nghe mẹ nói đây. Con nhận quà hối lộ của cấp dưới, là bất thành bất nghĩa, bất trung bất hiếu. Mẹ nghe nói người trí thức luôn nghiêm khắc tu dưỡng bản thân; tự trọng và giữ mình trong sạch; không tùy tiện lấy những thứ của cải của người khác. Họ trong sáng vô tư, không làm những chuyện lừa dối. Tâm không bao giờ nghĩ tới những việc bất nghĩa; trong nhà không bao giờ có những thứ của cải bất nhân bất nghĩa.

Lời nói và việc làm phải như nhau, trong lòng với bề ngoài phải tương đồng. Nay Vua đã cho con làm quan, ban cho nhiều bổng lộc. Lời nói và việc làm phải như nhau thì mới có thể báo đáp sự tín nhiệm của Vua. Kẻ làm bề tôi phải phụng sự Vua của họ, giống như con cái phụng sự cha mẹ; phải tận tâm tận sức, chú trọng sự trung thành, không dối trá, phải tận trung với Vua, cho dù chết cũng phải làm theo lệnh Vua, phải liêm khiết công minh chính trực mới không có tai họa.

Hiện nay con lại làm điều ngược lại, làm như vậy là rời xa với trung thành. Làm bề tôi mà không thể tận trung thì giống như làm con mà bất hiếu. Thứ tài sản bất nghĩa này không phải là thứ ta cần; đứa con bất hiếu, cũng không phải là con ta, con hãy đi đi“. Nói xong, bà không quay đầu lại, tức giận chống gậy đứng dậy quay về phòng.

Mọi phúc báo của con đến từ người mẹ hiền đức

Điền Tắc đang cúi rạp trên mặt đất, xấu hổ đỏ mặt và sợ tới mức mồ hôi nhễ nhại. Ông ước gì mặt đất có khe nứt để mình có thể chui xuống. Sau khi mẹ rời đi, ông lập tức sai người đánh xe mang trả lại vàng đến tối mới trở về. Ngày hôm sau, ông lên triều, tới trước mặt Tề Tuyên Vương; xin chịu tội và trừng phạt và miễn nhiệm chức vụ của mình.

người mẹ hiền đức
Sự dạy dỗ nhẹ nhàng của người mẹ đôi khi còn hiệu quả hơn những lời nói nghiêm nghị mạnh mẽ của người cha (ảnh: Internet).

Tuyên Vương phái người tìm hiểu đầu đuôi sự việc, sau khi hiểu rõ không ngừng khen ngợi khí phách mẫu đức của Điền mẫu và đích thân tới thăm viếng. Tùy tùng đi theo cũng vô cùng bội phục. Tuyên Vương nói với quần thần: “Có mẹ hiền tất có tướng tốt. Mẹ của tể tướng như vậy, Tề quốc ta tất sẽ được cai trị nghiêm minh”.  Sau đó ông biểu dương phẩm đức biết sai quang minh lỗi lạc nhận lỗi và sửa đổi của Điền Tắc, miễn tội và khôi phục chức vụ cho ông. Đích thân ban thưởng cho mẹ con Điền Tắc vài vóc, tơ lụa để bày tỏ sự tôn kính.

Kể từ đó, Điền Tắc chú ý hơn đến việc việc tu dưỡng và sự trong sạch của bản thân, trở thành danh tướng nổi tiếng thời thời Chiến quốc.

Người mẹ hiền đức là tấm gương giáo dục con cái

Điền mẫu là người mẹ hiền đức trong sạch, trung thực và ngay thẳng. Bà không cho phép mang của cái bất nghĩa về nhà, dùng đạo lý này giáo dục con trai. Bà đã giáo dục con trai mình có phẩm chất đạo đức cao thượng và để tiếng lại cho các thế hệ sau này.

Nếu một người vợ luôn có thể giữ tâm trong sạch, không bị tiền bạc làm động lòng, không màng danh lợi thì dù người nhà, kể cả chồng con, tham lam đến đâu, tiền bạc bất nghĩa cũng không thể vào được nhà. Trong xã hội ngày nay, không ít người vì tham ô, nhận hối lộ mà thân bại danh liệt, vào tù ra tội.

Sự dạy dỗ nhẹ nhàng của người mẹ đôi khi còn hiệu quả hơn những lời nói nghiêm nghị mạnh mẽ. “Mọi vinh quang và tự hào trên thế giới đều đến từ mẹ”. Câu nói này có lẽ cũng không phải là nói quá.

Bởi vậy mà giáo dục trong các gia đình thời xưa, những người mẹ hiền đức đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất để dạy con.

Theo Bayvoice