Người sợ quỷ hay quỷ sợ người?
Rốt cục là người sợ quỷ hay quỷ sợ người? Thông thường khi nhắc đến ma quỷ, con người thường bất tri bất giác mà cảm thấy sợ hãi. Liệu chúng có thật sự đáng sợ?
Người xưa có câu “quân tử mang chính khí, tiểu nhân mang tà khí”. Người khí khái chính trực, gặp chuyện gì cũng không kinh sợ, thì quỷ cũng e dè, không dám lại gần.
Người sợ quỷ thì quỷ càng dọa người, người không biết sợ thì quỷ lại run
Tào Quân sống vào thời nhà Thanh, là anh họ của Hộ bộ Thượng thư Tào Trúc Hư.
Năm đó, ông có công chuyện phải đi từ huyện Hấp, tỉnh An Huy đến Dương Châu. Dọc đường đi ngang qua nhà một người bạn, ông liền ghé vào thăm.
Thấy Tào Quân ghé thăm, người bạn kia vô cùng vui vẻ, liền dẫn vào thư phòng nghỉ tạm. Hai người lâu ngày gặp lại, trò chuyện rôm rả, hơn nữa thư phòng này rộng rãi mát mẻ, Tào Quân cảm thấy mọi cái nóng bức được xua tan. Tới tối, Tào Quân nói với bạn: “Thư phòng này mát mẻ, tôi qua đêm tại căn phòng này, được chứ?”
Người bạn vội lắc đầu: “Tuyệt đối không thể”.
“Sao thế?” Tào Quân có chút kinh ngạc.
“Trong thư phòng này có ma, buổi tối không ai có thể ở trong đó được.” Người bạn nói.
“À, có quỷ à? Thì ra là thế”. Tào Quân thản nhiên cười, rồi nói: “không sao đâu.”
Người bạn lo lắng khuyên can, nhưng dù có nói thế nào, Tào Quân cũng nhất định đòi ngủ ở gian phòng này. Người bạn biết Tào Quân là người quang minh lỗi lạc, can đảm hơn người, không lay chuyển được nên đành để ông ngủ lại đó.
Tới nửa đêm, quả nhiên xuất hiện dị thường. Có thứ gì đó mỏng như tờ giấy chầm chậm chui qua khe cửa, tiến vào thư phòng, rồi dần dần hiện ra một hình người, hóa ra là một cô gái.
Tào Quân bình tĩnh nhìn mọi chuyện xảy ra trước mắt, vẻ mặt không chút sợ hãi. Ngược lại điều này dường như khiến cô gái có phần lo lắng.
Đột nhiên, cô gái biến thành một con ma nữ treo cổ, tóc tai xõa xượi, thè cái lưỡi dài ra. Lúc này Tào Quân chẳng những không sợ, còn cười với nữ quỷ, nói:
“Tóc của ngươi vẫn là tóc, chỉ là trở nên rối hơn, lưỡi vẫn là lưỡi, chỉ là dài hơn. Cái này có gì đáng sợ đâu”
Tiếp theo, nữ quỷ lại đột nhiên nhấc đầu mình ra, đặt ở trên bàn.
Tào Quân vừa thấy, lại càng cười to, nói: “Ngươi có đầu cũng không đủ để cho ta sợ, huống chi hiện tại không có đầu?”
Nữ quỷ nghe xong, ngây người ra một lúc, rồi đột nhiên biến mất.
Lúc Tào Quân xong việc trở về, lại ghé nhà người bạn tá túc, vẫn ở trong gian thư phòng kia.
Đến nửa đêm, nữ quỷ lại muốn luồn qua khe cửa để vào thư phòng, ngay khi nó mới thò cái đầu vào, Tào Quân lập tức quát lớn: “Lại là ngươi sao? Thật là làm ta mất nhã hứng!” Nữ quỷ vừa nghe, lập tức lùi lại không dám tiến vào.
Việc này này do chính Tào Quân kể lại cho Kỷ Hiểu Lam- tác giả của “Duyệt vi thảo đường bút ký”.
Nhạc sĩ cao đức quỷ kính mộ, hai lần gặp quỷ không sợ hãi
Kỷ Hiểu Lam cho rằng, nếu gặp chuyện không sợ hãi, thì nội tâm sẽ yên định, tâm yên định thì thần chí sẽ kiện toàn, người như vậy yêu ma quỷ quái nào cũng không dám xâm phạm. Ông còn nói thêm, điều này giống như trạng thái tâm trí của Kê Khang thời nhà tấn khi gặp quỷ.
Kê Khang là một trong “trúc lâm thất hiền” (bảy vị học giả, nhà văn, nhạc sĩ theo Đạo giáo sống trong rừng trúc) thời nhà Tấn. Ông vốn là người không thích làm quan mưu cầu phú quý, chỉ thích âm nhạc, đặc biệt yêu thích cổ cầm.
Một buổi tối nọ, Kê Khang đang đánh đàn dưới ánh đèn, bỗng nhiên xuất hiện một hình người nhỏ bé, lát sau lại biến thành một người đàn ông cao hơn một trượng. Hắn có làn da ngăm đen, mặc áo mỏng, thắt lưng bằng đai cỏ, bộ dạng tuyệt không giống con người.
Kê khang liền nhìn thẳng vào nó chằm chằm, trong lòng không chút sợ hãi. Một lát sau, ông thổi tắt đèn, rồi nói: “Ta không cùng yêu quái tranh quang”. Ý tứ là, ông quyết không cùng quỷ quái ở chung dưới một ánh đèn. Đường đường là chính nhân quân tử, lại cùng ma quỷ lẫn lộn dưới một ánh đèn, đây là điều sỉ nhục.
Đương nhiên thứ đó cũng liền biến mất, cũng không dám tới quấy nhiễu Kê Khang thêm lần nào nữa.
Một lần khác, Kê Khang lại gặp ma. Hôm đó, Kê Khang có việc ra ngoài, ở lại một nhà trọ gọi là “Nguyệt hoa đình”. Người ta đồn rằng nhà trọ này bị ma ám, vậy nên không có lữ khách nào dám qua đêm ở đây. Nhưng Kê Khang trời sinh bản tính khoáng đạt, tiêu sái tự tại, tuyệt không để ý chuyện đó.
Tới khuya, khi ông đang ngồi chơi đàn, bỗng nhiên nghe thấy trong không trung có tiếng người khen ngợi. Kê Khang dừng lại, hỏi: “Là ai đó.”
“Tôi là một người đã chết, vốn là chết ở chỗ này. Bởi vì khi còn sống cũng yêu thích âm nhạc, nên nghe thấy tiếng đàn của ngài, liền đến để nghe”. Quỷ hồn nói tiếp: “Tôi chết oan uổng, hình hài bị hủy hoại, nên không tiện hiện hình làm ngài sợ. Thỉnh ngài đàn thêm vài khúc”.
Kê Khang nghe xong thì tiếp tục tấu đàn. Tiếng nhạc du dương, hay tới nỗi quỷ hồn không nhịn được mà gõ gõ theo nhịp đàn.
Chơi thêm hồi lâu, Kê Khang buông đàn ra và nói: “Đêm đã khuya, sao ngươi còn không hiện hình gặp ta? Dù bộ dạng của ngươi đáng sợ đến đâu ta cũng không để ý”.
Quỷ hồn nghe xong liền hiện hình. Nó lo lắng bộ dạng của mình có thể khiến người ta sợ hãi, nên lấy tay che đầu lại. Nhưng Kê Khang nhìn nó, quả thực không hề sợ hãi.
Quỷ hồn nói: “Nghe ngài đánh đàn, nội tâm tôi cảm thấy vô cùng khoan khoái, giống như được sống lại vậy”.
Sau đó, một người một quỷ cùng nhau thảo luận về âm nhạc. Lúc cao hứng, quỷ hồn còn mượn đàn, tấu lên khúc “Quảng lăng tán” nổi tiếng. Kê khang nghe xong vô cùng tán thưởng, thỉnh cầu quỷ dạy cho mình.
Người và quỷ tuy không chung một đường, nhưng tâm đầu ý hợp trong âm nhạc. Nói tới khi trời gần sáng, quỷ hồn không thể không rời đi, nó nói với Kê Khang một cách miễn cưỡng rằng: “Tuy rằng chúng ta kết giao một đêm, nhưng giao tình còn hơn ngàn năm. Hiện giờ đành vĩnh biệt chia ly”.
Được biết trong lịch sử, Kê Khang nối tiếng đàn hay với khúc “quảng lăng tán”.
Có thể nói, quỷ chỉ hù dọa được người sợ nó. Còn người không sợ quỷ thì quỷ cũng phải run, không dám lại gần.
Những người không sợ quỷ thường là người thiện lương, sống không có điều gì hổ thẹn, hành xử chính trực quang minh; nội tâm ắt an hòa, thanh bạch, không có chỗ cho nỗi sợ hãi.
Theo Epochtimes