Nhà Phật chú trọng tu khẩu, coi đây là một phương diện rất dễ tạo nghiệp. Người hay châm chọc chế giễu người khác thì chính là đã tạo khẩu nghiệp.

Nhà sư trẻ kiêu ngạo

Có một câu chuyện cổ Phật giáo kể rằng, vào thời Già Diệp Như Lai, có một nhà sư trẻ tuổi hát rất hay, nhưng do mới tu tập nên tính cách vẫn còn ngạo mạn. Cậu luôn coi thường những tăng nhân khác khi hát những bài hát ca ngợi Phật. Cậu cho rằng giọng hát của mình hay hơn những người khác. Lúc nào cậu cũng tỏ ra mình là người siêu thường.

Có một vị sư già giọng hơi khàn, khi cất tiếng hát ca ngợi Phật thì nghe không được trong trẻo lắm. Nhà sư trẻ luôn nhạo báng vị sư già và nói rằng giọng của ông thật là tệ. Nhưng cậu không biết là vị sư già này đã tu đến quả vị La Hán.

Chế giễu là gì; Chế giễu người khác; Nhạo báng là gì
Nhà sư trẻ không biết vị sư già đã tu đến quả vị La Hán (ảnh Adobe Stock)

Một ngày nọ, vị sư già muốn điểm ngộ cho nhà sư trẻ nên mới hỏi cậu ta: “Cậu biết ta không?”

Nhà sư trẻ nhanh nhảu đáp: “Tôi biết ông lắm chứ! Ông là nhà sư già với giọng hát khàn khàn khiến người ta khó chịu”.

Vị sư già mỉm cười nói với cậu ta: “Mặc dù ta hát nghe không được hay, nhưng ta đã giải thoát bản thân khỏi sự ràng buộc của sinh tử; không còn khổ não vì việc nơi thế gian này nữa”.

Sau khi nghe điều này, nhà sư trẻ cảm thấy vô cùng xấu hổ. Cậu hướng về vị sư già sám hối; thế nhưng lời đã nói ra, nghiệp đã tạo thành. Cậu phải luân hồi chịu khổ trong suốt 500 năm vì những lời chế giễu của mình.  

Luân hồi chịu khổ 500 năm chỉ vì chế giễu người khác

Bẵng đi vài trăm năm sau, đến thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một lần nọ, có 500 lái buôn tập trung nhau lại để đi tới một nơi xa. Một trong số họ có mang theo một con chó để canh gác vào ban đêm. Trên đường đi, con chó đã nhân lúc chủ nó đang ngủ mà cắp mất một miếng thịt. Khi người lái buôn thức dậy và biết chuyện thì ông đã rất tức giận; ông đánh đập con chó rất thậm tệ. Ông đã đánh con chó gãy chân và bỏ nó lại bên đường.

Nhạo báng người khác; Châm biếm cuộc sống; Châm biếm bạn bè
Chỉ vì ác khẩu mà luân hồi 500 năm chịu đủ khổ cực (ảnh Pinterest)

Lúc ấy, ngài Xá Lợi Phất (đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) đã dùng thiên mục (con mắt thứ 3) và nhìn thấy điều này. Ngài đã tới cho con chó ăn uống và thuyết Pháp cho nó nghe. Sau khi nghe thuyết Pháp, con chó lập tức lăn ra chết và chuyển sinh vào một gia đình Bà La Môn ở thành Xá Vệ. 

Một thời gian sau, khi ngài Xá Lợi Phất đang một mình đi hành khất thì có một vị Bà La Môn tiến đến và hỏi ông: “Tôn giả, ông đi một mình hay đi với ai?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Ông có một cậu con trai. Ông có thể để nó làm sa di cho tôi được không?”

Vị Bà La Môn ngạc nhiên nói: “Nó mới chỉ lên bảy, như vậy thì có nhỏ tuổi quá không?”

Ngài Xá Lợi Phất nói: “Vừa đúng tuổi”.

Không nên châm biếm người khác mà tạo khẩu nghiệp

Khẩu nghiệp và ý nghiệp; Khẩu nghiệp và quả báo; Khẩu nghiệp trong đạo phật
Tôn giả Xá Lợi Phất được coi là người có ‘trí tuệ đệ nhất’ trong các đệ tử của Đức Phật (ảnh Tinh Hoa)

Vậy là tiểu sa di đã đi theo ngài Xá Lợi Phất để tu tập. Khi nghe giảng Pháp, tiểu sa di lĩnh ngộ rất nhanh và mau chóng đắc chính quả. Lúc này, cậu nhìn về quá khứ thì mới nhận ra mình đã phải chịu đựng 500 năm luân hồi trong đau khổ chỉ vì ác khẩu với vị sư già.

Qua câu chuyện trên có thể thấy rằng, nói lời châm chọc và chế giễu người khác thì tội không phải là nhỏ. Ngày nay, có người nói chuyện dường như không thể nói một cách bình thường. Lúc nào cũng phải tìm chỗ thiếu sót của người khác để nói móc; hoặc nói lời ẩn ý châm biếm sâu xa, coi như thế là tài giỏi hơn người.

Bậc quân tử nói lời ngay thẳng, người thiện lương nói lời từ bi nhẹ nhàng. Không khi nào lại dùng những lời cạnh khóe chỉ cốt để cho người khác cảm thấy tổn thương. Nếu nói vậy sẽ là bất thiện và là hành vi của kẻ tiểu nhân. 

Châm biếm, chế giễu, nhạo báng người khác đều sẽ tạo khẩu nghiệp; làm người thì nhất định phải cẩn trọng ở phương diện này.

Tổng hợp