Thứ Năm , 8 Tháng Hai 2024

Cuộc giao dịch khôn ngoan trở thành cuộc giao dịch tồi tệ nhất

07/02/24, 05:25 Nhân sinh cảm ngộ
Cuộc giao dịch khôn ngoan trở thành cuộc giao dịch tồi tệ nhất

Trong cuộc sống, có những người rất khôn ngoan. Họ có thói quen tính toán cặn kẽ để bản thân không bị thiệt thòi. Tuy nhiên, có câu nói “khôn ngoan không lại với trời”, đôi khi nỗ lực để giành được một điều gì đó nhưng kết quả lại trái lại.

Cuộc giao dịch khôn ngoan

Có một bản hợp đồng gây rúng động nước Pháp và lan toả khắp thế giới trong một khoảng thời gian dài. Nhưng theo như lời người trong cuộc thì đó là cuộc “giao dịch tồi tệ”. Câu chuyện như sau:

André François Raffray là một luật sư trẻ. Anh là người đàn ông thông minh và có những thành công nhất định trong sự nghiệp. Năm 1965, ở tuổi 47, trên đỉnh cao của đời người, anh đã thảo ra một bản hợp đồng “béo bở” với tiêu chí “đôi bên cùng có lợi” với một cụ bà 90 tuổi tên là Jeanne Louise Calment. 

Cuộc giao dịch khôn ngoan trở thành cuộc giao dịch tồi tệ nhất
Cụ Jeanne Louise Calment ở viện dưỡng lão (ảnh: Kenh14)

Theo thỏa thuận, hàng tháng, anh sẽ trợ cấp cho cụ 450 USD; cho đến khi cụ từ giã cõi đời thì anh là người được quyền sống trong ngôi nhà của cụ.

Môt cụ bà “gần đất xa trời” và căn biệt thự xinh đẹp không người thừa kế, không có tranh chấp; xem ra đây là cuộc giao dịch không thể tuyệt vời hơn.

Gia sản không thiếu nhưng người thân đều lần lượt ra đi

Cụ bà Jeanne Louise Calment, đối tác của anh luật sư, sinh ngày 21/2/1875. Năm 21 tuổi, bà Jeanne kết hôn với ông Fernand Nicolas, chủ một doanh nghiệp lớn. Hai vợ chồng họ chuyển đến sống trong một căn hộ rộng rãi phía trên cửa hàng của gia đình. Và là căn hộ mà anh luật sư André muốn sở hữu sau này.

Bà Jeanne thuê người hầu và tận hưởng cuộc sống của người thượng lưu. Bà thường xuyên đạp xe, đấu kiếm, chơi tennis, đàn piano, bơi lội, đôi khi còn đi săn thỏ và lợn rừng – những thú vui tiêu khiển của người giàu có.

Cuộc giao dịch khôn ngoan trở thành cuộc giao dịch tồi tệ nhất
Ảnh cụ Jeanne thời trẻ (ảnh: Kenh14)

Vào năm 1898, bà Jeanne sinh được một người con gái tên là Yvonne Marie Nicolle Calment. Đó cũng là người con duy nhất của vợ chồng bà. Lúc trưởng thành, cô ấy kết hôn với một sĩ quan quân đội. Kết quả của cuộc hôn nhân là cậu con trai tên Frédéric.

Tuy nhiên, thật đáng buồn, năm 1934, cô Yvonne mắc bệnh phổi nên đã qua đời. Đến năm 1942, chồng bà Jeanne cũng ra đi ở tuổi 73 vì ngộ độc quả anh đào.

Người thân cuối cùng của bà Jeanne là cháu ngoại Frédéric, nhưng rồi cậu thanh niên ấy cũng chết sau một vụ tai nạn ô tô vào tháng 8/1963, khi chưa lập gia đình. Vậy là bà Jeanne chỉ còn lại một mình trên cõi đời.

Cơ hội đổi đời biến thành một món nợ đời

Mặc dù không còn người thân, nhưng ngôi biệt thự giá trị của bà đã lọt vào tầm ngắm của anh luật sư “biết tận dụng cơ hội”. Họ cùng nhau thực hiện bản giao dịch, qua đó, cụ bà già cả có được khoản trợ cấp tương đối để dưỡng già. Còn anh luật sư thừa kế ngôi nhà của bà sau khi bà chết.

Tra lại gia phả, người ta thấy rằng các thành viên trong gia đình cụ Jeanne Louise Calment cũng sống rất thọ. Chẳng hạn anh trai của cụ sống đến 97 tuổi, cha của cụ sống đến 93 tuổi, mẹ của cụ sống đến 86 tuổi.

Tuy nhiên, không ai có thể ngờ được cụ Jeanne lại sống đến tận 122 năm 164 ngày. Thậm chí, bà cụ sống lâu hơn cả anh luật sư. Thật nghiệt ngã, ông ấy qua đời ở tuổi 77 nhưng chưa từng một ngày được sống trong căn hộ bản thân vất vả trả góp suốt 30 năm. Món nợ đó truyền lại cho vợ của ông. Theo hợp đồng đã ký, bà ấy phải tiếp tục chi trả 450USD/tháng cho cụ Jeanne, nếu muốn có được ngôi nhà.

cụ bà sống tho nhất thế giới
Thời gian cứ thế trôi đi, cụ bà Jeanne sống thọ một cách đáng kinh ngạc (ảnh: kenh14)

Mãi đến ngày 4/8/1997 cụ bà này mới trút hơi thở cuối cùng và lập kỷ lục Guinness về người sống thọ nhất thế giới. Theo thỏa thuận ban đầu, cụ Jeanne đã nhận được số tiền gấp đôi giá trị thực của căn nhà.

Bài học lớn về sự khôn ngoan

Tôi không biết ông luật sư lúc chết liệu có nhắm mắt được hay không. Tuy nhiên với số tiền khổng lồ mà ông bỏ ra để đổi lấy thứ chưa từng thuộc về mình thì tôi e rằng thật khó để “ngậm cười nơi chín suối”.

Cuộc giao dịch tưởng chừng sẽ thuận lợi: cụ Jeanne đã quá già, cụ lại nghiện cà phê và chẳng bao giờ ăn sáng một cách cẩn thận. Xung quanh cụ cũng không có lấy một người thân để san sẻ nỗi niềm. Xác suất người 90 tuổi sống lâu hơn người 47 tuổi gần như bằng “0”. Nhưng kết cục, đúng là không có chuyện gì không thể xảy ra.

Tương lai là chuỗi ngày không được báo trước. Lại có câu nói: “Điều không thuộc về mình có muốn cũng không được”. Vẫn biết là như vậy nhưng không phải ai cũng có thể bình tĩnh sống một cuộc đời ít ham muốn và biết đủ.

Sống khôn ngoan
Trân trọng điều đang có cũng là một cách hưởng thụ cuộc sống (ảnh: Cafef.vn)

Cho nên thông thường, con người vẫn truy cầu, tìm kiếm và nỗ lực đạt được mục tiêu vì một tương lai tươi sáng hơn. Mặc dù vậy, tôi hy vọng sau câu chuyện để đời bên trên, chúng ta sẽ bớt toan tính lại. Thả lỏng đầu óc một chút, điều cần làm tất nhiên phải làm cho thật tốt, nhưng kết quả ra sao thì nên tuỳ vào định mệnh.

Đương nhiên, làm người nên biết tận dụng nắm bắt những cơ hội. Nhưng chỉ khi coi nhẹ sự được – mất nơi thế gian thì chúng ta mới có thể tận hưởng trọn vẹn những điều mình đang có. Trân trọng từng khoảnh khắc hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống, biết đâu đó mới là một sự lựa chọn khôn ngoan.

Theo Cafebiz

x