Dạy con có nhất thiết phải trừng phạt?
Có nhất thiết phải trừng phạt khi trẻ phạm lỗi lầm? Liệu có phương pháp giáo dục nào tốt hơn giúp trẻ nhận thức được sai lầm và sửa chữa sai lầm?
- Phương pháp giáo dục con của người xưa: Dùng ‘Đức’ dạy con
- Cổ nhân dạy con: làm người lương thiện là bài học suốt đời
Cha mẹ nên làm gì khi con cái mắc sai lầm?
Khi đối mặt những kết quả không tốt, hành vi không đúng của trẻ, trước khi làm điều gì đó, các bậc cha mẹ hãy tự hỏi bản thân những vấn đề sau:
– Vấn đề ở đây là gì?
– Là vấn đề của mình hay của con?
– Mình sẽ giải quyết thế nào?
– Cách giải quyết này có mang tính giáo dục không? Có thể cho con bài học gì thông qua đó?
Nhưng đôi khi chúng ta sẽ không tự chủ được mà dùng sự trừng phạt.
Trừng phạt là một hành động mang tính sỉ nhục, nó vi phạm ý nghĩa thực sự của giáo dục. Nó thể hiện sự khống chế của người lớn đối với đứa trẻ, chứ không thực sự giúp đứa trẻ nhận thức được sai lầm của mình. Nói chung nó không liên quan đến việc giáo dục khi con mắc lỗi hay tìm cách khắc phục nó, mà nó chỉ nhấn mạnh vào cảm giác “mang tội” cho đứa trẻ.
Cha mẹ thường trừng phạt con theo sự phản xạ, có thể là chính họ cũng từng bị trừng phạt như thế. Mặc dù biết rõ điều này hầu như không khiến một đứa trẻ học được điều gì, nhưng đến lượt họ trở thành cha mẹ, họ vẫn vô thức tiếp tục sử dụng cách này.
Trừng phạt trẻ là một cách chống lại cảm giác bất lực. Khi trừng phạt, cha mẹ có thể mơ hồ cho rằng đó là vì để cải thiện tình hình. Thậm chí khi được nhắc nhở rằng sự trừng phạt không giúp ích gì cho đứa trẻ, họ thường đáp lại bằng sự bất lực: “Nhưng tôi không thể để nó tiếp tục như vậy. Tôi phải làm gì đó.”
Có cần thiết phải trừng phạt trẻ không?
Thực ra chúng ta có thể sử dụng kỷ luật và phân xử thay vì sự trừng phạt. Hình phạt là hậu quả hợp lý của việc vi phạm nội quy và chỉ được thực hiện khi nội quy đã rõ ràng.
Chúng ta không thể quở trách một đứa trẻ không biết mình đang làm sai, nhưng chúng đã biết mà vẫn tái phạm thì có thể cân nhắc xử phạt. Xử phạt đúng mức sẽ làm đứa trẻ ý thức được hậu quả hành vi của bản thân, và học cách chịu trách nhiệm.
Mức độ xử phạt cũng nên tùy theo mức độ nghiêm trọng của lỗi lầm mà cân nhắc. Cách xử phạt tốt nhất là khắc phục lỗi sai. Ví dụ như lau sạch vết bẩn đã gây ra, sửa chữa vết rách,…
Giáo dục con cái luôn là một bài toán nan giải của các bậc làm cha mẹ. Hãy nhớ rằng, khi con mắc lỗi, không nhất thiết phải trừng phạt, điều quan trọng là giúp con vượt qua những sai lầm và sửa chữa nó.
Theo Epoch Times
.