Lão Tử từng dạy: “Báo oán dĩ đức”, ý nói dùng đức mà báo oán, chứ không thể dùng oán mà trả oán. Cổ nhân vốn chú trọng tu thân dưỡng đức, cho rằng khoan dung chính là một loại trí tuệ. 

Một người với tấm lòng khoan dung, tâm thái thiện lương cùng trí tuệ rộng lớn không chỉ tích được đức lớn, mà còn có thể chiêu mời may mắn, thiện hóa người khác. 

Tử Cống, học trò của Khổng Tử từng hỏi: “Thưa thầy, có nguyên tắc nào chỉ cần một chữ mà có thể suốt đời làm theo được không?”

Khổng Tử đáp: “Có lẽ chính là  chữ ‘thứ'” . “Thứ” ở đây có nghĩa là “dung thứ”, ý nói lòng khoan dung, và tha thứ cho người khác. Cổ ngữ có câu: “Bậc quân tử xưa, đối đãi với bản thân thì tự trách nghiêm khắc, đối đãi với người khác lại nhẹ nhàng khoan dung”. Những bậc sĩ đại đức như vậy, trong lịch nổi tiếng có Lạn Tương Như, Tưởng Uyển,…

Hai tướng hòa hợp, kề vai phò chủ

Thời Chiến Quốc, có một vị quan văn nước Triệu tên là Lạn Tương Như. Bởi vì có công lớn trong việc “Cầm ngọc quý đi sứ nước Tần”, nên ông được  phong làm Thượng khanh, địa vị trên cả võ tướng Liêm Pha. 

Liêm Pha không phục chuyện này, tuyên bố rằng: “Ta là đại tướng của Triệu Quốc, có đại công trên chiến trường; còn Lạn Tương Như chỉ bằng vài lời nói mà lập được công lao, chức vị lại ở trên ta. Thật là mất thể diện, gặp hắn nhất định ta sẽ khiến hắn phải nhục nhã”.

Lạn Tương Như biết được, cố gắng lảng tránh, không chạm mặt Liêm Pha. Có một lần xe của Lạn Tương Như vừa mới xuất hành, từ xa trông thấy đoàn xe hộ tống Liêm Pha, ông lập tức kêu người rẽ xe vào một con đường nhỏ, đợi cho Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra, tránh phát sinh xung đột.

Các môn khách (môn khách là những nhân tài được gia đình quý tộc thời xưa nuôi dưỡng lâu dài trong nhà để trọng dụng) của Lạn Tương Như cho rằng ông sợ hãi Liêm Pha. Vì thế đồng loạt nói: “Chúng tôi vì ngưỡng mộ lễ nghĩa, phẩm đức cao thượng của ngài mà đặc biệt tìm đến nương tựa. Hiện tại ngài và Liêm Pha chức vị ngang nhau, nhưng ngài lại sợ hãi, né tránh ông ta, người ngoài nhìn thấy cảnh này cũng cảm thấy xấu hổ, huống hồ là đi cùng. Chúng tôi không có tài cán gì, xin phép ngài cho chúng tôi cáo từ rời đi”.

Lạn Tương như nói: “Các vị thấy Liêm tướng quân và Tần Vương ai lợi hại hơn?”

Môn khách đáp: “Liêm tướng quân đương nhiên không lợi hại bằng Tần Vương”.

“Trước uy thế của Tần Vương, mà Lạn Tương Như ta lại dám ở trên triều đình Tần quốc giảng đạo lý, chê trách. Tài năng của ta có thể thấp, nhưng lẽ nào lại sợ Liêm tướng quân? Chỉ là ta nghĩ đến đại Tần hùng mạnh sở dĩ không dám tiến đánh Triệu quốc, chính là bởi có hai người bọn ta. Hiện tại nếu hai hổ đánh nhau, tất không thể đồng tồn. Ta đối với ông ấy dung nhẫn, nhượng bộ, là bởi đặt sự an nguy của quốc gia lên trên hết”, Lạn Tương Như nói.

Liêm Pha sau khi nghe được chuyện này, liền để lưng trần, trên lưng mang cây gai, dẫn người tới trước cửa nhà Lạn Tương Như thỉnh tội. 

Dùng đức báo oán; Dùng đức báo oán là gì
Liêm Pha tới thỉnh tội với Lạn Tương Như (ảnh: Tinhhoa)

Liêm Pha nói: “Tôi là kẻ thô lỗ, thấp hèn, không ngờ rằng ngài lại khoan dung với tôi như vậy. Từ nay về sau, hai ta xóa bỏ hận thù, kề vai phò chủ, nguyện thành bằng hữu sinh cùng sinh, tử cùng tử”. Đây cũng chính là điển cố “vác gai thỉnh tội” nổi tiếng.

Từ xưa đến nay, biết sai mà sửa chính là một loại phẩm đức. Liêm Pha có thể hoàn toàn tỉnh ngộ, “vác gai thỉnh tội”, lại thành tâm thành ý, nhận được sự tán thán của người đời. Còn Lạn Tương Như, trong mâu thuẫn với Liêm Pha chỉ lấy thái độ dung nhẫn và tìm lý tưởng chung mà đối đãi, lấy lợi ích quốc gia làm trọng, gác những vinh nhục cá nhân sang một bên.

Phong thái quân tử, đạo nghĩa cao thượng của ông đã khiến hậu nhân muôn đời ca tụng và noi theo. 

Sự khoan dung của tể tướng Tưởng Uyển

Thời Tam Quốc, sau khi Gia Cát Lượng của nhà Thục qua đời. Thục chủ Lưu Thiện tuân theo di biểu của Gia Cát Lượng, bổ nhiệm Tưởng Uyển cùng chủ trì triều chính. 

Lấy thiện đãi người; lấy ân báo oán; thiện giải ân oán
Sau khi Gía Cát Lượng qua đời, nước Thục suy yếu, lòng dân hoang mang (ảnh minh họa: Youtube)

Lúc ấy, Thục quốc thương tiếc chủ soái, bên ngoài có địch mạnh áp sát, trong triều hoảng hốt bất an. Tưởng Uyển tuy lần đầu nắm triều chính, nhưng điềm tĩnh như thường, tâm giữ đại cục. “Sắc mặt không vui không buồn, thần thái cử chỉ vẫn như thường ngày”, vậy nên lòng dân cũng nhanh chóng yên ổn.

Tưởng Uyển cư xử khoan hậu, thuộc hạ của ông là Đông tào duyện Dương Hí tính tình lơ đễnh, nói năng vụng về không khéo. Khi Tưởng Uyển nói chuyện với Dương Hí, ông ta thường xuyên không trả lời.

Có người không thuận mắt, liền trước mặt Tưởng Uyển nói: “Dương Hí này thất lễ với ngài như vậy, thật là quá đáng mà”.

Tưởng Uyển thản nhiên cười: “Tâm tính người ta chẳng giống nhau, cũng như mặt mũi vậy; trước mặt thuận theo sau lưng lại phê phán, đấy là điều cổ nhân răn dạy. Dương Hí nếu muốn tán đồng ta, thì trái với bản ý của mình, muốn phản bác lời ta, thì e rằng ta mất mặt, vì thế mà im lặng. Đó chính là chỗ đáng quý trong cư xử của ông ấy”.

Đốc nông Dương Mẫn từng chê bai Tưởng Uyển rằng: “Làm việc hồ đồ, kém xa những người tiền nhiệm”. Ý nói Tưởng Uyển làm việc thua xa thừa tướng tiền nhiệm. 

Có người nghe được liền yêu cầu quan chủ quản đem đi trị tội, nhưng Tưởng Uyển cũng không truy cứu, ông nói: “Ta thật sự không bằng tiền nhân, cũng không thể chối cãi”. 

Sau này Dương Mẫn phạm tội, người khác đều cho rằng Tưởng Uyển sẽ mượn được cơ hội tốt để trả thù, nhưng ngược lại ông rộng lượng không chấp, thậm chí còn vì ông ấy mà cầu xin. Người khác thấy vậy thì bất bình thay, ông lại bình tĩnh: “Ta vốn không bằng Thừa tướng tiền nhiệm. Đây là sự thật, mọi người đều biết. Không có gì phải sợ người khác nói cả. Còn đối với tội của ông ấy, ta chỉ là theo lẽ phải mà đối đãi thôi”.

Trong thời gian làm tể tướng, Tưởng Uyển tuân theo di phong của Gia Cát Lượng, phán đoán sáng suốt, tuân theo pháp luật mà trị quốc; không thích phục tùng, không nghe lời gièm pha, được mọi người kính phục. 

Tống Tựu dùng đức báo oán, thiết lập bang giao hai nước 

Thời Chiến Quốc, ở Lương quốc có một vị đại phu tên Tống Tựu, từng giữ chức Huyện lệnh ở một huyện gần biên giới. Huyện này tiếp giáp với nước Sở, Lương và Sở đều có biên đình (một trạm nghỉ chân ở biên giới), biên giới hai nước mỗi bên đều trồng một ruộng dưa. Người Lương rất cần cù, tưới nhiều nước cho ruộng dưa nên dưa tươi tốt, người Sở lười biếng ít tưới nên dưa không phát triển tốt.

Người Sở thấy thế thì rất ghen tức, đêm đến liền cho người giẫm nát dây dưa của người Lương. Người Lương sau khi phát hiện, thì tới xin chỉ thị từ Huyện lệnh Tống Tựu. Họ muốn trả thù người Sở, chuẩn bị giẫm lại ruộng dưa người Lương. 

Tống Tựu nghe xong thì lắc đầu: “Sao có thể làm như vậy được? Kết oán với người khác chính là con đường chiêu mời tai họa. Người ta đối xử tệ với mình, mình cũng đối xử tệ với họ. Như thế thật hẹp hòi! Ta chỉ cho các ngươi một cách, mỗi đêm hãy phái người âm thầm tưới ruộng dưa cho người Sở, đừng để cho họ biết”.

Người Sở buổi sáng ra ruộng dưa liền phát hiện dưa đã được tưới nước, với sự giúp đỡ của người Lương, ruộng dưa của họ cũng ngày càng phát triển tốt hơn. Người Sở cảm thấy kỳ lạ nên bí mật điều tra và phát hiện ra chính là do người Lương làm. 

Họ vô cùng chấn động và báo cáo sự việc lên triều đình. Sở vương biết chuyện, cảm thấy rất xấu hổ nên đã cử người mang quà đến để tỏ sự hối lỗi tới người dân ở biên giới nước Lương; đồng thời xin kết giao với Lương Vương. 

Sở Vương sau này nhiều lần ca ngợi sự tín nghĩa của vua Lương. Vì vậy, mối quan hệ hữu hảo giữa Lương và Sở được bắt đầu khi Tống Tựu xử lý thích đáng vụ ruộng dưa ở biên đình. 

Khoan dung có thể chuyển họa thành phúc; dùng đức báo oán có thể biến thù thành bạn. Mọi người nếu đều có thể đối xử với nhau như vậy thì xã hội ắt thái bình.

Theo Vision Times