Nhiều du khách ngạc nhiên khi đến lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ được người dân mời vào ăn tiệc như người thân quen. Lòng nhiệt tình, mến khách của con người nơi đây cũng là một nét đẹp của lễ hội tháng giêng hàng năm này.

Du khách không khỏi choáng ngợp trước bầu không khí nhộn nhịp, tưng bừng của lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ được tổ chức hàng năm từ ngày 22 – 27 tháng giêng (năm này là nhằm vào ngày 2/3- 7/3 dương lịch). Đây là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất ở thành phố Lạng Sơn, và cũng là lớn nhất ở miền Bắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. 

Một trong những hoạt động ý nghĩa nhất của lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đó chính là lễ rước kiệu được tổ chức vào ngày 22 và 27 tháng giêng. Tương truyền, lễ hội được tổ chức là để thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị quan đã góp phần xây dựng phát triển đất nước và xứ Lạng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 là Tả Đô Đốc Hán Quận Công Thân Công Tài (được thờ tại Đền Tả Phủ – Kỳ Lừa) và Quan lớn Tuần Tranh (được thờ tại Đền Kỳ Cùng).

Theo truyền thuyết lịch sử, vì cảm phục lòng nghĩa hiệp của ông Tuần Tranh, nên ông Thân Công Tài đã có công viết sớ tâu với Vua để minh oan cho ông Tuần Tranh, vì vậy hàng năm vào ngày 22 tháng giêng người dân lại mở hội rước kiệu để đưa ông Tuần Tranh (từ đền Kỳ Cùng) lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài (đền Tả Phủ). Và đến ngày 27 tháng giêng thì lại làm lễ rước kiệu để đưa ông trở về. 

Trong lễ hội, từ nhi đồng tới các bô lão, những nam thanh nữ tú xinh đẹp, từng đoàn từng đoàn trưng diện những bộ trang phục của các dân tộc khác nhau, đẹp tuyệt vời; xen kẽ với dòng người là những đội múa lân sư tử, kiệu hoa, kiệu rước quan, trong tiếng nhạc, tiếng trống rộn ràng. Nhìn mặt ai cũng vui tươi, hớn hở, thân thiện, mắt ai cũng rạng ngời. 

Khách lạ coi như người quen, nét đẹp lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
(ảnh: Thùy Linh)
(ảnh: Thùy Linh)

Đoàn rước kiệu đi qua các tuyến đường trung tâm của thành phố Lạng Sơn thu hút đông đảo người dân, du khách. Hai bên đường người dân dựng rạp, bày những mâm cỗ thịnh soạn để thỉnh các quan ngự lãm, trong đó không thể thiếu được mâm xôi và những con lợn quay vàng óng. Trên kiệu rước và trên cả mâm cỗ đều có những lẵng hoa lan muôn sắc màu rực rỡ. 

Đám rước đi đến đâu thì các nhà dân đều dâng những phong tiền màu đỏ lên kiệu rước, phát lộc cho cả những người đi hội, vì họ cho rằng làm được như thế thì họ sẽ gặp được may mắn, bình an, được ơn Thánh ban cho mưa móc, mưa thuận gió hòa, mua may bán đắt, có nhiều tài lộc, một cuộc sống sung túc.

(ảnh: Nhân dân TV)
Nhiều gia đình dựng rạp, mời khách đến dự hội (ảnh: Phapluatplus)

Khi kiệu rước Thánh quay về qua nhà thì lúc ấy bữa tiệc của gia chủ và khách quý mới được bắt đầu. Có một điều đặc biệt là khách dự tiệc không chỉ là gia đình họ hàng và bạn bè thân thiết mà cả những khách đi hội cũng được họ mời vào mâm rất tự nhiên; họ cho rằng những người khách đó cũng đem đến may mắn cho gia đình họ. Điều này cũng thể hiện sự mến khách của người dân miền núi phía Bắc này.

Bên cạnh lễ rước kiệu, trong những ngày diễn ra lễ hội cũng có rất nhiều các trò chơi dân gian được tổ chức như: múa sư tử, hát then, đua bè mảng, diễn xướng Chầu văn, hội thi ẩm thực … tất cả đã tạo nên một không khí vui tươi, nhộn nhịp của một phố thị vùng biên giới trong những ngày đầu xuân.

Tâm điểm của lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ là hội Đầu pháo, diễn ra tại khu vực phía trước đền Tả Phủ. Đầu pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m, bên trong Đầu pháo người ta để một vòng kim loại, nối với Đầu pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống sát mặt đất. Khi pháo được đốt, Đầu pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống rồi xông vào tranh nhau để lấy.

Khách lạ coi như người quen, nét đẹp lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
Hội Đầu pháo (ảnh: Baolangson)

Người dân ở đây kể lại, ai mà may mắn lấy được Đầu pháo thì đem đến trình báo với nhà đền, sau đó Ban tổ chức sẽ thông báo và vinh danh, tặng thưởng rồi rước về tận nhà để tạ ơn tổ tiên. Gia đình người lấy được Đầu pháo sẽ có một năm gặp nhiều may mắn, tài lộc. Đến ngày 20 tháng Giêng năm sau người lấy được Đầu pháo, phải mang Đầu pháo và lễ vật đến đền tạ ơn và trả lại nhà đền.

Tại ngày hội năm nay, anh Hoàng Văn Hiếu, 24 tuổi, thôn Tàng Khảm, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đã may mắn nhận được đầu pháo.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn, từ ngày 2/3 đến ngày 7/3/2024 lượng người đến dự Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ đạt trên 521.200 lượt người (gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), doanh thu ước đạt 573 tỷ đồng. Một lễ hội không chỉ là người dân bản địa mà còn được khách thập phương từ Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang và nhiều tỉnh thành lân cận đến tham dự.