“Miệng dao găm, lòng đậu hũ” là câu nói đúng hay sai?
![“Miệng dao găm, lòng đậu hũ” là câu nói đúng hay sai?](https://nguyenuoc.com/wp-content/uploads/videos/mieng-dao-gam-1-700x366.jpg)
Nhiều người thường nói: “Tôi là người miệng dao găm, nhưng lòng đậu hũ”. Vậy liệu một người miệng sắc như dao, tâm có thể là đậu hũ không? Có thể không khiến người khác tổn thương không?
Có bao nhiêu bậc cha mẹ dùng lời lẽ “sắc như dao” với con cái mình?
Không ít bậc cha mẹ mang lối suy nghĩ “vì muốn tốt cho con” mà sử dụng bạo lực ngôn từ trong gia đình.
Có một nghệ thuật gia lớn tuổi, tính cách theo đuổi sự hoàn hảo nên đặc biệt nghiêm khắc với cô con gái duy nhất của mình. Dù cô con gái rất giỏi giang, đã học đến bậc tiến sĩ của đại học Ivy League ở Mỹ, nhưng bà trước sau vẫn chưa từng thừa nhận những nỗ lực cũng như khen ngợi cô; thay vào đó bà thường dùng những lời lẽ “sắc như dao” với con mình.
Có một lần, bà tới Mỹ thăm con gái, hai người lại cãi nhau. Cô con gái hỏi: “Có phải con vĩnh viễn không bao giờ có thể khiến mẹ hài lòng?”
Bà lạnh lùng đáp: “Con cảm thấy bản thân đã làm rất tốt à?”
Cô gái nghe xong thì lạnh lùng xoay người nhảy từ ban công xuống, không thể cứu được.
Phải chăng người mẹ không yêu con gái của mình? Hẳn là có! Để bồi dưỡng con gái bước vào một ngôi trường nổi tiếng thế giới, chắc chắn bà đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Trước mặt mọi người, con là niềm kiêu hãnh của bà, nhưng trước mặt con gái, bà lại như biến thành một con nhím. Cũng vì những lời nói như “dao cứa” của bà đã hủy đi mạng sống con gái, cũng hủy luôn hạnh phúc gia đình bà.
Bao nhiêu cuộc hôn nhân thất bại chỉ vì nói lời sát thương nhau?
MC truyền hình nổi tiếng Đài Loan Khấu Nãi Hinh từng chia sẻ về trải nghiệm của bản thân, khi dùng lời nói để làm tổn thương chồng mình là Hoàng Quốc Luân.
Cô nói, cô và chồng đều có cá tính rất mạnh, không ai muốn nhường ai. Có một lần, vì để thắng chồng khi cãi nhau, cô cố ý nói những lời tổn thương nhất: “Hoàng Quốc Luân, anh có điểm nào để xứng với Khấu Nãi Hinh tôi? Anh có biết anh là kẻ từng ly hôn không? Anh là đồ cũ, anh không xứng với tôi”.
Lúc đó Hoàng Quốc Luân không đáp lại, quay người dọn hành lý. Ra đến cửa, anh ấy quay đầu lại và nói: “Nãi Hinh, có những lời không thể nói, em có biết không?” Nói xong liền rời đi mà không nhìn lại.
Sự việc này khiến Khấu Nãi Hinh vô cùng hối hận, cũng hoàn toàn tỉnh ngộ – trong hôn nhân, tuyệt đối không nên thốt ra những lời lẽ cay độc với người mình yêu thương.
Lời nói khi nóng giận nhất thời giống như vũ khí sắc bén, trong khoảnh khắc mở miệng sẽ đâm mạnh vào trái tim người khác. Nói chuyện không chừng mực là độc dược trong hôn nhân, khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt khó có thể chữa lành.
Miệng dao găm thì lòng không thể là đậu hũ
Có lẽ có người sẽ nói: “Tôi là người miệng dao găm, lòng đậu hũ. Lời nói tuy tàn nhẫn, nhưng xuất phát điểm là tốt”.
Với lý do là “muốn tốt cho bạn”, nên họ nói mà không cần kiềm chế, tùy tiện làm tổn thương bạn, cho rằng có thể nói bất cứ điều gì khó nghe cũng không sao cả.
![miệng sắc như dao; nói lời ác khẩu; miệng nam mô](https://nguyenuoc.com/wp-content/uploads/2024/12/noi-loi-ton-thuong-1.jpg)
Miệng lưỡi không xương, nhưng lại làm tổn thương người khác sâu sắc nhất. Lời nói ra không lấy lại được, lời cay độc một khi thốt ra khó lòng sửa chữa.
Nhưng chúng ta lại có thói quen để những cảm xúc tồi tệ nhất, những lời nói độc hại nhất dành cho những người thân thương nhất. Tuy nhiên, dù tình cảm sâu đậm đến mấy, hay mối quan hệ thân thiết đến đâu, cũng không thể chịu đựng được những lời nói tàn nhẫn cứ lặp đi lặp lại.
Một gia đình êm ấm hạnh phúc, trước hết bắt đầu từ việc nói chuyện đúng mực, dành cho nhau những lời tốt đẹp: Đối với con cái, bớt nói lời quở trách, hãy động viên nhiều hơn; đối với vợ/chồng, bớt phàn nàn, hãy thấu hiểu nhiều hơn.
Vậy nên, căn bản không có cái gì gọi là “miệng dao găm, lòng đậu hũ” cả, miệng dao thì tâm cũng là dao, là lưỡi dao cứa vào tim người khác, khiến họ tổn thương sâu sắc.
Theo Vision Times