Ngày nay, các giá trị truyền thống dần mai một, rất ít người hiểu được thế nào là một người phụ nữ đức hạnh. “Nội huấn” là cuốn sách giáo dục cho phụ nữ rất nên tham khảo.

Thời xưa, phụ nữ thường lấy đức tính ôn nhu, hiền thục làm căn bản. Nhưng từ thời cận đại tới nay, nam nữ bình quyền đã phá hoại những thiên tính tốt đẹp này của phụ nữ.

Phụ nữ hiện đại chú trọng thể hiện cá tính bản thân, mạnh mẽ như nam nhân. Ôn nhu dịu dàng bị cho là nhu nhược phong kiến, điều này vô tình khiến mối quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng. Và dường như là một hậu quả tất yếu, khi mà tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. 

Phụ nữ nên trau dồi đức hạnh, ôn nhu, dịu dàng, đó mới là nét đẹp thực sự của phụ nữ (ảnh: MUC)

Vì sao phụ nữ cần phải trau dồi đức hạnh? Chúng ta có thể tìm được đáp án trong “Nội Huấn”, bộ sách giáo dục dành cho phụ nữ có từ thời nhà Minh.

Nguồn gốc của “Nội Huấn” và đức hạnh của Từ hoàng hậu

“Nội Huấn” được biên soạn vào năm Vĩnh Lạc thứ hai (1404) bởi Từ Hoàng Hậu, vợ của Hoàng đế Minh Thành tổ, dùng để giáo dục nữ nhân trong thiên hạ, được gọi là tuyển tập “cổ thánh tiên hiền về giáo huấn phẩm đức nữ nhân”.

Theo ghi chép lịch sử, Từ Hoàng Hậu là con gái của khai quốc công thần Từ Đạt. Bà là người có tư chất thông minh, thanh khiết trầm tĩnh, học vấn uyên thâm, cư xử ân cần và cẩn trọng, được Minh Thái Tổ và Mã Hoàng Hậu vô vùng yêu quý. 

Từ hoàng hậu (ảnh: Wikipedia)

Sau khi Chu Đệ (tức Minh Thành tổ sau này) dấy binh ở  Tĩnh Nan, Từ thị hiệp trợ bảo vệ Bắc Bình, khích lệ tướng sĩ, khiến cho Chu Đệ bớt phần lo lắng. Sau khi Chu Đệ đăng cơ, bà thường xuyên khuyên can Hoàng Đế suy nghĩ cho cuộc sống của bách tính, cũng thường đưa ra nhiều đề xuất và được Minh Thành tổ chấp thuận. Những phẩm chất và đức hạnh của bà thực sự xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ. 

Vì để dạy dỗ các phi tần trong hậu cung trở thành tấm gương cho phụ nữ trong thiên hạ, Từ hoàng hậu đã tra cứu các tư liệu về quy tắc chuẩn mực cho phụ nữ trong lịch sử, kết hợp với những lời dạy của Mã hoàng hậu mà biên soạn ra sách “Nội huấn”; giúp hậu nhân liễu giải được tư tưởng nội hàm phía sau những nguyên tắc xử sự cùng trí tuệ thâm sâu của việc trau dồi phẩm hạnh cho phụ nữ. 

Phụ nữ đức hạnh cần phải là một người vợ hiền 

Từ hoàng hậu cho rằng, làm vợ thì nên cư xử thận trọng. Những người tự cho mình là đúng sẽ hành xử ngang ngược và độc đoán. Người tự phụ, khoe khoang, dễ gặp tai vạ. Kẻ hay lừa người thì hành vi hợm hĩnh đê hèn. Chỉ cần mắc phải một trong những điều này thì sẽ gây tổn hại tới vận khí gia đình, gieo mầm tai vạ, thậm chí chết cũng không yên.

“Thể nhu thuận, suất trinh khiết, phục tam tòng chi huấn, cẩn nội ngoại chi biệt, miễn chi kính chi, chung thủy duy nhất. Do thị khả dĩ tu gia chính, khả dĩ hòa thượng hạ, khả dĩ mục thân thích, nhi động vô bất hiệp hĩ.”

Nghĩa là: Phụ nữ nên nhu thuận, giữ gìn sự trinh khiết, tuân theo tam tòng, cẩn trọng phân biệt chuyện trong ngoài. Đối với chồng thì khuyến khích và tôn trọng, một lòng chung thủy. Từ đó có thể chỉnh đốn gia đình, cùng già trẻ trên dưới, thân thích hòa hợp thì không gì không thể giải quyết.

Từ hoàng hậu luôn nhấn mạnh, làm vợ thì phải thuận theo chồng. Chồng bảo vệ con cái, vợ chăm sóc chồng, chồng cương vợ nhu, điều này phù hợp với đạo lý âm dương của đất trời.

Văn hóa truyền thống trong gia đình, giữa vợ chồng cần tôn trọng và bao dung lẫn nhau, cử án tề mi (nâng án ngang mày – một tích cổ về việc vợ chồng tương kính), cư xử tương kính như tân.

Làm một nàng dâu thảo

Hiếu là điều cốt lõi của gia đạo, nhưng con người hiện đại dường như đã quên mất nội hàm thực sự của đạo hiếu.

Từ hoàng hậu nói: “Tử nữ bất hiếu đích căn nguyên thị đối phụ mẫu một hữu cung kính chi tâm. Hiếu kính giả, sự thân chi bổn dã, dưỡng phi nan dã, kính vi nan.”

Nghĩa là: Con cái bất hiếu có nguyên nhân căn bản là bởi đối với cha mẹ không có tâm cung kính, người hiếu kính, gốc rễ là phải tôn thờ cha mẹ, khiển trách cũng phải cung dưỡng, khó dễ cũng phải cung kính.

Từ hoàng hậu cho rằng hiếu thuận không phải là chỉ hiếu với riêng cha mẹ đẻ, một người phụ nữ đức hạnh còn cần phải hết lòng kính hiếu với cha mẹ chồng, thậm chí là tận hiếu cả với các bậc trưởng bối như chú bác, cô dì. 

Cổ nhân cho rằng, Thần nhìn thấy từng niệm của con người, mà việc phụng dưỡng cha mẹ chồng là bổn phận của nàng dâu; nếu không làm được thì sao Thần có thể ban phúc cho người đó? 

Làm một người mẹ nhân từ, trí tuệ

“Giáo chi giả, đạo chi dĩ đức nghĩa, dưỡng chi dĩ liêm tốn, suất chi dĩ cần kiệm, bổn chi dĩ từ ái, lâm chi dĩ nghiêm khác. Dĩ lập kì thân, dĩ thành kì đức.”

Nghĩa là: Khi dạy con phải dùng đạo đức và chính nghĩa, nuôi dưỡng sự trung thực khiêm tốn, chỉ dạy sự cần kiệm, lấy lương thiện làm căn bản, trước mặt cần nghiêm khắc. Dạy con lập thân lập đức.

Bản chất của giáo dục là dạy dỗ lời nói và hành động của đứa trẻ, khiến nó hiểu được thế nào là lẽ phải. 

Từ Hoàng Hậu giảng: “Từ ái bất chí vu cô tức, nghiêm khác bất chí vu thương ân, thương ân tắc li, cô tức tắc túng, nhi giáo bất hành hĩ.”

Nghĩa là, từ ái nhưng không nuông chiều, nghiêm khắc nhưng không hà khắc, hà khắc thì có khoảng cách, nuông chiều thì dễ phóng túng, khó mà giáo dục được.

Giáo dục con cái cũng chính là để nâng cao phẩm hạnh, tu luyện chính mình, đức hạnh đầy đủ mới có thể trở thành tấm gương cho con trẻ.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, mọi hành vi cử chỉ của cha mẹ đều ảnh hưởng tới đứa trẻ. Rất nhiều trẻ em trên thân mang những phẩm chất ưu tú như khiêm tốn, vô tư, cần kiệm, vui vẻ khi giúp đỡ người khác; thông qua đó chúng ta có thể hình dung được cha mẹ của chúng là người như thế nào. Ngược lại, nếu đứa trẻ ích kỷ, nóng nảy, hỗn hào, thì cũng có thể nhìn ra cha mẹ chúng ra sao.

Bởi vậy làm cha mẹ, cần phải không ngừng thăng hoa đạo đức, chú ý đến lời nói và việc làm, xây dựng một hoàn cảnh tốt để nuôi dạy con cái. 

Thông qua “Nội huấn”, chúng ta không chỉ hiểu được làm một người phụ nữ đức hạnh là như thế nào; mà còn thấy được sự trí tuệ thâm sâu và đạo đức cao thượng của cổ nhân.

Theo Vision Times