Ngẫm câu tục ngữ “Không có việc tốt nào không bị trừng phạt”

“No good deed goes unpunished” – “không có việc tốt nào không bị trừng phạt”, đây là một câu tục ngữ khiến không ít người hoang mang về giá trị đạo đức, liệu nó có đúng không?
- Gặp khổ nạn chớ tuyệt vọng, vì “bầu trời luôn tối trước bình minh”
- “Sau mỗi đám mây đều có ánh sáng” – trong cái rủi lại có cái may
“Không có việc tốt nào không bị trừng phạt” – câu nói này từ lâu đã khiến tôi không ngừng suy ngẫm. Tôi tự hỏi liệu câu nói ấy có bắt nguồn từ thời xa xưa như bao câu tục ngữ khác, và hoàn cảnh nào đã góp phần tạo nên nó? Tôi luôn có cảm giác lẫn lộn mỗi khi nghĩ đến, vừa tò mò về dụng ý thực sự đằng sau, vừa băn khoăn liệu nó có phải là một câu nói đáng để dùng hay không.
Quá trình nghiên cứu đã giúp tôi khám phá ra nhiều điều thú vị. Việc suy ngẫm về ý nghĩa của câu tục ngữ này cũng trở thành một dịp quý giá để tôi nhìn nhận và trưởng thành hơn.
Tóm lại, tôi tin rằng câu nói ấy hàm chứa một sự thật sâu sắc, nhất là trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay.
Câu tục ngữ này bắt nguồn từ đâu?
Nguồn gốc câu nói này vẫn còn khá mơ hồ, nhưng có khả năng nó bắt nguồn từ một tác phẩm tiếng Latin có từ thế kỷ XII mang tên “De Nugis Curialium”, do cận thần Walter Map viết. Trong đó, ông mô tả một nhân vật hư cấu vô cùng đáng sợ – kẻ sống theo một hệ giá trị đạo đức bị đảo lộn và được khắc họa như sau:
“Hắn tuyển chọn những kẻ tồi tệ nhất để lãnh đạo bọn người xấu xa, trao thêm quyền lực cho những kẻ độc ác nhất trong việc đàn áp người vô tội, và ưu ái đề bạt những kẻ không hề biết đến lòng trắc ẩn. Bất kỳ thuộc hạ nào tỏ ý muốn khoan dung đều bị hắn loại bỏ không thương tiếc. Với hắn, làm điều tốt là đáng bị trừng phạt, còn làm điều ác thì xứng đáng được tán thưởng. Khi không còn ai trên mặt đất đủ sức làm đối thủ hay dám chống đối, hắn giống như Capaneus trong thần thoại – ngạo nghễ thách thức cả thiên giới. Hắn phá hoại nghĩa trang, xúc phạm nơi linh thiêng, chẳng hề dừng tay, hắn không sợ người sống, cũng chẳng kính trọng người đã khuất.”
Tôi thật sự bị ấn tượng mạnh khi đọc phần mô tả về nhân vật này, còn lý do vì sao thì xin để bạn tự cảm nhận. Theo thời gian, giống như hầu hết các câu tục ngữ khác, câu nói ấy đã xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau và mang theo vô số biến thể.

Câu nói này từng xuất hiện trong tiểu thuyết The Trouble of One House (1950) của Brendan Gill. Nó cũng được nhắc đến trong bài hát No Good Deed thuộc vở nhạc kịch Broadway Wicked (2003). Ngoài ra, nhà thơ Franklin Pierce Adams cũng sử dụng cụm từ này trong bài thơ No Good Deed Goes Unpunished (So Shines a Good Deed in a Naughty World).
Và đó cũng là điều tôi nhận ra sau khi suy ngẫm về xã hội hiện nay: rằng một việc tốt vẫn có thể tỏa sáng trong một thế giới đầy rối ren, nhưng đồng thời, sự tử tế cũng dễ bị tấn công hoặc chống lại bởi những thế lực đen tối xung quanh.
Những điều tử tế vẫn luôn tỏa sáng
Có lẽ chúng ta đang sống trong một thời đại mà các giá trị đang bị đảo lộn, tương tự như thế giới quan của nhân vật trong câu chuyện của Walter Map kể trên. Trong nhiều lĩnh vực, ranh giới giữa đúng và sai, thiện và ác dường như đang bị đảo ngược.
Hãy nghĩ đến tất cả những người gần đây đã bị “tẩy chay” vì từ chối đi theo sự đảo lộn giữa thiện và ác. Họ chắc chắn đã bị trừng phạt vì những hành động tốt của mình. Chẳng hạn như việc nêu quan ngại với hội đồng trường học hoặc thư viện địa phương về những cuốn sách mà chúng ta cho là không phù hợp với con em mình đòi hỏi rất nhiều dũng khí, và chúng ta hoàn toàn có thể bị “trừng phạt” vì điều đó theo một cách nào đó.
Thật vậy, nguyên lý này có lẽ đã luôn tồn tại trong thế giới này, những gì Chúa Jesus, các tông đồ và các vị Thánh từng chịu đựng chính là những ví dụ điển hình cho nguyên tắc – làm điều tốt mà bị trừng phạt. Điều đó cũng đúng với rất nhiều người có đức tin trên khắp thế giới. Nhưng đó là một câu chuyện sâu sắc vượt khỏi khuôn khổ của chuyên mục nhỏ hôm nay.
Nhưng sau cùng, chúng ta hiểu rằng mọi điều đang diễn ra trong thế giới này đều nằm dưới sự dõi theo và giám sát từ một nơi cao hơn.
Vì vậy, tiếp nối mạch suy nghĩ ấy, tôi xin đề xuất một phiên bản mới của câu tục ngữ: “Không có việc tốt nào không bị trừng phạt nhưng cũng sẽ được thưởng”.

Lòng tốt không bao giờ vô nghĩa, nó có thể khiến ta phải trả giá, nhưng sẽ luôn có phần thưởng đi kèm, chỉ là sớm hay muộn mà thôi, hãy tin rằng nó chắc chắn sẽ đến.
Làm việc xấu gắn liền với sự trừng phạt, thì làm việc tốt cũng gắn liền với phần thưởng. Không có điều xấu nào thoát khỏi sự trừng phạt của Chúa – Đấng phán xét công minh. Vì vậy, không có việc tốt nào là không được đền đáp, và mọi điều tốt lành đều xứng đáng nhận lại một điều tốt lành khác.
Hãy tiếp tục kiên trì bước tiếp. Hãy giữ vững tiếng nói của mình và sẵn sàng chấp nhận cái gọi là “trừng phạt”. Và hãy nhớ rằng: “Không có việc tốt nào không bị trừng phạt nhưng cũng sẽ được thưởng”.
Theo The Epoch Times