Vụ tai nạn kinh hoàng những tưởng đã khiến anh Duy mất mạng, nhưng nhờ niềm tin kiên định vào vị Sư phụ của mình mà anh tai qua nạn khỏi.

Sớm có duyên với tu luyện

Anh Nguyễn Nhất Duy sinh năm 1993, ở thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Anh là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Năm học lớp 10, có một lần anh Duy mở đĩa xem các nhà sư nói chuyện về thiền định, thấy sư nói rằng ngồi thiền có thể sinh ra năng lượng tốt cho cơ thể, ngoài ra còn có nhiều điều huyền diệu mà khoa học khó giải thích, anh thấy rất thú vị và cũng muốn được ngồi thiền. 

Ngay lúc đó, một người ông trong họ đi qua thấy anh đang xem đĩa như vậy mới nói rằng: “Cái đó chưa cao siêu gì đâu, qua nhà ông rồi ông chỉ cho”. Khi anh Duy đến nhà ông thì được ông đưa cho rất nhiều sách. Anh tự mình chọn lấy một cuốn, trong đó có hướng dẫn một môn tu luyện thuộc Đạo gia. Vậy là anh Duy đã dựa vào cuốn sách này mà tự tu tập từ lớp 10 đến lớp 12.  

Môn này nghiêm cấm trị bệnh cho người khác. Nhưng có một lần anh Duy phá lệ thử chữa bệnh cho một người bà con trong họ mắc rất nhiều bệnh tật. Hôm đó anh cho bà ngồi ở đằng trước còn mình ngồi đằng sau và bắt đầu vận công. Anh vận công xong thì bà thấy rất dễ chịu. Còn anh thì về nhà bị sốt li bì một tuần liền, rồi sau đó mới đỡ dần dần. Anh nghĩ mình chỉ thử chơi thôi chứ không biết rằng mình đã thật liều lĩnh khi làm điều đó.

Môn này còn có một quy định nữa là phải tu khẩu, nên khi tu luyện môn này anh Duy không hề cho ba mẹ biết. Vì thế, có lúc ba mẹ còn bảo: “Thằng Duy nó bị trầm cảm rồi hay sao ấy mà chẳng thấy nó nói năng gì?” Các bạn học cùng lớp cấp 3 cũng chẳng ai biết anh Duy tu luyện môn này.

Tình cờ biết đến Pháp Luân Công 

Nghỉ hè năm lớp 12, anh Duy vào thành phố Vũng Tàu chơi nhà chú họ. Chú anh tu theo Phật giáo tiểu thừa nên nhà có rất nhiều kinh sách cũng như các tài liệu khác. Anh Duy đặc biệt chú ý đến một chiếc đĩa có chữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo” (chiếc đĩa này chú anh được một người nào đó tặng cho), anh bị ấn tượng bởi 2 chữ “Đại Pháp”. Anh nghĩ trước giờ mình tu luyện môn bên Đạo gia kia cũng chỉ là “tiểu Pháp” (anh Duy hiểu là Pháp nhỏ) thôi mà đã cảm nhận được nhiều điều phi thường rồi, vậy còn “Đại Pháp” (anh Duy hiểu là Pháp lớn) thì không biết sẽ tuyệt vời như thế nào?! 

Hơn nữa, khi mở đĩa lên xem thấy có giới thiệu về Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) và có Sư phụ Lý Hồng Chí hướng dẫn luyện công rất đẹp, anh rất thích phong thái của vị thầy ấy. Vậy nên anh đã xin chú chiếc đĩa này về để luyện tập. 

Về nhà anh tập 5 bài công Pháp như đĩa hướng dẫn thì thấy có Pháp Luân xoay chuyển ở bụng dưới, đi nằm ngủ vẫn thấy xoay. Nhưng vì lúc đó anh chưa đọc sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) nên chưa hiểu vấn đề tu luyện phải chuyên nhất, vì vậy anh vẫn tập môn tu luyện thuộc Đạo gia kia.

Tai nạn thập tử nhất sinh, hồi phục kỳ diệu nhờ niềm tin kiên định
Anh Duy đang luyện bài công pháp thứ 5 của Pháp Luân Công (ảnh nhân vật cung cấp)

Sau đó anh thi vào trường Đại học Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi, học khoa công nghệ công nghiệp hệ Cao đẳng. Vì phải ở trong ký túc xá nên anh cảm thấy môn tu luyện Đạo gia kia không còn phù hợp với mình nữa; vì môn đó cứ phải tập từ 11h đêm đến 1h sáng, trong khi môi trường ở đây không cho phép. Tự nhiên anh nhớ ra mình vẫn còn môn Pháp Luân Đại Pháp, vậy nên anh bước xuống giường và luyện bài công pháp thứ nhất. Tập xong anh thấy người nhẹ nhàng như bay, trong lòng hạnh phúc không tả nổi.

Sau đó vài ngày, anh lên mạng thử tìm hiểu kỹ hơn về Pháp Luân Công thì tìm thấy cuốn sách Pháp Luân Công. Anh đã đọc hết cuốn sách này trong một đêm và hiểu ra tu luyện phải chuyên nhất, chỉ được theo một môn. Vậy nên anh quyết định bỏ môn tu luyện thuộc Đạo gia kia và chỉ tu luyện Pháp Luân Công thôi. Lúc này anh mới tải sách Chuyển Pháp Luân ở trên mạng về và ra quán Photo in thành một cuốn sách để đọc cho thuận lợi, đó là vào năm 2011.  

Từ lúc tu luyện Đại Pháp anh thấy người rất khỏe mạnh, chưa từng phải uống một viên thuốc nào. Anh cũng đề cao tâm tính rất nhiều, đặc biệt là tâm tranh đấu. Vì anh có học võ Thiếu lâm từ hồi lớp 9 (đến khi tu Đại Pháp mới ngừng) nên thường thích động thủ, dễ nổi giận, có khi tranh cãi còn đánh bạn bè. Nhưng sau khi tu Đại Pháp một thời gian thì anh đã giảm bớt được tâm tranh đấu này đi rất nhiều.

Có thể kể ra một chuyện là khi anh đi nghĩa vụ quân sự (học xong cao đẳng anh không đi làm theo nghề mà đi nghĩa vụ quân sự). Đêm hôm đó anh đang đứng gác thì gặp một người nhỏ hơn anh 2 tuổi (người này cũng đang tham gia nghĩa vụ quân sự) đi tới, người này bỗng nhiên nói: “Ê thằng kia! Muốn đánh lộn không mày!” Lúc đó anh im lặng không nói gì, trong tâm phẳng lặng không hề có ý muốn phản kháng. Chưa dừng ở đó, người em kia nói rằng nếu không đánh nhau thì đi chỗ khác cho bạn ấy đứng gác ở chỗ đó. Anh Duy nghe vậy thì cũng bình thản bỏ đi chỗ khác, không tranh cãi gì. Quả thực tu Đại Pháp đã giúp anh nhẫn nại hơn rất nhiều.   

Khi tu Đại Pháp anh cũng gặp một số khó khăn từ gia đình. Ba mẹ anh đã nghe phải các thông tin sai lệch về Pháp Luân Công nên đã tìm đủ mọi cách để ngăn cấm anh tu luyện. Khi biết không thể thay đổi được ý chí của anh thì ba mẹ anh la mắng rất nhiều.   

Trong thời gian tu luyện này có khá nhiều học viên Pháp Luân Công đến nhà anh chơi, ba mẹ anh tiếp xúc và thấy rằng những người tu luyện này rất thiện lương, hiền hậu, luôn biết nghĩ cho người khác, nên ba mẹ anh dần thấy có thiện cảm với môn tu luyện và những người tu luyện Pháp Luân Công. Về sau thì ba mẹ anh không cản trở anh tu luyện môn này nữa.

Sau khi ra quân, anh theo học một khóa lái cần cẩu 3 tháng ở cảng Hải Phòng. Sau đó đi làm ở cảng Hòa Phát, Dung Quất, Quảng Ngãi, cách nhà 70 km. Ngày nào cũng có xe đưa đón công nhân sáng đi, tối về. Anh chuyên lái cần cẩu trên cao ở cảng. 

Tai nạn thập tử nhất sinh, hồi phục kỳ diệu nhờ niềm tin kiên định
Anh Duy chuyên lái cần cẩu trên cao ở cảng (ảnh nhân vật cung cấp)

Có một học viên ở Lào Cai thấy anh Duy thổi sáo hay, anh ấy bảo anh Duy thổi bài hay nhất để anh ấy quay rồi đưa lên Facebook cá nhân. Qua đó anh Duy quen và kết duyên với vợ anh cũng là một học viên Pháp Luân Công. Hiện nay vợ chồng anh có 2 con là Như Ý 2 tuổi rưỡi và Cát Tường 10 tháng.

Tai nạn thập tử nhất sinh, hồi phục kỳ diệu nhờ niềm tin kiên định
Anh Duy kết duyên với vợ cũng là một học viên Pháp Luân Công (ảnh nhân vật cung cấp)

Tai nạn thập tử nhất sinh

Tối ngày 11/6/2022, khi đi luyện công chung về, đến một ngã tư thì một chiếc xe 16 chỗ chạy ra đâm thẳng vào xe máy của anh Duy. Chiếc xe máy nằm ngang dưới gầm ô tô, còn người thì văng ra xa. 

Anh Duy thấy mình bị quăng đập xuống mặt đường, nhưng khi vừa mở được mắt ra thì điều đầu tiên anh nghĩ đến là: “Xin Sư Phụ cứu con!”

Anh thấy người đau tê tái. Anh hít một hơi thật sâu, và lúc này nhìn xuống thấy xương đùi bị gãy bẻ quặt ra đằng sau. Anh cố nắm tay lại chống người ngồi dậy, một tay kia túm tóc kéo đầu lên (vì bị gãy chéo xương cổ). Anh nghĩ: “Nếu không có Sư Phụ bảo hộ thì chắc mình đã tan xác rồi!”

Tai nạn giao thông; Tai nạn kinh hoàng; Tai nạn kinh hoàng mới nhất
Hiện trường vụ tai nạn (ảnh nhân vật cung cấp)

Có một người bắt ốc ở cánh đồng ven đường thấy có vụ tai nạn, chạy vội lên thấy anh Duy còn tỉnh hỏi anh là con nhà ai, anh nói mình là con nhà ông Hứa. Người đó liên lạc về nhà, ba và chị Thảo (chị gái anh Duy) nghe tin vội phóng xe xuống hiện trường. Hai người ớn lạnh khi vừa đến nơi xảy ra tai nạn (vì chỗ đó là điểm đen đã có 9, 10 người bỏ mạng ở nơi này).

Hàng xóm đến hiện trường đều bảo thằng Duy nhà ông Hứa chắc bị chết rồi! Một lúc sau người ta khiêng anh lên băng ca chở đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Phúc Hưng (chị Thảo của anh Duy là điều dưỡng viên ở bệnh viện này). Anh Duy được đưa đi chụp CT thì thấy bị gãy xương cổ, xương đùi phải bị gãy. Ít phút sau ba vợ và vợ anh Duy cũng vừa kịp đến.

Vợ anh hỏi: “Anh còn biết không? Hãy niệm Pháp Luân Đại Pháp hảo đi!” Bác sĩ ở bệnh viện nói: “Ca này không làm gì được. Nẹp cổ và xương đùi rồi chuyển ra Đà Nẵng ngay”. Vậy là ngay sau đó xe cấp cứu chở anh Duy di chuyển trên quãng đường 250km trong đêm đến 3 giờ 40 phút sáng mới đến khoa cấp cứu bệnh viện Đà Nẵng.  

Bác sĩ lúc đó mới bó bột nẹp lại. Sau 6 ngày không đại tiểu tiện được, đến ngày thứ 7 họ mới mở xương đùi cố định chân cho anh. Chị Thảo hỏi bác sĩ: “Còn cái cổ của nó thì giờ xử lý thế nào ạ?” Các bác sĩ đều bảo nếu mổ cái cổ này thì sẽ nằm liệt thôi! Bác sĩ hỏi anh Duy, cái cổ có quay được không thì anh bảo quay không được.  

Ảnh chụp X-quang cổ của anh Duy (ảnh nhân vật cung cấp)
Ảnh chụp X-quang đùi của anh Duy (ảnh nhân vật cung cấp)

Mổ chân xong 10 ngày thì chị gái đòi mổ nốt cái cổ, anh Duy xuất niệm không sao đâu. Cổ nẹp xong anh vẫn muốn xin về nhà vì khi chụp CT biết gãy xương cổ không bác sĩ nào dám mổ. Thế là nằm viện được 12 ngày thì các bác sĩ đồng ý cho anh ra viện.

Hồi phục kỳ diệu!

Gia đình thuê xe cứu thương chở anh về nhà. Thấy anh còn sống về nhà, một số người không biết thì bảo thằng Duy nó có bùa đó! Còn ông chú anh Duy thì bảo: “Không phải có bùa đâu. Vì nó tu luyện Pháp Luân Công, môn đó tốt nên cả thế giới đều đón nhận. Môn đó thật thần kỳ!”

Nằm bất động đến tháng thứ 4 thì anh Duy bắt đầu luyện công trở lại. Sau 6 tháng thì anh bình phục hoàn toàn. Chứng kiến sự thần kì của Đại Pháp, ba mẹ, những người xung quanh đều hiểu rằng nhờ anh tu luyện Đại Pháp nên mới được Phật Pháp bảo hộ. Họ càng thêm tin tưởng Đại Pháp là tốt và ủng hộ anh tu luyện.

Gia đình anh có mẹ đẻ anh, vợ và ba mẹ vợ đều tu luyện Đại Pháp. Anh vô cùng biết ơn Sư Phụ của Pháp Luân Đại Pháp đã cứu anh và anh mong muốn nhiều người biết rằng Đại Pháp là tốt, chỉ có lợi chứ không có điều hại nào.

Bạn đọc muốn được chia sẻ về Pháp Luân Công có thể liên lạc với anh qua số điện thoại 0932 422 721, anh luôn sẵn lòng hỗ trợ. Hoặc bạn cũng có thể vào trang web chính của Pháp Luân Công https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn chi tiết hơn về pháp môn này.