“Nếu đích đến của bạn là mặt trăng, ngay cả khi bị lạc, vẫn là lạc giữa những vì sao”, vậy nên lấy ai làm hình mẫu để bắt chước là rất quan trọng.

Chúng ta vẫn luôn không ngừng đi khám phá chính bản thân mình, và cũng luôn không ngừng bất ngờ về những điều chúng ta có thể làm được. Đôi khi chúng ta tự giới hạn chính mình vì không tin rằng bản thân có thể làm được điều gì đó, nhưng nếu có một người tiên phong dẫn đường thì lại rất dễ để học hỏi và bắt chước làm theo.     

Vào năm 1980, một cuộc thi piano quốc tế đã làm người dân cả nước ngỡ ngàng xen lẫn tự hào, khi một người Việt Nam đã đoạt được giải nhất. Đó là cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X được tổ chức ở Warszawa, Ba Lan. Ông Đặng Thái Sơn đã trình diễn vô cùng xuất sắc và đoạt giải quán quân, đó cũng là lần đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải nhất tại cuộc thi này.

Thắng lợi của ông Đặng Thái Sơn đã làm nhiều người kinh ngạc vì Việt Nam khi đó còn rất nghèo khó, chỉ vừa mới kết thúc chiến tranh không lâu, âm nhạc cổ điển vẫn là một thứ gì đó rất lạ lẫm. Vậy mà ở chính trong điều kiện khó khăn như thế, một nhân tài kiệt xuất vẫn được ươm mầm và phát triển.

Ngẫm về việc “bắt chước”: Lấy ai làm hình mẫu là rất quan trọng
Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn (ảnh: NLD)

Ông đã truyền cảm hứng và gieo một niềm hy vọng lớn lao cho người dân trong nước. Người ta bắt đầu thay đổi góc nhìn đối với âm nhạc cổ điển. Các gia đình giàu có bắt đầu cho con đi học piano, các giáo viên dạy piano bỗng có nhiều học trò. Vì đã có một người đi trước làm hình mẫu, nên mọi người tin rằng bản thân cũng có khả năng làm được.

Hay nói một cách đơn giản hơn, mọi người có thể theo dõi các xu hướng trên mạng xã hội, chỉ cần có một người tạo ra xu hướng mới thì lập tức sẽ có hàng trăm người bắt chước theo. Bắt chước bao giờ cũng dễ dàng hơn so với việc tự mình nghĩ ra một cái gì đó mới mẻ. 

Vấn đề ở đây là bạn lấy ai làm hình mẫu để bắt chước? Điều đó có thể quyết định đến đường đời sau này của bạn.

Về việc bắt chước, sao chép, danh họa Jean-Auguste-Dominique Ingres từng nói rằng: “Hãy sao chép đi, bạn trẻ, sao chép thật nhiều vào. Bạn chỉ có thể trở thành một hoạ sĩ giỏi nhờ sao chép các bậc thầy.” Các họa sĩ thời xưa đều xem việc sao chép tranh của các bậc tiền bối là một cách hữu hiệu để học hỏi các kỹ năng, cũng như cảm nhận được hết vẻ đẹp ẩn sâu trong bức tranh đó, để rồi từ đây tạo ra được cái riêng cho mình dựa trên một nền tảng vô cùng vững chắc.

Ngẫm về việc “bắt chước”: Lấy ai làm hình mẫu là rất quan trọng
Sao chép tranh là một cách để các họa sĩ học hỏi từ tiền nhân (ảnh: Twitter)

Tuy nhiên sau này nhiều người lại đề cao sáng tạo, tự do, giải phóng nhân tính, và cho rằng không cần học hỏi từ người đi trước, chỉ cần làm theo cảm xúc là được rồi. Michelangelo – họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng thời kỳ phục hưng đã nói rằng: “Chỉ có Chúa Trời sáng tạo. Chúng ta, tất cả những người còn lại, chỉ sao chép”.

Đương nhiên ở đây cũng không phải nói là chúng ta không sáng tạo ra được cái gì, mà sự sáng tạo của chúng ta phải bắt đầu từ việc học hỏi những người đi trước, học hỏi từ các vĩ nhân, một khi nắm vững những kiến thức cơ bản rồi thì sự sáng tạo của chúng ta mới không bị lầm đường lạc lối.      

Thời nay có người chưa từng học vẽ bài bản cũng cầm cọ lên vẽ tranh và làm triển lãm, có người chưa từng học thanh nhạc cơ bản cũng làm ca sĩ và đi biểu diễn. Nếu khán giả dễ dàng chấp nhận những thứ đó thì người làm nghệ thuật chân chính sẽ đi về đâu? 

Giáo sư Cao Xuân Hạo, một nhà ngôn ngữ học của nước ta đã từng nói rằng: 

“Người có học vấn thực sự, nhờ đã trải qua những bước đường gian nan, cực nhọc để có được những tri thức mà trước kia mình tưởng rất dễ, biết rằng những điều mình học được chỉ như hạt muối bỏ bể so với những điều mình chưa học. Và bao giờ cũng phải có học một cái gì đã, rồi mới bắt đầu biết là mình không biết cái gì.

Cho nên người có học không bao giờ nghĩ rằng có những ngành nghề mà mình không cần giờ học nào cũng có thể bàn đến được, càng không bao giờ nghĩ rằng mình đủ sức viết hàng ngàn trang sách về những môn ấy để dạy mọi người.

Đáng tiếc là khá nhiều người đã thành công rực rỡ trong một lĩnh vực nào đó rất dễ có ảo giác là người lỗi lạc như mình học gì cũng giỏi và thậm chí không học cũng biết. Ngay từ cái giây phút mà ở người trí thức sinh ra cái ảo giác này, thì anh ta lập tức không còn là người trí thức nữa và trở thành con người lố bịch và ngu muội nhất thế gian: một kẻ vĩ cuồng.”

Ngẫm về việc “bắt chước”: Lấy ai làm hình mẫu là rất quan trọng
Giáo sư Cao Xuân Hạo (ảnh: Wikipedia)

Chúng ta thử ngẫm về các bậc thánh nhân thời xưa, họ đã liên tục xuất hiện và đặt định ra văn hóa cho con người, trí tuệ của họ siêu phàm xuất chúng, vượt trội hơn bất kỳ một người bình thường nào, họ truyền giảng đạo lý, đưa ra những cảnh giới tinh thần cao xa mà chúng ta có thể vươn tới, thực ra đó cũng là đưa ra một hình mẫu, vạch ra một cái đích mà chúng ta có thể hướng đến. Rất nhiều người dựa vào đó tu dưỡng mà cũng trở thành vĩ nhân, bậc chính nhân quân tử. 

Có người nói: “Nếu đích đến của bạn là mặt trăng, ngay cả khi bị lạc, vẫn là lạc giữa những vì sao”. Vậy nên, nếu bạn lấy lời nói của những vị Phật Đạo Thần làm đích đến và kim chỉ nam cho cuộc sống, thì dù không thể trở thành Thánh nhân, bạn cũng sẽ khó mà lạc vào đường tà.

Ngày nay nhiều người không tin vào Thần, chối bỏ tiền nhân, cho rằng đó là mê tín và kìm hãm con người, muốn giải phóng con người khỏi đạo đức luân lý. Sự hỗn loạn của thế giới ngày nay chính là hậu quả tất yếu của vô thần luận và thiếu niềm tin vào Thần. Bởi vì họ đã kéo tiêu chuẩn của bản thân xuống thấp, coi con người chỉ như động vật cấp cao.

Nhiều người thần tượng những diễn viên ca sĩ nổi tiếng, và tìm mọi cách để bắt chước họ, coi họ là hình mẫu lý tưởng trong cuộc sống. Để rồi đến khi thần tượng đó sa ngã thì mọi người cũng suy sụp thất vọng theo. Điều này là có thể đoán trước, bởi vì vẻ hào nhoáng bên ngoài chỉ như bong bóng xà phòng, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng làm bay đi mất. 

Tại sao những lời giảng dạy của bậc Thánh nhân cả mấy ngàn năm vẫn nguyên giá trị? Vì sao những tác phẩm cổ điển trải qua bao nhiêu thế hệ vẫn luôn được coi trọng? Bởi vì trong đó có nội hàm văn hóa sâu sắc, ẩn chứa đạo đức tu dưỡng sâu xa, là ngọn hải đăng soi sáng cho thế nhân khỏi mất phương hướng trong cõi trần mê lạc.

Vậy nên, nếu bạn lấy hình mẫu cho bản thân quá thấp thì chính là tự hạ thấp chính mình và khó có thể vươn xa hơn được.

Kho tàng văn hóa truyền thống mà các bậc Thánh nhân hữu ý lưu lại cho con người chính là những hình mẫu quý giá mà con người nên học tập và noi theo. Kế thừa văn hóa truyền thống, bắt chước cái hay cái đẹp của bậc tiền bối, đó là cách giúp chúng ta đứng trên vai của người khổng lồ, nâng cao tầm nhìn và tìm ra cái riêng cho mình.