Người bị lừa gạt lại muốn đi lừa người khác, cuối cùng tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát, tuy nhiên vẫn có một cách hành xử cao minh hơn.

Nếu đã từng bị lừa gạt thì chắc bạn sẽ hiểu cảm giác đó khó chịu như thế nào. Nhưng giả sử, nếu bạn bị lừa mua một món đồ rất đắt tiền, liệu bạn có bán lại món đồ đó cho người khác để giảm thiệt hại cho bản thân không? Hay bạn sẽ chịu thiệt một mình chứ nhất định không đi lừa gạt người khác?

Có một câu chuyện như vậy được chép lại trong cuốn “Bắc song chích quả lục” của Thi Đức Thao thời nhà Tống. Chuyện kể rằng, vào thời nhà Tống có một người tên là Đào Tứ Ông. Ông có một tiệm nhuộm, chuyên môn nhuộm vải và quần áo cho người khác. Bởi vì thường ngày ông rất thân thiện với mọi người nên công việc làm ăn cũng thuận lợi.

Một ngày nọ, có người mang đến tiệm một loại cỏ màu tím, nói với Đào Tứ Ông rằng loại cỏ này có thể nhuộm vải được, giúp tiết kiệm rất nhiều tiền mua thuốc nhuộm. Lúc ấy Đào Tứ Ông đang bận kết toán sổ sách, không có suy nghĩ nhiều, liền dùng 4 triệu đồng để mua số cỏ đó.

Mấy ngày sau, có một người quen đến cửa hàng, ông vừa nhìn thấy đám cỏ màu tím thì nói: “Đây đều là hàng giả!” Đào Tứ Ông hỏi: “Sao anh biết đây là giả?” Người đó nói: “Tôi thường đi lại ở khu vực này, nên biết nhiều việc hơn anh một chút. Thứ cỏ này là do người ở nơi khác mang đến, sau khi bán cho một tiệm nhuộm, họ phát hiện là bị lừa, lại không cam tâm bị mất tiền, nên mới mang đi nơi khác để bán. Đã có mấy người bị mắc lừa rồi!”

Đào Tứ Ông liền thử khả năng nhuộm của loại cỏ này một chút, thì phát hiện quả nhiên là giả, cơ bản là không thể dùng để nhuộm vải được. Người kia nói: “Anh cũng là người đàng hoàng, tôi không đành lòng thấy anh bị chịu thiệt. Đừng có buồn, anh cứ gói hết đám cỏ giả này lại, tôi sẽ mang đến các tiệm nhuộm khác bán giúp anh!”

Thà bị lừa gạt chứ không đi lừa người khác
(ảnh minh họa Pinterest)

Rạng sáng ngày hôm sau, người quen kia lại đến như đã hẹn, thì thấy Đào Tứ Ông đã chất hết số cỏ giả kia ở ngoài sân. Người quen đang định cho người mang số cỏ này đi thì Đào Tứ Ông khoát tay rồi đi nhanh đến đống cỏ, ông dùng một cây đuốc châm lửa đốt cháy toàn bộ đám cỏ giả đó. 

Người quen ngẩn người ra không hiểu làm sao mới hỏi: “Anh sao lại làm thế?” Đào Tứ Ông lắc đầu nói: “Thà bị người khác lừa gạt chứ tôi không thể đi lừa người khác được! Tôi đã suy nghĩ cả đêm qua, và quyết định là phải đốt hết nó đi.”

Lúc ấy Đào Tứ Ông không có tích cóp gì nhiều, của cải rất ít, 4 triệu đồng với ông mà nói là một tổn thất không hề nhỏ. Nhưng chuyện ông đốt đám cỏ giả đó đã truyền rộng trong địa phương, mọi người đều khâm phục nhân phẩm của ông, từ đó công việc làm ăn của nhà ông càng ngày càng tốt. Về sau Đào Tứ Ông trở thành người giàu có bậc nhất ở địa phương, con cháu của ông có rất nhiều người thi đỗ khoa bảng. 

“Thà bị người khác lừa gạt chứ không lừa người khác”, thoạt nghe thì tưởng như chịu thiệt, nhưng kỳ thực lại là một cảnh giới rất cao trong đối nhân xử thế. Người ta vẫn thường nói rằng “chịu thiệt là phúc”, nhưng khi lợi ích đặt ngay trước mặt thì lại không có mấy người có thể hành xử cho đúng đắn.

Theo Vision Times