“Tha thứ cho người được gì thì nên tha” câu tiếp theo là gì?
“Tha thứ cho người được gì thì nên tha” là câu tục ngữ quen thuộc, còn có một vế sau ít người biết tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa đầy trí huệ đời người.
- Sự tha thứ là liều thuốc hiệu quả trong chữa bệnh
- Tha thứ cho người khác cũng là giải thoát chính mình
- Buông bỏ cũng là một cảnh giới
Tục ngữ là sự đúc kết kinh nghiệm qua thời gian về thiên nhiên và lao động sản xuất, về con người và xã hội của các bậc tiền nhân. Tục ngữ thiên về trí tuệ nên thường được ví von là “trí khôn dân gian”. Trí khôn đó rất phong phú, đa dạng nhưng lại được diễn đạt bằng ngôn từ ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, giàu hình ảnh và có vần điệu. Những câu nói này giúp thế hệ sau ít phạm sai lầm trong cuộc sống và giúp mọi người sống vui vẻ có ích hơn.
“Tha thứ cho người được gì thì nên tha” là câu tục ngữ vô cùng quen thuộc trong văn hóa truyền thống của người Trung Hoa. Tục ngữ của người Việt cũng có những câu tương tự như: “Chín bỏ làm mười”; “Một điều nhịn, chín điều lành”… Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của câu nói này và cùng tìm hiểu vế sau của nó.
Nội dung chính
Tha thứ cho người được gì thì nên tha
“Tây Khê tùng ngữ” của văn nhân Diêu Khoan thời Tống – Trung Quốc có ghi chép: Xưa kia từng có một đạo sĩ có thể chơi cờ, bất kể chơi cờ với ai, ông luôn “”Nhiêu nhân nhất tiên” nghĩa là “Tha cho người khác trước”, cũng có nghĩa để họ đi trước một bước và chiếm lợi thế đầu tiên trên bàn cờ. Chữ “饶” Nhiêu ngoài có nghĩa là tha thứ, tha lỗi, trong giới cờ vây thời cổ đại còn có nghĩa nhường cho đi trước, nhượng bộ. Vị đạo sĩ này từng làm một bài thơ:
“Lạn kha chân quyết diệu thông thần
Nhất cục tằng kinh kỉ độ xuân.
Tự xuất động lai vô địch thủ
Đắc nhiêu nhân xử thả nhiêu nhân”
Tạm dịch:
“Cờ vây chiến thuật diệu thông thần
Một ván đã qua mấy độ xuân.
Tự xuất động lai vô địch thủ
Chỗ bỏ qua được thì cho qua”.
Nhiêu nhân xử thả nhiêu nhân
“Lạn kha” là tên gọi khác của cờ vây. Vị đạo sĩ này sau đó đã qua đời tại huyện Bao Tín, thuộc tỉnh Hà Nam Trung Quốc ngày nay. Trước khi mất, ông ủy thác việc lo hậu sự cho một ông lão trong làng. Vài năm sau, ông lão tuân theo di chúc thực hiện cải táng mộ vị đạo sĩ. Lúc mở quan tài ra, ông phát hiện thấy điều kỳ diệu, quan tài trống rỗng và chỉ có quần áo bên trong.
Hóa ra đạo sĩ là một người tu luyện đắc đạo, ông đã dùng thuật “thi giải” để rời đi. Thuật “thi giải” chính là, người tu luyện thành công trong Đạo gia thường sẽ dùng quần áo, gậy tre hoặc thanh gươm biến thành xác chết nằm trong quan tài; còn người thật đã trở thành Thần Tiên và rời đi.
Từ đó về sau, câu chuyện về vị đạo sĩ và bài thơ của ông được lưu truyền. Dần dần câu thơ “nhiêu nhân xử thả nhiêu nhân” được tách ra và trở thành câu tục ngữ mang hàm ý khuyên nhủ con người ta nên bao dung, độ lượng, cảm thông và tha thứ cho những sai lầm của người khác.
Có thể buông tay hãy buông tay, học cách tha thứ
Câu tục ngữ “Tha thứ cho người được gì thì nên tha” còn một vế sau ít người biết đến; nhưng có thể khiến chúng ta suy ngẫm sâu xa, đó là “Có thể buông tay hãy buông tay”.
“Xả bỏ, xả đắc” – có thể xả bỏ thì mới có thể đắc được. Những thứ được càng nhiều thì những điều mất đi cũng càng nhiều. Khi chúng ta hết lòng dành toàn thời gian cho công việc, sẽ mất đi thời gian nghỉ ngơi; khi kiếm được đủ tiền bạc, cũng có thể mất đi những tháng năm hạnh phúc bên gia đình.
Đến lúc phải buông tay thì không nên luyến tiếc, cũng chưa chắc sẽ mất đi mãi mãi. Học cách mỉm cười trước nỗi đau; chào đón một tương lai tốt đẹp hơn chính là tinh túy của câu nói “Có thể buông tay được hãy buông tay”.
Khi chúng ta phải đối mặt với những vướng mắc về tình cảm; kết quả của sự cố chấp chỉ dẫn tới sự tổn thương cho một bên. Khi chúng ta đối mặt với công việc đang làm; nếu chúng ta không hài lòng hoặc không hạnh phúc, chúng ta cũng có thể thay đổi công việc hoặc nghỉ ngơi, học tập và làm lại.
Nếu “Tha thứ cho người được gì thì nên tha” là một tấm lòng bao dung độ lượng; thì “Có thể buông tay hãy buông tay” là một loại dũng khí, và là một loại “lùi một bước tiến ba bước” khi đối diện với nghịch cảnh hoặc những điều không như ý trên bước đường nhân sinh. Đây là một thái độ thay đổi tầm nhìn; thay đổi suy nghĩ mà mỗi người nên học cách noi theo.
Lời chia sẻ
Hai câu tục ngữ có nhiều hàm ý: Nên kết thiện duyên; cầm lên được thì cũng buông xuống được. Dùng tâm thái này để đối nhân xử thế thì mới có thể sống thoải mái hạnh phúc tại thế gian. Làm người hãy học cách luôn lưu lại cho mình một con đường lui; để sau nay gặp nhau không cảm thấy hối tiếc. Trên thế gian này, không có sự yêu và hận vô cớ; đều là từ nhân quả thiện ác do tự chúng ta gieo nên. Dùng thiện đối đãi với mọi người; đừng nên quá tính toán tới những lỗi lầm đã qua của người khác; học cách tha thứ cho bản thân và cho mọi người thì những gì nhận được sẽ là phúc lành.
Để đạt được cảnh giới này, cần có một thời gian tích lũy lâu dài. Khi gặp bất cứ sự việc gì; hãy học cách cân nhắc suy nghĩ một cách thấu đáo, nghĩ cho người khác và đặt mình ở vị trí người khác. Như vậy mới có thể giữ tâm thái bình thản; mới có thể nhanh chóng nhìn thấy được bản chất của sự việc là gì.
Những lời tâm huyết xuất phát từ đáy lòng của các bậc tiền nhân để lại cho thế hệ mai sau không chỉ là quy luật của cuộc sống; mà còn là cách đối nhân xử thế, mang lại lợi ích cho chúng ta đến ngày nay.
“Tha thứ cho người được nên tha; Có thể buông tay hãy buông tay”; câu nói tưởng chừng như đơn giản nhưng lại thực sự chất chứa đầy trí huệ đời người.
Theo Secret China