Tận mắt chứng kiến ‘thiện ác báo ứng’ cách nhau 16 năm
Người xưa thường giảng ‘thiện ác hữu báo’, nhưng khi gieo nhân thiện, cũng không phải ngay lập tức sẽ gặt được thiện báo; khi làm điều xấu cũng không phải sẽ gặp ác báo tức thì. Muốn nhìn rõ ràng quan hệ này thực sự không hề dễ dàng; để có cơ hội tận mắt chứng kiến lại càng khó hơn.
- Nhân quả báo ứng: Hai nhát kéo oan nghiệt đổi lại bằng hai nhát đao
- Nhân quả báo ứng: Vị quan thanh bần vì sao lại đoản mệnh?
Nội dung chính
Tận mắt chứng kiến tình huống ngộ sát
Trong cuốn “Tử Bất Ngữ” của Viên Mai vào thời Nhà Thanh, có tường thuật lại một câu chuyện khiến người ta tỉnh ngộ. Chủ nhân của câu chuyện đã trải qua thời gian 16 năm, cuối cùng mới nhìn rõ quan hệ nhân quả giữa người với người.
Tú tài Mã Sĩ Lân người Thường Châu, có kể lại câu chuyện đích thân ông trải nghiệm như sau:
Thời thơ ấu, ông cùng cha đọc sách tại Bắc Lầu; mở cửa sổ ra có thể nhìn thấy giàn hoa lộ thiên trên sân thượng của ông lão bán hoa cúc Vương Lão Đầu.
Ngày nọ, Mã Sĩ Lân dậy rất sớm, dựa vào cửa sổ quan sát xung quanh, sắc trời lúc này đã gần sáng; nhìn thấy Vương Lão Đầu đang tưới nước trên giàn hoa. Sau khi tưới xong, đang muốn đi xuống lầu, ông nhìn thấy một người gánh hai thùng phân lên gần bồn hoa; muốn giúp ông tưới hoa. Vương Lão Đầu sắc mặt lộ vẻ không vui, không muốn cho người này lên nhưng không được; vì thế hai người giằng co chen lấn nơi gần dốc lên xuống của giàn hoa.
Không may, vừa khi đó trời đổ mưa, sân thượng rất trơn, chỗ dốc lên lại vừa dốc vừa cao. Vương Lão Đầu dùng tay đẩy người kia; vì không chịu được lực đẩy từ trên xuống dưới nên người gánh phân trượt chân bị ngã từ trên sân thượng xuống. Vương Lão Đầu vội vàng chạy lên phía trước đỡ, nhưng đã không kịp nữa; hai thùng phân đè vào ngực của người này, hai chân đạp một cái và tắt thở.
Tìm cách phi tang, che giấu tội ác
Ông Vương vô cùng sợ hãi, không dám nói gì. Ông liền kéo chân anh ta từ cửa sau ra tới bờ sông, đặt thùng phân bên cạnh xác chết; sau đó đi về nhà và đóng cửa ngủ.
Khi đó Mã Sĩ Lân dù còn nhỏ, nhưng nghĩ tới việc đại sự liên quan tới mạng người, không thể tùy tiện bàn luận; vì vậy vội vàng đóng cửa sổ và rời đi.
Sau khi trời sáng, mặt trời lên cao, Mã Sĩ Lân nghe thấy tin bên ngoài có người chết bên bờ sông. Bảo vệ của thôn là Lý Chính đã chạy đi báo quan.
Tới trưa, Tri huyện Vũ Tiến đích thân tới hiện trường khua chiêng múa trống. Người kiểm nghiệm tử thi quỳ xuống bẩm báo: “Thi thể không có thương tích, là bị ngã chết”. Tri huyện hỏi hàng xóm xung quanh, họ đều nói không biết; vì vậy hạ lệnh cho thi thể vào quan tài, niêm phong; sau đó dán cáo thị tìm người thân của người gánh phân.
Nhân quả luân hồi, thiện ác hữu báo
9 năm sau đó, khi Mã Sĩ Lân 21 tuổi, ông vào học và đỗ tú tài; cha mất, gia đình bắt đầu khốn khó. Mã Sĩ Lân bắt đầu nhận học trò, dạy học ngay tại Bắc Lầu nơi năm đó ông ngồi đọc sách. Mã Sĩ Lân vì để chuẩn bị cho cuộc thi sắp tới, từ rất sớm ông đã thức dậy và đến nơi đây để ôn tập kinh thư. Ông mở cửa sổ của Bắc Lầu, nhìn thấy xa xa ở một con hẻm nhỏ, có người đang gánh hai thùng phân, từ từ tiến tới. Khi nhìn kỹ để xem đó là ai, ông phát hiện đó là người gánh phân đã chết năm đó.
Mã Sĩ Lân vô cùng sợ hãi, cho rằng người này đang muốn tìm ông lão Vương bán hoa cúc để báo thù. Một lát sau, thấy người này đi qua nhà ông Vương nhưng không vào; lại đi một hướng khác, đi mấy dặm vào nhà một người họ Lý. Lý gia rất giàu có, cũng gần Bắc Lầu nơi Sĩ Lân đọc sách; chỉ cách một cái cửa sổ liền có thể nhìn thấy nhau.
Mã Sĩ Lân cảm thấy hành động của người gánh phân vô cùng khả nghi; vì vậy mới xuống lầu bám theo người gánh phân vào nhà họ Lý. Người hầu nhà họ Lý vội vội vàng vàng chạy ra ngoài và nói: “Bà chủ nhà tôi sắp sinh rồi, tôi phải đi mời bà đỡ”.
Mã Sĩ Lân hỏi lão bộc: “Ông có nhìn thấy người gánh hai thùng phân vào cửa không?”
Lão bộc đáp: “Không thấy”.
Thiện ác báo ứng rất tinh tế, người đời không dễ nhận thấy
Khi hai người còn đang trò chuyện, nha đầu từ trong nhà chạy ra nói với lão bộc: “Không cần đi mời bà đỡ nữa, phu nhân nhà ta đã sinh con trai rồi”.
Lúc này Mã Sĩ Lân mới ngộ ra, người gánh phân đó tới chuyển sinh vào nhà họ Lý; không phải đến báo thù. Tuy nhiên, anh thấy tò mò kỳ lạ, Lý gia là gia đình phú quý, người gánh phân tu luyện thế nào mà được vận may như thế. Từ đó về sau, Mã Sĩ Lân luôn chú ý quan sát nhất cử nhất động cậu con trai mới sinh nhà họ Lý này.
Bảy năm sau, cậu con trai này cũng ngày một lớn dần; không thích đọc sách, chỉ thích nuôi chim. Lại nói về ông Vương, dù đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh; vẫn thích trồng hoa, càng già càng dẻo dai.
Ngày nọ, Mã Sĩ Lân lại dậy sớm và nhìn ra cửa sổ ở Bắc Lầu. Vương Lão Đầu đang đi lên sân thượng tưới hoa cúc; con trai họ Lý thì leo lên sân thượng của nhà mình để thả chim bồ câu.
Bỗng nhiên, mười mấy con chim đều tập chung trên lan can nơi sân thượng của nhà ông Vương. Cậu con trai họ Lý vì sợ chim bay mất, nên nhiều lần gọi lũ bồ câu nhưng chúng đều không quay lại. Bất đắc dĩ, cậu bé bèn nhặt đá, ném về hướng đó, kết quả ném nhầm vào ông Vương. Ông lão giật mình sảy chân rơi từ trên sân thượng xuống, rất lâu sau không đứng lên được, hai chân duỗi ra một cái và tử vong.
Tận mắt chứng kiến không thể không tin
Cậu con trai họ Lý vô cùng hoảng sợ, không nói lên lời, lén lút đóng cửa đi xuống. Khi trời sáng hẳn, con trai và cháu ông Vương tới tìm cha, thấy ông vì trượt chân ngã chết, nên ôm lấy cha khóc ròng và đưa đi an táng.
Một người gánh phân, một ông Vương Lão Đầu, nhân quả báo ứng trùng hợp như vậy, nhân quả công bằng như thế; là những người trong cuộc, hai bên có lẽ không biết, không nhận ra; duy chỉ có Mã Sĩ Lân lặng lẽ quan sát, có thể nhìn thấy rất rõ ràng.
Kỳ thực, những việc liên quan tới cát hung, họa phúc, đều có tồn tại quy luật nhân quả phía sau và không hề sai sót chút nào. Chỉ tiếc là không có người ở bên cạnh tĩnh tĩnh quan sát mà thôi.
Theo Sound of hope