Người biết ăn nói sẽ không nói những lời xúc phạm hay khiến người khác cảm thấy khó chịu, vì vậy họ là những người bạn mà ai cũng muốn kết giao.

“Lễ Ký” (còn gọi là “Tiểu Đới Lễ ký”,  “Tiểu Đới ký”) tương truyền do 72 vị đệ tử của Khổng Tử và các học trò của ông viết, được học giả nghi lễ thời Tây Hán Đới Thánh chế định. “Lễ ký” ghi chép lại nhiều đạo lý chính thống, trong đó có dạy chúng ta cách nói chuyện.

1. Quân tử bất thất túc vu nhân, bất thất sắc vu nhân, bất thất khẩu vu nhân (Lễ ký _ Biểu ký)

Dịch: Quân tử trước mặt người khác nên cư xử thận trọng, ngôn từ đoan chính, không nói những điều sai trái và những điều không nên nói.

10 câu trong "Lễ ký" cho biết kiểu người nào biết ăn nói
Lựa chọn lời nói phù hợp trong tình huống giao tiếp có thể giúp công việc của bạn trở nên suôn sẻ hơn (ảnh minh họa Pexels)

Cảm ngộ: Câu nói này dùng để khuyên mọi người thận trọng trong lời nói và việc làm, không nói những điều không nên nói với người khác, và không làm những điều không nên làm với người khác. Một mặt là tránh bị người khác nắm được điểm yếu, dẫn tới bị phê bình, chỉ trích. Mặt khác, đây cũng là sự tu dưỡng cá nhân của người quân tử. Lựa chọn lời nói phù hợp trong tình huống giao tiếp có thể giúp công việc của bạn trở nên suôn sẻ hơn.

2. Công sự bất tư nghị (Lễ ký _ Khúc lễ hạ)

Dịch: Chuyện của người khác không thể thảo luận một cách lén lút, riêng tư. Đừng nên thảo luận những việc công một cách riêng tư.

Cảm ngộ: Cần phải phân biệt việc công và việc tư, việc công nên để mọi người bàn luận và xử lý, không nên bàn việc công một cách riêng tư, nếu nghị luận việc công một cách riêng tư sẽ dễ bị nghi ngờ là gian tà và có âm mưu. Nên nói những điều cần nói.

3. Triều ngôn bất chỉ khuyển mã (Lễ ký _ Khúc lễ thượng)

Triều đình là nơi bàn luận việc chính sự. Khi làm việc công, đừng nói đến chó, ngựa và những vấn đề giải trí khác. Khi làm việc cần phải có tính chuyên nghiệp và càng cần phải có sự tự ước thúc bản thân.

4. Công đình bất ngôn phụ nữ (Lễ ký _ Khúc lễ hạ)

Khi làm việc công không nói chuyện sắc dục, nam nữ. Khi nói chuyện cần nắm bắt cơ hội và cần phải nói về những điều phù hợp vào đúng thời điểm. 

5. Tại quan ngôn quan, tại phủ ngôn phủ, tại khố ngôn khố, tại triều ngôn triều (Lễ ký _ Khúc lễ hạ)

Dịch: Quan, phủ, khố, triều đều là nơi làm việc và xử lý công sự. Tại nơi làm việc tương ứng thì nên thảo luận về công việc cần giải quyết.

10 câu trong "Lễ ký" cho biết kiểu người nào biết ăn nói
Lời ăn tiếng nói cũng cần phù hợp hoàn cảnh (ảnh minh họa Pexels)

Cảm ngộ: Nếu muốn hòa hợp với mọi người thì cần học cách thích ứng với hoàn cảnh, nhập gia tùy tục, dùng lời nói để khai thông mối quan hệ giữa các cá nhân. Gặp người làm quan nên nói chuyện quan trường, gặp người làm ăn thì nói chuyện làm ăn. Một người có sự tu dưỡng thì khi nói chuyện với những người khác nhau sẽ chọn chủ đề trò chuyện cho phù hợp với thân phận của đối phương và những điều họ nói đến cũng sẽ phù hợp với đạo lý.

6. Cư tang bất ngôn lạc, tế sự bất ngôn hung (Lễ ký _ Khúc lễ hạ)

Dịch: Nơi có tang không nên nói chuyện vui, lúc tế tự không nên nói chuyện xấu.

Cảm ngộ: Bàn luận chuyện viển vông, vui cười đùa giỡn là không tôn trọng người đã khuất và người nhà của họ, chỉ khi nói nhỏ nhẹ, cử chỉ chậm rãi, vững vàng thì mới thể hiện được thành ý, phong thái của người nói.

7. Cư kỳ vị, vô kỳ ngôn, quân tử sỉ chi, hữu kỳ ngôn, vô kỳ hành, quân tử sỉ chi (Lễ ký _ Tạp ký hạ)

Dịch: Quân tử ở chức vị nhất định mà không phát biểu ý kiến ​​tương ứng với chức vị sẽ cảm thấy xấu hổ, cũng như người quân tử đưa ra lời nói nhưng không có hành động tương ứng thì sẽ cảm thấy hổ thẹn.

Cảm ngộ: Những câu này chủ yếu dùng để giải thích rằng người ở một vị trí nào đó phải có lời nói và hành động phù hợp với vị trí đó, đồng thời cũng có thể được sử dụng để chế giễu những người không tương xứng với một vị trí nhất định. Một vấn đề quan trọng nữa là vấn đề lời nói và hành động. Một số người thích ăn to nói lớn, nhưng lại luôn thiếu hành động thực tiễn và không có kết quả. Người xưa rất coi thường những người như vậy. Trong cuộc sống và công việc, chúng ta nên nói năng thẳng thắn, khiêm tốn, không nên khoe khoang, tự tâng bốc mình.

8. Trưởng giả bất cập, vô sàm ngôn (Lễ ký _ Khúc lễ thượng)

Đừng đề cập đến những điều mà bậc trưởng lão chưa nói đến. Khi nói chuyện với bậc tôn trưởng nên để bậc tôn trưởng dẫn dắt cuộc trò chuyện. 

10 câu trong "Lễ ký" cho biết kiểu người nào biết ăn nói
Cần chú ý khi nói chuyện với bậc trường bối (ảnh minh họa Pexels)

9. Thị tọa vu tiên sinh, tiên sinh vấn yên, chung tắc đối (Lễ ký _ Khúc lễ thượng)

Phụng dưỡng thầy giáo, nếu thầy giáo hỏi thì phải đợi thầy giáo hỏi xong mới trả lời, đừng ngắt lời thầy giáo. Tương tự, khi giao tiếp với người khác, xuất phát từ việc tôn trọng đối phương, tốt nhất không nên ngắt lời người khác. 

10. Thị vu quân tử, bất cố vọng nhi đối, phi lễ dã (Lễ ký _ Khúc lễ hạ)

Dịch: Lễ nghi và khiêm tốn. Nếu có nhiều người cùng hầu hạ trưởng lão, trưởng lão hỏi mọi người một câu, người ngồi đó trước tiên nên nhìn xung quanh chờ người khác trả lời, không nên trả lời vội vàng mà cần phải quan sát sắc mặt, biểu cảm trước khi trả lời. Một lúc sau, nếu không có ai lên tiếng thì cần quay lại trả lời câu hỏi của trưởng lão. 

Cảm ngộ: Lời nói xuất phát từ tâm, người trí tuệ nói năng cẩn trọng, nói điều cần nói và đúng thời điểm. Khi nói chuyện với người lớn tuổi, nếu bạn nói trước khi đến lượt mình nói thì đó là thiếu kiên nhẫn, nôn nóng; Nếu bạn nói chuyện hấp tấp mà không nhìn sắc mặt người khác thì gọi là mù quáng; Nếu lúc bản thân cần nói nhưng lại không nói, đấy gọi là che giấu. 

Theo Vision Times