Nguồn gốc phong tục: Cúng tế tổ tiên và tảo mộ vào tiết Thanh minh
Tiết Thanh minh gắn với phong tục tảo mộ và cúng bái tổ tiên. Tương truyền, những phong tục này có nguồn gốc từ xa xưa vào thời Xuân Thu.
- Lòng cảm ân cải thiện tâm linh và thế giới
- Biết ơn mọi điều trong cuộc sống này, tất cả đều là ân nhân
Việc tảo mộ thời cổ đại trước đây có liên quan tới Tết Hàn thực. Ngoài ra còn có một phong tục phổ biến là “trồng cây liễu” trong Tết Hàn thực và Thanh minh. Liễu là loại cây có sức sống mãnh liệt, dù trồng xuôi hay trồng ngược đều có thể sinh trưởng.
Người xưa quan niệm, cành liễu có chức năng xua đuổi tà ma. Trong bài thơ “Ngày xuân” nhà thơ Lục Du đời Tống có viết: “Người ta trồng liễu nhớ Thanh minh”. Tương truyền, những phong tục này có nguồn gốc chung, từ xa xưa vào thời Xuân Thu.
Nội dung chính
Giới Tử Thôi và nguồn gốc tiết thanh minh
Giới Tử Thôi (? —636 TCN, còn được gọi là Giới Chi Thôi) là danh thần thời Xuân Thu. Ông trợ giúp Tấn công tử Trọng Nhĩ trở thành vị quân vương cả đời hiền đức – Tấn Văn Công. Sau khi cuộc nổi loạn Ly Cơ nổ ra trong vương thất nước Tấn, ông và bốn đại thần khác hộ tống bảo vệ Trọng Nhĩ chạy trốn. Sau đó đi theo hầu hạ Trọng Nhĩ khoảng 19 năm. Ông không những trải qua trăm cay ngàn đắng mà còn “xẻo thịt làm thức ăn cho quân vương” .
Theo ghi chép trong “Sử ký, Tấn thế gia”, Trọng Nhĩ ở nước ngoài đi tới đâu cũng bị coi thường, lưu lạc khắp nơi. Mười chín năm sau mới khôi phục lại được xã tắc, ông được đón về nước và lên làm vua. Trong đoạn đường cuối cùng khi theo hầu Trọng Nhĩ, khi qua sông trở về nước Tấn, Giới Tử Thôi lặng lẽ biến mất.
Ông trở về nhà, người mẹ thấy con trai không cầu công danh lợi lộc thì vô cùng khen ngợi. Không muốn Trọng Nhĩ tìm thấy, ông ẩn cư tại núi Miên. Mẹ ông cũng đồng ý cùng con sống ẩn cư.
Tử Thôi tự cắt thịt mình làm thức ăn cho vua
Sau khi Trọng Nhĩ lên ngôi, ông phong thưởng cho những trọng thần cũ và những người đã khuất có công lao. Tuy nhiên, Giới Tử Thôi không nằm trong số những người được phong thưởng. Người tùy tùng đi theo Tử Thôi cảm thấy ấm ức cho Giới Thôi nên đã viết một đoạn văn và dán lên cửa để nhắc nhở Tấn Văn Công.
“Trang Tử, Đạo Chính” ghi chép: “Giới Tử Thôi trung thành tới mức cắt thịt của mình làm thức ăn cho Tấn Văn Công”. Trong “Đông Phương Sóc, Thất Gián” cũng để lại dòng chữ: “Tử Thôi tự cắt thịt làm thức ăn cho vua”. Chính là muốn kể về những năm tháng khi Trọng Nhĩ lưu vong từng gần chết vì quá đói khát. Vào thời điểm quan trọng đó, không biết từ đâu Giới Tử Thôi đã mang một bát canh thịt tới bón cho Trọng Nhĩ ăn. Nhờ đó, Tử Thôi cứu Trọng Nhĩ sống lại. Sau đó, mọi người phát hiện, Giới Tử Thôi đã làm món canh đó từ thịt đùi của mình.
Tấn Văn Công nhìn thấy lời nhắc nhở trên cửa chợt nhớ ra người cũ. Nhà vua sai người đến triệu kiến Giới Tử Thôi nhưng không tìm được người. Nghe nói Giới Tử Thôi đã vào núi Miên nên nhà vua trọng thưởng điền ruộng tại núi Miên cho ông. Nhà vua đổi tên núi thành Giới Sơn để khen ngợi trung thần. Ông bày tỏ sự hối hận về khuyết điểm của mình.
Tử Thôi buông bỏ công danh về quê ẩn dật
Theo truyền thuyết dân gian, Tấn Văn Công nghe theo lời khuyên quan đại thần nên phóng hỏa đốt núi. Ông muốn dùng ngọn lửa để khiến Tử Thôi xuất hiện. Nhưng ông và mẹ không bị ngọn lửa thao túng. Hai người đã chết dưới một cây liễu lớn. Hôm đó là ngày mồng năm tháng ba âm lịch.
Trước khi chết, Tử Thôi nói chính thượng thiên đã mở đường cho Trọng Nhĩ lên ngôi. Ông biết được mệnh lệnh của trời, nên phò tá trợ giúp Trọng Nhĩ trở thành một bậc quân vương hiền đức. Đó là thuận theo ý trời nên ông không nhận bổng lộc. Ông còn dùng chính mạng sống của mình để can gián Trọng Nhĩ trở thành một vị quân vương ngay chính.
Truyền thuyết kể rằng vào ngày giỗ đầu của Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công đã trở lại Giới Sơn. Ông ăn thức ăn nguội một ngày. Ngày hôm sau ông mới lên núi tế lễ. Lúc bấy giờ, cây liễu bị cháy đã mọc lên cành cây xanh tốt. Tấn Văn Công đã bẻ cành liễu, đan thành vòng tròn và đội lên đầu. Ông đặt tên cho cây liễu là “Thanh minh liễu”.
Thức ăn nguội và phong tục tiết Thanh minh
Không đốt lửa và ăn đồ nguội
Hậu Hán Thư, Chu cử liệt truyện có ghi chép, tại quận Bình Châu, Thái Nguyên có phong tục ăn đồ nguội một tháng. Giới Tử Thôi bị chết cháy thiêu rụi tro cốt nên đến tháng ông mất, người dân sợ Thần linh không vui, vì thế họ không nổi lửa nấu nướng. Người dân chỉ ăn những đồ ăn nguội.
Một số người già và trẻ nhỏ thể lực yếu ớt không chịu nổi mà tử vong. Sau khi Châu Cử đến nhận chức, trong buổi tế lễ tại nơi Giới Tử Thôi tử vong, ông tuyên bố cách ăn đồ nguội trong một tháng không phải là ý của người có đức có tài. Từ đó người dân mới thay đổi, bắt đầu nổi lửa nấu đồ ăn.
“Nghiệp trung ký” triều Tấn có thuyết, phong tục của vùng Nghiệp, ngày thứ 105 sau ngày Đông chí là ngày tắt lửa vì Giới Tử Thôi”. Trong ghi chép tại “kinh sở tuế thì kí”: “Khứ đông chí nhất bách ngũ nhật. Tức hữu tật phong thậm vũ, vị chi hàn thực, cấm hỏa tam nhật. Tạo đường (* mạch nha đường) đại mạch chúc, án lịch hợp tại thanh minh tiền nhị nhật”.
Nghĩa là Hàn thực là ngày thứ 105 sau ngày Đông chí. Vào thời đó người dân ăn cháo đại mạch, chè hạnh nhân lạnh trong ba ngày trước và sau Tết Hàn thực.
Tiết Thanh minh viếng mộ cúng lễ
Việc tảo mộ, tế lễ vào Tết Hàn thực đã trở thành một phong tục lưu truyền trong dân gian. Vào tháng 4 năm Khai Nguyên thứ 20 triều Đường, phong tục này được quy định trong hệ thống nghi lễ, để mọi người đều có thể tảo mộ, tế lễ tổ tiên bày tỏ lòng hiếu thảo.
Vào thời điểm đó, bách tính mô phỏng theo các lễ nghi cầu may mắn tốt lành của giới quý tộc. Họ cũng đi tảo mộ vào Tết Hàn thực. Vua Đường Huyền Tông đã xuống chiếu quy định tăng cường các nghi lễ. Vua cho phép bách tính tới tảo mộ, tế lễ vào Tết Hàn thực. Nhờ đó, con cháu có thể biểu hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên. Nhà vua coi đó là một trong năm nghi lễ thường thức.
Trong “Thông điển, lễ thập nhị, thượng lăng” có quy định về việc đi tảo mộ vào tiết Hàn thực. Mọi người có thể chuẩn bị thức ăn mà khi sinh thời ông bà tổ tiên yêu thích mang tới cúng tế . Sau đó cúi đầu hành lễ ở phía Nam của lăng mộ. Con cháu không được cười nói vui vẻ ở nơi mộ địa. Sau khi cúng tế, tảo mộ xong về tới nhà có thể thụ lộc những vật phẩm đã tế lễ.
Tiết Thanh minh thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên
Tiết Thanh minh muộn hơn Tết Hàn thực hai ngày. Vào thời nhà Tống, Tiết Thanh minh và Hàn thực được gộp lại thành một. Tiết Thanh minh trở thành ngày ăn đồ ăn nguội. “Đông kinh mộng dị lục”, một sự tích thời Bắc Tống, có ghi chép: “Tiết thanh minh… Kể từ đó, trong ba ngày, tất cả mọi người sẽ ra khỏi thành phố để đi tảo mộ”; “Tất cả các ngôi mộ mới đều được quét dọn, thắp hương tế lễ”.
Kể từ thời nhà Tống, tiết Thanh minh gắn liền với phong tục quét dọn lăng mộ và tế lễ tổ tiên. Từ đó tiết Thanh minh trở thành một phong tục lưu truyền đến tận ngày nay.
Nguồn gốc của tiết Thanh minh không chỉ gắn với câu chuyện xúc động về lòng trung thành mà còn thể hiện lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên.
Theo The Epochtimes
Xem thêm: