Là con người, truy cầu lợi ích là lẽ tự nhiên, nhưng tham lợi lại là một sự lựa chọn. Kẻ ngu muội vì lợi mà đánh mất mình, người trí giả vì lợi mà thành tựu chính mình.

Trong “Sử ký” có ghi chép: “thiên hạ ồn ào, đều vì lợi mà lại; thiên hạ rối rít, đều vì lợi mà đi”. Khi con người đến tuổi trung niên, mỗi người đều tiến về phía trước với những gánh nặng. Lợi là cái đánh thức người ta, lợi là cái khiến con người không ngủ được.

1. Người tầm thường chỉ có lợi ích

Vào thời Xuân Thu, con trai thứ hai của nhà chính trị Phạm Lãi bị nước Sở bắt giam vì tội giết người. Phạm Lãi muốn cứu mạng người con trai thứ hai nên giao một xe vàng cho con trai cả, dặn dò anh nhất định phải đưa nó cho Trang Sinh của nước Sở.

Trang Sinh sau khi nhận vàng liền đi yết kiến ​​Sở Vương. Trang Sinh nói rằng: “Gần đây xem chiêm tinh, thần thấy thiên tượng bất lợi cho nước Sở. Bây giờ, chúng ta nên phổ biến nền chính trị nhân từ”. Nghe Trang Sinh nói như vậy, Sở Vương liền quyết định đại xá thiên hạ. Con trai cả của Phạm Lãi nghe tin và nghĩ thầm: “Nếu Sở Vương đã muốn đại xá thiên hạ, ta cần gì phải đưa vàng cho người khác?

Vì vậy, anh ta đã tìm đến Trang Sinh và lấy lại vàng. Trang Sinh thấy người này chỉ biết có lợi, ăn cháo đá bát. Ông liền đến yết kiến Sở Vương nói rằng, “Dân chúng trong thành đang bàn tán xôn xao, Đại Vương đại xá thiên hạ, không phải là để phổ biến nền chính trị nhân từ, mà là để phóng thích con trai của phú thương Phạm Lãi”.

Sau khi nghe điều này, Sở Vương vô cùng tức giận, “Ta đường đường là quân vương, làm sao chỉ vì một phú thương mà đại xá thiên hạ?” Thế là, ông đã hạ lệnh giết chết con trai thứ hai của Phạm Lãi và đại xá thiên hạ vào ngày hôm sau. Trong “Thái căn đàm” có ghi lại rằng: “Đói lạnh thì chạy đi nương nhờ, khi no ấm thì như không có chuyện gì. Thấy nhà giàu có thì vội vàng nịnh nọt, gặp họ hàng nghèo hèn thì lại ngó lơ”. Đó là biểu hiện phổ biến của loại người hám lợi. 

Lợi là thước đo lòng người, có thể ước lượng được lòng người nông sâu, có thể biết được tình người ấm lạnh. Những kẻ tầm thường khi có lợi sẽ xu nịnh, tâng bốc, khi không có lợi, họ sẽ trở mặt và vô tình. Trong mắt của họ, mọi thứ không phân biệt trắng đen, lòng người không phân biệt thiện ác, chỉ có lợi ích mới là tiêu chuẩn để đo lường hết thảy.

2. Người ngu ngốc thì tham lợi

Trước đây, có một người đàn ông nhìn thấy tất cả giày trong cửa hàng đều miễn phí. Vì vậy, anh ta vui vẻ chọn một đôi giày có giá 500 đồng. Sau khi ông chủ nhìn thấy liền nói với anh ta: “Chỉ cần anh không nói chuyện trong ba ngày, đôi giày này sẽ được tặng miễn phí cho anh”. 

Anh hớn hở đi giày về nhà, dù người vợ có gặng hỏi gì anh cũng im lặng không nói. Người vợ nghĩ rằng anh bị ốm nên đã tìm đến nhiều bác sĩ, nhưng đều không có kết quả. Đến ngày thứ 3, ông chủ tiệm giày tuyên bố rằng ông ta có một công thức bí mật do tổ tiên truyền lại, có thể chữa được bách bệnh nan y. Thế là, ông chủ được người vợ mời về nhà. 

Nhìn thấy anh, ông chủ nói nhỏ: “Hết ba ngày rồi, anh có thể nói chuyện”. Anh ta vui vẻ nói với vợ: “3 ngày không nói, ta kiếm được 500 đồng!” Người vợ bối rối hỏi: “Kiếm được 500 đồng sao? Vừa rồi bác sĩ tính cho em 1.000 nhân dân tệ để xem bệnh, nói rằng có thể chữa khỏi bệnh cho anh”. Trong “Quảng Tử” có chép rằng: “Chim bay cao chết vì háu ăn; cá dưới hồ sâu chết vì mồi thơm”.

lợi ích có thể làm mê mờ tâm trí
Chàng ngốc tưởng rằng được món hời lớn, không ngờ lại mất đi gấp bội (ảnh minh họa Zingnew)

Là con người, truy cầu lợi ích là lẽ tự nhiên, nhưng tham lợi lại là một sự lựa chọn. Bạn phải biết rằng, chữ lợi (利) có một con dao (刀) bên cạnh, nếu bạn bất cẩn một chút thì sẽ trở thành nô lệ cho lợi ích, đánh mất chính mình, đánh mất ý nguyện ban đầu và chịu nhận hậu quả.

3. Người trí giả kiếm lợi

Thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công khi mới lên nắm quyền, quốc lực nước Tề vô cùng suy yếu, hai nước Lỗ và Lương thèm muốn nước Tề. Thừa tướng Quản Trọng đề xuất với Tề Hoàn Công, yêu cầu trên dưới nước Tề đều mặc quần áo làm từ vải đũi. Bởi vì, người dân của nước Lỗ và Lương rất am hiểu dệt chất liệu vải đũi.

Kể từ đó, nước Tề bắt đầu mua số lượng lớn vải đũi với giá cao từ hai nước Lỗ và Lương. Thấy có lãi cao, người dân hai nước Lương và Lỗ đã bỏ nông nghiệp và tập trung dệt vải. Nước Tề một mặt tiếp tục thu mua vải đũi, mặt khác, phát triển mạnh nông nghiệp và tích trữ lương thực.

Đợi thời cơ chín muồi, nước Tề bất ngờ hạ lệnh, yêu cầu người dân mặc quần áo chất liệu tơ lụa. Hơn nữa, tuyên bố không buôn bán với hai nước Lỗ và Lương nữa. 10 tháng sau, lương thực ở hai nước Lỗ và Lương cung không đủ cầu, người dân lâm vào tình cảnh đói khát. Mà lúc này bắt đầu trồng trọt thì đã quá muộn.

Thấy tình thế như vậy, nước Tề đã bán lương thực mỗi thạch với giá hàng nghìn đồng. Trong khi ở trong nước, mỗi thạch chỉ có 10 đồng. 3 năm sau, nước Lỗ, Lương thiếu tiền, đành phải thuần phục nước Tề. Tôn Tử có viết rằng: “Dĩ lợi động chi, dĩ tốt đãi chi”. Có nghĩa là, dùng lợi mà dụ địch tiến, trọng binh mai phục quân thù. 

người vì lợi ích không từ thủ đoạn; lợi ích có thể làm mê mờ tâm trí
Người trí giả kiếm lợi, nhưng không bị mắc kẹt trong lợi (ảnh: Yahoo)

Người trí giả kiếm lợi, nhưng không bị mắc kẹt trong lợi. Thông qua lợi ích, họ có thể nhìn thấy quan hệ lợi hại che giấu đằng sau chúng. Từ đó, họ có thể đạt được những lợi thế, tránh những thiệt hại và thành tựu chính mình. Nhưng kẻ ngu muội bị vẻ bề ngoài mê hoặc, hài lòng với cái lợi trước mắt mang đến, cuối cùng phải trả giá đắt. 

Suy cho cùng, lợi ích dù sao cũng chỉ là vật ngoại thân, chỉ có xem nhẹ chúng, chúng ta mới có thể nhìn rõ chúng và khiến chúng phục vụ cho chính mình.

4. Người thông tuệ nhượng lại lợi ích

Tăng Quốc Phiên lúc còn trẻ cho rằng, dùng đạo nghĩa có thể thu phục được lòng người. Kết quả là những người ban đầu nương tựa ông ấy, đều chuyển đến dưới trướng của Hồ Lâm Dực. Tăng Quốc Phiên cảm thấy khó hiểu bèn đến hỏi phụ tá của mình là Triệu Liệt Văn. Triệu Liệt Văn nói: “Ai cũng có lòng ích kỷ. Nên đều muốn làm quan để có được tiền tài”. Tăng Quốc Phiên chợt nhận ra, từ đó ông cắt giảm chi tiêu của bản thân và hậu đãi với cấp dưới. 

làm thế làm buông bỏ lợi ích; lợi ích là con dao hai lưỡi
Tăng Quốc Phiên nhượng lại lợi ích, cuối cùng trở thành “đệ nhất danh thần” (ảnh: Pinterest)

Lúc đó, binh lính bình thường có bổng lộc 5 lượng bạc một tháng, gấp 3 lần quân chính quy của triều đình. Bổng lộc quan quân trung cấp gần 1.800 lượng một năm, tương đương với mức quan quân cao cấp trong quân chính quy. Không chỉ vậy, ông thường nhường lại chiến công cho các tướng sĩ và tăng cấp cho họ. 

Sau đó, mỗi lần chiêu binh, ông đều tuyển được 1000 – 10.000 người, rất nhiều tướng lĩnh cao cấp đều đầu quân cho ông. 

Nhờ vậy, sức chiến đấu của Quân đội Hồ Nam của Tăng Quốc Phiên đã tăng lên rất nhiều. Ông đã nhiều lần thay triều đình bình định phản loạn, lập nhiều chiến công hiển hách và cuối cùng trở thành “đệ nhất danh thần” vào cuối triều đại nhà Thanh. 

Lợi ích là một thanh kiếm hại người, cũng là một chiếc thuyền chở người. Điều này phụ thuộc vào cách bạn đối đãi như thế nào với nó.

Theo 360doc