Thứ Hai , 13 Tháng Năm 2024

Hồ ly tinh thế thân Đát Kỷ, mê hoặc Trụ Vương, hoạ loạn nhân gian

25/09/23, 17:23 Văn hóa truyền thống

Hồ ly tinh mượn lệnh của Nữ Oa mà chiếm được thân xác của Đát Kỷ, đáng lý sẽ được thưởng nhưng nó lại không kiềm chế được thú tính của mình. 

Hồ ly tinh thuộc pháp giới nào?

Con người có đặc tính của con người, thú vật mang đặc tính của thú vật. Khi con người hành xử như thú vật thì người ta mắng họ là đồ súc sinh (súc vật). Vậy hồ ly tinh có phải là động vật không? Chúng ta có thể tìm hiểu về giới này qua nhân vật Đát Kỷ trong “Phong thần diễn nghĩa”.

Đát Kỷ,  trước đây là con hồ ly tinh nghìn tuổi trong mộ của Hiên Viên, nhờ lệnh của Nữ Oa mà được phép sống trong cơ thể người. Nhưng tai ương chắc chắn sẽ xảy ra khi thứ thú tính tham dự vào nhân gian.

Hồ ly tinh thế thân Đát Kỷ, mê hoặc Trụ Vương, hoạ loạn nhân gian
hồ ly tinh (ảnh: Saigonbling)

Vào ngày 15 tháng 3, là ngày sinh của Nữ Oa Nương Nương, Tể tướng Thương Dung đã mời vua Trụ đến miếu Nữ Oa để dâng hương. Đó là khởi đầu cho cái chết của Thương Dung và sự diệt vong của nhà Thương.

Thương Dung đối đãi với vua Trụ như đối đãi với bậc Thánh Quân nhân đức, không nghĩ tới việc vua Trụ là một kẻ ngông cuồng tửu sắc không ước thúc được. Ông ta không lường được việc mời kẻ có tâm sắc dục mạnh đi tham kiến Nữ Oa Nương Nương xinh đẹp sẽ dẫn đến hậu quả gì.

Trụ Vương nảy sinh tâm dâm với Nữ Oa Nương Nương

Trụ vương vừa thấy dung tượng Nữ Oa, thần hồn phiêu đãng, bỗng khởi dâm tâm: “Trẫm danh Thiên tử, giàu có ức vạn, khắp tam cung lục viện, không có ai đẹp như thế này.” Và sai người chuẩn bị nghiên bút cho đề thơ lên tường.

Thương Dung vội can ngăn thì bị vua Trụ gạt đi:“Trẫm thấy Nữ Oa tuyệt thế giai nhân, nên đề thơ tán thưởng, chứ có ý gì khác? Khanh chớ nói nhiều. Huống chi ta là ngôi vị chí tôn nước lớn, lưu lại cho trăm họ thấy sắc đẹp tuyệt thế của nương nương, cũng là lưu lại bút tích của ta.”

Không ai dám nói thêm, Trụ Vương đã đề thơ tỏ ý muốn “hoan lạc” với Nữ Oa trong điện của Nương Nương rồi ra về.

Nữ Oa giáng tội

Cũng vào ngày này, Nữ Oa Nương Nương đi lên cung Hỏa Vân chầu ba vị Thánh Phục Hy, Viêm Đế, Hiên Viên rồi trở về. Xuống đến miếu, lên ngự nơi bảo điện, Ngọc Nữ Kim Đồng chầu lễ xong, Nương Nương ngẩng đầu lên và thấy bài thơ trên tường, liền nổi giận:

“Ân Thọ (tên của Trụ Vương) hôn quân vô đạo, không lo tu thân lập đức để bảo hộ thiên hạ, nay lại không sợ Thượng thiên, đề thơ xúc phạm ta, thật đáng ghét”.

Hồ ly tinh thế thân Đát Kỷ, mê hoặc Trụ Vương, hoạ loạn nhân gian
Theo truyền thuyết phương Đông Nữ Oa dùng đất sét tạo nên con người (ảnh: hosonhanvat)

Dã sử Trung Hoa ghi lại rằng, dân tộc Hoa Hạ là do Nữ Oa nặn đất tạo ra. Thần nào tạo ra chủng người nào thì vị Thần đó sẽ quản chủng người đó. Để cảnh báo mối nguy hiểm về tâm sắc dục của con người thế gian, Nương Nương đã ra lệnh cho hồ ly tinh, Cửu Đầu Trĩ Kê Tinh và Ngọc Thạch Tỳ Bà Tinh nương thân vào hoàng cung để mê hoặc Trụ Vương. Đợi khi Vũ Vương khởi binh phạt Trụ thì giúp cho việc này thành công, đồng thời ra lệnh cho yêu tinh không được làm hại chúng sinh.

Thú tính của hồ ly tinh kết hợp với sự dâm dục của Trụ Vương

Sở dĩ hồ ly tinh được phép tham dự vào môi trường sống của con người vì chúng có thể bộc lộ sự ác độc của tâm sắc dục. Tuy nhiên Nữ Oa Nương Nương từ bi, đã ra lệnh cho ba con yêu quái “không được làm hại chúng sinh”. Chỉ cần làm được điều đó, tức là thú tính trong chúng đã bị loại bỏ, lại có thân người nên có thể thành công trong tu luyện.

Nhưng đây là tử quan của dã thú. Động vật thành tinh khó tránh khỏi việc ăn thịt người. Đát Kỷ là yêu tinh được ân sủng, trong tay nắm quyền hành sự, để ước chế thú tính thì quả là việc khó khăn.

Từ xa xưa, hồng nhan là mầm mống gây nhiều tai họa. Khi nhan sắc của một người đạt đến đỉnh cao, nếu như tâm tính không thể thoát ra khỏi phạm vi con người, lại không giấu được hình hài thì “hồng nhan” ấy cũng “bạc phận” mà thôi.

Hồ ly tinh thế thân Đát Kỷ, mê hoặc Trụ Vương, hoạ loạn nhân gian
Hồ ly tinh dùng thân xác Đát Kỷ mê hoặc Vua Trụ (ảnh minh họa Cotich)

Thời điểm đó, Ký Châu hầu Tô Hộ có một người con gái tên là Đát Kỷ, dung mạo rất xinh đẹp, vua Trụ đã dùng binh tấn công Ký Châu để chiếm cô ấy. Tô Hộ nhìn con gái ruột của mình nước mắt lưng tròng lắc đầu thở dài:

“Oan gia, vì ngươi mà huynh đệ ta bị người khác bắt, kinh thành bị kẻ khác bao vây, cha mẹ ta bị kẻ khác giết hại, tông miếu bị người khác sở hữu, ta sinh ra một mình ngươi đã hủy diệt cả nhà họ Tô!”

Để tránh thảm họa diệt tộc, Tô Hộ bất đắc dĩ phải dâng nạp Đát Kỷ cho vua Trụ, đích thân hộ tống cô đến kinh đô Triều Ca. Đát Kỷ từ biệt mẫu thân, nước mắt rơi như mưa, than khóc bi thương.

Hồ ly tinh nhận lệnh đã ẩn náu ở Ân Chu suốt ba năm chờ đợi. Khi xe ngựa của Đát Kỷ đi qua, hồ ly hút linh hồn và sử dụng thân thể của Đát Kỷ để hành sự. Đến Triều Ca, vua Trụ nhìn thấy dung nhan của Đát Kỷ, mặt hạnh má đào, lưng nhỏ dịu dàng, yêu kiều như một đóa hải đường say nắng, chẳng kém gì Cửu Thiên Tiên Nữ hạ Dao Trì, từ cung trăng Hằng Nga rời điện ngọc.

Hồ ly tinh thế thân Đát Kỷ, mê hoặc Trụ Vương, hoạ loạn nhân gian
(ảnh minh họa Doanhnghiepvn)

Đát Kỷ hé môi son tựa như một đóa anh đào, liếc nhìn mày cong mắt phượng sóng thu ba, trong khóe mắt ẩn chứa đủ loại phong tình nũng nịu, cất lời thỉnh an Trụ Vương:“Đát Kỷ con gái kẻ phạm tội, chúc bệ hạ vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”.

Vua Trụ nghe tiếng mà hồn xiêu phách lạc lên chín tầng mây, xương cốt bỗng mềm nhũn, tai nóng và mắt giật, cử động không biết phải làm sao cho phải.

Quân Vương vô đạo đam mê tửu sắc, bỏ bê triều chính

Đát Kỷ và Trụ Vương gặp nhau, ngay từ giây phút đầu đã bộc lộ sự xấu xa, thấp hèn, đê tiện. Họ không biết bản thân ghê tởm trong mắt toàn thể mọi người, mà lại còn tự cảm thấy rất tốt.

Vẻ đẹp của con người kỳ thực là do suy nghĩ và hành vi. Tục ngữ có câu “trong mắt người đang yêu thì người yêu của họ là đẹp như Tây Thi”; nghĩa là mọi thứ chỉ là giả tướng, là từ trong suy nghĩ méo mó gây ra.

Sau khi vua Trụ có được Đát Kỷ, triều yến tiệc thâu đêm suốt sáng, tấu chương lẫn lộn, triều chính suy sụp, quần thần dù có tấu chương can gián, vua vẫn không quan tâm. Yêu khí của Đát Kỷ lượn lờ quấn quanh cung điện, phòng văn thư tấu chương chất đống như núi, người ta đã thấy được thiên hạ sắp đại loạn.

Hồ ly hoàn thành sứ mệnh nhưng không thể vượt qua tử quan tu luyện

Con hồ ly đã có nhan sắc, vốn dĩ nó chỉ cần mê hoặc vua Trụ làm triều đình nghiêng ngả, lòng dân căm phẫn, thì cũng có thể hoàn thành sứ mệnh mà Nữ Oa Nương Nương giao cho. Nhưng con hồ ly tinh muốn có thân người để tu luyện, rời khỏi kiếp yêu hồ, thì nó cần phải vượt quan “không sát hại chúng sinh”.

Đạo sĩ Vân Trung Tử tu luyện trên núi thấy yêu khí trong cung điện liền tới dâng một thanh kiếm gỗ để vua Trụ treo trong lầu Phấn Cung trấn áp hồ ly, suýt chút nữa đã lấy mạng cô ta.

Quan Tư Thiên Đài Đỗ Nguyên Tiển lại dâng tấu:“Sương mù ma quái báo điềm chẳng lành, ánh sáng ma quái bao quanh nội điện, thảm khí bao trùm chốn thâm cung”; ám chỉ việc Đát Kỷ đang mê hoặc Thánh Cung, làm rối loạn triều cương.

Hồ ly tinh thế thân Đát Kỷ, mê hoặc Trụ Vương, hoạ loạn nhân gian
(ảnh: Ngoisao)

Đại phu Mai Bá thẳng thắn chỉ trích vua Trụ và Đát Kỷ:“vui thú trong chốn thâm cung, sớm sớm yến tiệc, đêm đêm hoan lạc, không để ý đến triều chính, không chịu được những lời can gián, chỉ nghe theo lời của ái phi xinh đẹp, chém đầu Đỗ Nguyên Tiển, phế bỏ các đại thần của tiên đế”.

Dùng Bào lạc giết trung thần

Những điều này đã kích động đến bản chất “yêu tinh” của Đát Kỷ khiến cô ta nổi giận, thú tính bùng phát mạnh mẽ. Cô ta đã chế tạo ra 20 Bào Lạc, đặt ở phía Đông của điện Cửu Gian.

Bào Lạc là dụng cụ hành hình cao khoảng hai trượng, tròn tám thước. Ở phần trên, phần giữa, phần dưới có ba cửa lửa, được tạo ra giống như một cột đồng, dùng lửa than đốt đỏ bên trong, lột bỏ y phục của người bị tội, quấn dây sắt quanh thân, quấn quanh cột đồng, chỉ dùng Bào Lạc thì gân cốt tứ chi trong chốc cháy thành tro bụi.

Vua Trụ nghe theo lời của Đát Kỷ, đem Mai Bá hành hình bằng Bào Lạc trước Cửu Gian đại điện để ngăn chặn lời can gián của bậc trung thần.

Hại Hoàng Hậu chết thảm

Vào ngày Sóc Vọng (mồng 1 hoặc 15), phi tần các cung đến chầu thỉnh an Hoàng hậu. Chờ hậu cung đông đủ, Khương Hoàng hậu quở trách Tô Đát Kỷ:

“Thiên Tử chìm đắm trong tửu sắc, không nghe lời can gián, giết hại trung thần, hủy hoại đại nghiệp Thành Thang, làm hại đến an nguy của quốc gia, những việc ấy đều tại ngươi cả. Từ nay về sau, nếu ngươi không hối cải, lộng quyền mà dẫn dụ vua, nếu vẫn cứ như trước chẳng kiêng nể gì, ta nhất định sẽ lấy phép của chánh cung mà xử đó! Ngươi hãy lui ra!”

Đát Kỷ trở về cung, nghiến răng căm phẫn: “Ta là sủng phi được Thiên tử yêu mến, Khương Hoàng hậu ỷ thế là chánh cung, sỉ nhục ta thậm tệ trước mặt hai vị Hoàng Quý phi và Dương Quý phi, oán hận này làm sao có thể không báo”.

Hồ ly tinh thế thân Đát Kỷ, mê hoặc Trụ Vương, hoạ loạn nhân gian
(ảnh minh hoạ Doanhnghiepvn)

Đát Kỷ cho người mưu ám sát vua Trụ rồi vu khống cho Khương Hoàng hậu, khiến bà bị khoét mắt, dùng Bào Lạc đốt hai tay mà chết. Các con trai của bà là Thái tử Đông cung Ân Giao và nhị Điện hạ Ân Hồng vì minh oan cho mẹ mà bị truy sát, lúc sắp bị hành hình tại pháp trường Ngọ Môn thì được Xích Tinh Tử và Quảng Thành Tử dùng gió thần cứu thoát.

Xúi được vua khinh thường đại thần, giết vợ con, Đát Kỷ được đà bắt đầu ra sức tàn sát.

Thảm sát hàng loạt sinh linh vô tội

Một ngày nọ, vua Trụ đang dự tiệc với Đát Kỷ ở lầu Trích Tinh, Đát Kỷ đứng lên múa hát, các phi tần của tam cung lục viện đều đồng thanh tán thưởng; duy chỉ có 72 người hầu cận của Khương Hoàng hậu vì cái chết oan uổng của chủ mẫu mà nước mắt lưng tròng, không thể vui thú. Đát Kỷ rất tức giận, tâu với vua Trụ:

“Dưới lầu Trích Tinh, xung quanh đào hố rộng hai mươi bốn trượng, sâu năm trượng, bệ hạ truyền chỉ lệnh cho tất cả mọi người trong kinh thành, mỗi hộ hãy nộp bốn con rắn và bỏ chúng vào trong hố này, bắt 72 người trong cung này, lột sạch quần áo rồi tống xuống hố cho rắn độc này ăn thịt, hình phạt này gọi là Sái Bồn”.

Vua Trụ hoan hỉ chuẩn tấu.

Giao Cách phòng văn thư ra sức can gián vua bỏ hình phạt tàn ác này, vua Trụ ngược lại, lại muốn đưa ông ta cùng các cung nữ vào Sái Bồn cho rắn ăn thịt. Giao Cách phẫn uất nhảy lầu mà chết. Tuy nhiên, ông cũng không tránh khỏi bị lột sạch y phục, cùng với 72 cung nữ đã bị lột quần áo trói hai tay rồi bị đẩy xuống Sái Bồn cho rắn ăn.

Đát Kỷ còn tâu thêm: “Bệ hạ lại có thể truyền chiếu chỉ, cho đào một cái ao bên trái Sái Bồn, bên phải đào một cái hồ, trong ao lấy hèm ủ rượu đắp thành đống làm núi, bên phải thì đổ rượu làm hồ, trên núi hèm rượu thì dùng cành cây cắm đầy. Lấy thịt được cắt thành lát mỏng treo lên cành cây gọi là Nhục Lâm (rừng thịt), bên phải thì đổ đầy rượu gọi là Tửu Trì (hồ rượu). Thiên tử giàu có khắp thiên hạ, lẽ ra phải hưởng phú quý vô cùng vô tận. Nhục Lâm Tửu Trì này chẳng phải là tôn quý của Thiên tử sao, đừng tự ti về hưởng thụ của bản thân”.

Vua Trụ hưng phấn tán thành:“Phu nhân đặc chế ra kỳ quan, thực sự đáng thưởng ngoạn, nếu không có ý tưởng kỳ diệu tuyệt vời, thì không có chuyện này”.

Sau khi làm xong, vua Trụ tổ chức yến tiệc cùng Đát Kỷ thưởng thức Nhục Lâm và Tửu Trì. Trong khi uống rượu, Đát Kỷ lại tâu: “Nghe nhạc cũng chán, múa hát cũng là chuyện bình thường, bệ hạ hãy truyền chỉ, lệnh cho cung nhân và hoạn quan vật lộn nhau, kẻ thắng cuộc sẽ được thưởng rượu trong Tửu Trì, kẻ thua là nô tì vô dụng, trước ngự tiền làm nhục Thiên tử, có thể dùng kim qua (chùy) đánh vào đầu, thả vào trong bã rượu”. Đát Kỷ tấu xong, vua Trụ nghe theo tất cả.

Không dừng lại ở đó, Đát Kỷ quyến rũ con trai của Chu Văn Vương là Bá Ấp Khảo không thành công, nên đã ra lệnh lấy bốn chiếc đinh từ trái qua phải đóng vào tay chân của Ấp Khảo, dùng dao băm vào người, tấm thân thảm thương gục xuống, nhưng đã bị đóng đinh vào tay chân.

Vua Trụ ra sức làm đẹp lòng sủng phi (ảnh minh họa Static2)

Người con hiếu thảo tội nghiệp vì cha mà đến chầu nhà Thương, để rồi thân mình bị chém bởi vạn đao, làm thành bánh nhân thịt ban cho Chu Văn Vương ăn.

Đát Kỷ cho Trĩ Kê Tinh biến thành Hồ Hỉ Mị, rồi giả bộ mắc bệnh ngã xuống đất. Hồ Hỉ Mị nói với vua Trụ rằng, Đát Kỷ bị bệnh tim, cần một mảnh Thất khiếu linh lung tâm (trái tim bảy lỗ quý hiếm) mới có thể trị khỏi. Vua Trụ vội vàng hạ lệnh tìm tim. Hồ Hỉ Mị cố làm ra vẻ huyền bí, bấm ngón tay tính đi tính lại rồi tâu: “Chỉ có Á tướng Tỷ Can là có Thất khiếu linh lung tâm”. Vậy là Tỷ Can đã bị mổ bụng cắt tim ra mà chết.

Lại đến mùa xuân năm khác, vua Trụ và bách quan thưởng thức hoa mẫu đơn tại Mẫu Đơn Đình, thiết yến tiệc đến tận khuya. Đát Kỷ say rượu đi ngủ sớm, sang canh ba lộ nguyên hình hồ ly đi tìm người để ăn thịt. Hoàng Phi Hổ trong bữa tiệc đã thả Kim Nhãn Thần Ưng (đại bàng thần mắt vàng) và cào vào mặt hồ ly nên nó ôm mối hận.

Đát kỷ dụ Vua Trụ làm nhục phụ nữ đã có chồng

Năm vua Trụ trị vì thứ 21, ngày Tết trăm quan vào chầu chúc tụng, các vương công và phu nhân các đại thần đều vào nội cung chúc mừng Hoàng hậu Đát Kỷ. Đát Kỷ thầm nghĩ kế sát hại Hoàng Phi Hổ.

Trụ Vương trêu ghẹo vợ Hoàng Phi Hổ và ném em gái ông xuống lầu Trích Tinh (ảnh: Truyenthong)

Đát Kỷ lừa phu nhân Hoàng Phi Hổ lên lầu Trích Tinh để vua Trụ trêu chọc, Giả Thị biết liêm sỉ nên đã nhảy lầu tự sát để thủ tiết. Hoàng Phi Tây Cung là em gái của Hoàng Phi Hổ, nghe tin chị dâu chết thê thảm, lên lầu tranh luận phải trái với vua Trụ, cũng bị ông ta ném xuống chết ở dưới lầu Trích Tinh.

Những trắc nghiệm vô nhân tính

Tên hôn quân và hồ ly tinh giết người không chớp mắt. Sau đó chúng dựa vào lan can, ngắm tuyết ở Triều Ca, chợt nhìn thấy một con sông nhỏ bên ngoài cổng phía Tây, thấy một ông già chân trần đang băng qua dòng nước không sợ lạnh mà bước nhanh, lại có một thanh niên khác cũng băng qua nước với đôi chân loạng choạng, bước chậm vì sợ lạnh, lại có vẻ sợ hãi.

Vua Trụ ra lệnh đem hai người đến, dùng rìu chặt đứt xương ống chân của hai người rồi đem ra khám nghiệm. Người tùy tùng chặt đứt xương ống chân của ông già và người trẻ rồi cầm lên xem, quả nhiên ông già đầy tủy, người trẻ ít tủy hơn. Vua Trụ vui mừng khôn xiết, hạ lệnh cho tả hữu lôi xác ra ngoài.

(ảnh minh họa Afamily)

Đát Kỷ nói với vua Trụ rằng cô ta có thể đoán đúng nam hay nữ trong tử cung của phụ nữ mang thai. Vua Trụ bèn ra lệnh tìm kiếm phụ nữ có thai, cho mổ bụng từng người lấy thai xem Đát Kỷ đoán có đúng không.

Vua Trụ cũng tin vào lời nói của Đát Kỷ mà bắt những người nam chưa thành thân rồi cắt thận để làm canh, làm cho trăm họ tuyệt tự, tàn nhẫn hiểm ác, gây ra nỗi oan cực lớn từ cổ chí kim. Đến những bách tính vô tội cũng bị bức hại thảm khốc như thế.

Hồ ly tinh: đẹp và tàn độc

Tương truyền, khuôn mặt của Đát Kỷ rất đẹp: “bừng lên như một mảnh ngọc bích đẹp không tì vết, như đóa hoa yêu kiều biết nói, khuôn mặt rạng rỡ ánh bình minh, đôi môi như hai mảnh ngọc bích, thái dương tóc mây xõa xanh biếc, khuôn mặt đỏ nũng nịu, ánh mắt đưa như sóng mùa thu vô cùng tình tứ, giọng hát trăm chiều quyến rũ“.

Tuy nhiên ẩn giấu bên trong đó là tâm hồn của một ác quỷ: xúi vua Trụ chế tạo Bào Lạc để giết hại trung thần can gián; khoét mắt Khương Hoàng hậu, dùng Bào Lạc đốt cháy chết bà; trừng phạt các cung nga một cách tàn độc bằng Sái Bồn; để xây dựng Lộc Đài nên phải thu thập của cải của thiên hạ; vì Tửu Trì, Nhục Lâm mà các quan trong triều mất mạng; mổ sống lấy tim của Hoàng thất Tỷ Can; chặt xương xem tủy; mổ bụng xem giới tính thai nhi…

Nếu nói đến sắc đẹp có thể nói tới Đát Kỷ, nói về độc ác, vẫn có thể dùng hình tượng Đát Kỷ. Sắc dục quả thực bén như dao có thể làm người ta chảy máu, thân bại danh liệt, bại hoại gia phong, phá hủy quốc gia.

Vậy mà ngày nay có người tâm tính thấp kém còn muốn truy cầu hồ ly tinh, đúng là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

Theo: Chánh Kiến

x