5 nguyên nhân gây đột quỵ khi ngủ
Nhận biết sớm các nguyên nhân gây đột quỵ khi ngủ có thể giúp người bệnh phát hiện sớm tình trạng này và chủ động phòng ngừa.
- Phơi bày những bí ẩn của bệnh tim – 7 cách để giảm thiểu nguy cơ
- 7 nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất
- 4 dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo trước cơn đau tim
Đột quỵ là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, nó có thể xảy ra đột ngột, thậm chí khi người bệnh đang ngủ.
Đột quỵ khi ngủ là gì?
Đột quỵ khi ngủ xảy ra khi người bệnh gặp cơn đột quỵ trong lúc đang ngủ. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ rệt khi đi ngủ; nhưng khi thức dậy, có thể xuất hiện các dấu hiệu của đột quỵ. Hiện tượng này còn được gọi là “đột quỵ đánh thức”. Ước tính có khoảng 8-28% số ca đột quỵ xảy ra khi bệnh nhân đang ngủ.
Một thách thức lớn trong việc cấp cứu đột quỵ khi ngủ là khó xác định thời điểm chính xác cơn đột quỵ bắt đầu. Người bị đột quỵ trong giấc ngủ thường không nhận biết “thời điểm vàng” để cấp cứu; từ đó tăng nguy cơ biến chứng hoặc tử vong. Phần lớn bệnh nhân phải đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng như tê liệt, liệt nửa người; ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tâm lý và khả năng lao động.
Nguyên nhân gây đột quỵ khi ngủ
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ khi ngủ. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Tắm đêm trước khi đi ngủ có thể gây thay đổi nhiệt độ đột ngột; co mạch và cản trở lưu thông máu lên não, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Uống rượu bia thường xuyên trước khi ngủ có thể làm tổn thương mạch máu, gây xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông, và tăng huyết áp đột ngột, dẫn đến đột quỵ.
- Thói quen ăn đêm, đặc biệt là thực phẩm nhiều dầu mỡ và nước ngọt có ga, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch và cục máu đông, gây đột quỵ.
- Căng thẳng kéo dài kích thích hệ thần kinh, làm tăng hormone gây huyết áp cao và co mạch máu não, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể gây mất ngủ, mệt mỏi và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Cách phòng ngừa đột quỵ khi ngủ
Phòng ngừa đột quỵ khi ngủ là việc cần thiết và có thể đạt được thông qua các biện pháp duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát yếu tố nguy cơ. Một số biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ. Thường xuyên kiểm tra huyết áp và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu omega-3 như cá. Hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa, không hút thuốc và giảm thiểu rượu bia.
- Quản lý các bệnh lý nền: Kiểm soát đường huyết, cholesterol bằng chế độ ăn và thuốc nếu cần.
- Giảm căng thẳng: Thực hành các phương pháp thư giãn như yoga, thiền để giảm căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc và đúng tư thế: Đảm bảo ngủ 7-8 giờ mỗi đêm, tránh tư thế nằm ngửa nếu có nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Sử dụng gối nâng cao đầu để cơ thể thoải mái.