Thứ Năm , 9 Tháng Năm 2024

Bậc đại trượng phu cần phải có 4 tố chất

29/11/22, 08:23 Văn hóa truyền thống
Bậc đại trượng phu cần phải có 4 tố chất

Đại trượng phu là hình mẫu lý tưởng của đàn ông thời xưa. Đó phải là người có khí phách, chí khí hiên ngang, chính trực, lòng dạ thẳng thắn, trọng nghĩa…

Để miêu tả về đại trượng phu, Mạnh Tử nói: Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo, đắc chí dữ dân do chi, bất đắc chí độc hành kỳ đạo, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị Đại Trượng Phu”.

Nghĩa là: “Sống ở chỗ rộng rãi trong thiên hạ, đứng ở vị trí chân chính trong thiên hạ, đi trên con đường lớn trong thiên hạ, đạt được chí mình thì cùng người người hành đạo, chẳng đạt được chí mình thì riêng mình hành đạo, giàu sang chẳng dâm dật, nghèo hèn chẳng đổi lòng, cường quyền không làm khuất phục. Người như vậy là bậc Đại Trượng Phu”.

Do vậy, một người được gọi là đại trượng phu cần phải có 4 tố chất sau:

1. Chí khí

Một người phụ nữ khi đánh giá đàn ông thì coi trọng nhất thường là tâm cầu tiến. Một người đàn ông nhận xét một người đàn ông khác thì thường hay để ý đến chí hướng của anh ta. “Chí khí” là gồm “khí chất” và “chí hướng” hợp lại mà thành.

Đàn ông cần phải theo đuổi sự nghiệp, đạt được công danh, nhưng dù làm việc gì đi nữa, đàn ông cũng không thể đánh mất đi “chí khí”. Học giả Thân Cư Vân triều đại nhà Thanh từng nói: “Người đàn ông mà không có chí khí thì một việc làm cũng không thành”.

Đại trượng phu là gì; Nam tử hán đại trượng phu; Nam nhi đại trượng phu
Quân tử như ngọc (ảnh: Nguyện Ước)

Lữ Khôn thời nhà Minh cũng nói: “Người có chí khí mạnh mẽ thì có việc gì là không thể làm được?”

Lưu Qua triều đại Nam Tống nói lên sức mạnh của “chí khí”: “Chí khí của người đàn ông có thể khiến cho biển cả được lấp đầy và di dời được núi”.

“Chí” là phương hướng, còn “khí” là động lực của người đàn ông. Một người đàn ông có “chí khí” tức là có phương hướng và động lực, vậy thì lo gì việc không thành công?

2. Hào khí

“Hào khí” là sự hào hùng, hăng hái cuộn trào trong tâm. Người đàn ông có “chí khí” mà không có “hào khí” thì nhân sinh sẽ mất đi một phần hứng thú.

Vậy “hào khí” này đến từ đâu?

Nó đến từ sự tự tin mạnh mẽ, giống như câu: “Ngửa mặt nhìn trời cười lớn, ta sao có thể là kẻ vô dụng?”

Nó đến từ tầm nhìn rộng lớn, cũng như câu: “Không sợ mây che mất tầm nhìn xa của mắt, vì tự thân ta đã ở trên tầng cao nhất rồi!”

Nam nhi đại trượng phu là gì; Những câu nói hay về nam nhi đại trượng phu; Trượng phu là gì
Gặp nguy không loạn, giữ vững khí tiết (ảnh minh họa Sohu)

Nó đến từ một chút “ngông” với đời:  “Dễ đâu cúi đầu gãy lưng phụng quyền quý, khiến ta chẳng được mặt mày tươi!”

Hay nó đến từ ý chí kiên định không gì lay chuyển: “Gió thổi sông Dịch lạnh lùng ghê, tráng sĩ một đi không trở về”.

3. Bản lĩnh

Bản lĩnh của người đàn ông trước hết thể hiện ở chỗ có thể tự mình kiến lập cuộc sống của bản thân; sau đó là chăm sóc người thân, bạn bè và gây dựng sự nghiệp.

Bản lĩnh vững vàng của người đàn ông không phải tự nhiên mà có, nó đến từ sự rèn luyện nội tâm hàng ngày. Một bậc đại trượng phu phải không ngừng tu dưỡng để nâng cao cảnh giới tinh thần của mình. Sức mạnh ở bên trong mới là nguồn sức mạnh bất tận của bậc đại trượng phu.

Một người đàn ông có bản lĩnh thì làm gì cũng thiết thực, không nói chuyện khoa trương, không mong ước xa vời, như trong “Hậu hán thư” có nói: “Một nhà không quét, sao quét được thiên hạ?”. Lý Ngư Triều thời nhà Minh cũng nói: “Đại trượng phu làm việc, mạnh mẽ và vang dội”.

4. Khí tiết

Khí tiết chính là có thể kiên trì chính nghĩa, đứng trước áp lực và dụ dỗ mà không đánh mất chính mình. Trên đường bị áp giải đến Yên Kinh, Văn Thiên Tường đã viết: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Nghĩa là: “Xưa nay hỏi ai mà không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh”. Câu thơ này đã trở thành một áng thơ ca bất hủ nghìn đời.

Trượng phu có chí ngang tàng; Trượng phu và tiểu nhân không thể chung đường;
“Xưa nay hỏi ai mà không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh” (ảnh minh họa Vandieuhay)

Trong “Lễ ký” cũng có nói: “Khi đối diện với tiền tài đừng tùy tiện lấy, khi gặp phải nguy nan đừng tham sống sợ chết mà dễ dàng từ bỏ”. Đây cũng là nói lên khí tiết của bậc đại trượng phu. Giống như khi xưa ẩn sĩ, thi sĩ Đào Uyên Minh từng nói: “Không vì năm đấu gạo mà khom lưng”.

Một người mà đánh mất đi khí tiết thì trở nên vô giá trị. Làm người phải có nhân cách độc lập, có chuẩn tắc đạo đức, có ý chí kiên định, dù trong trường hợp nào cũng không đánh mất phẩm giá của mình.

Bậc đại trượng phu đứng hiên ngang trong trời đất, không sợ hãi, không khuất phục, luôn là hình tượng mà cánh đàn ông mong muốn đạt tới.

Tổng hợp

x