“Họa phúc không có lối, là do con người tự chiêu mời”, có tài mà không có đức thì tai họa thật khôn lường.

Trong văn hóa truyền thống có nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn với nội hàm thâm sâu. Nó giống như một câu đố mà phải tới cuối cùng mới biết được lời giải. Dưới đây là một số những câu chuyện như vậy:

1. Vế đối hóc búa tiết lộ vận mệnh

Kim Thánh Thán, tên thật Kim Vị, là nhà văn, nhà phê bình văn học theo lối ấn tượng của Trung Quốc cuối nhà Minh đầu thời nhà Thanh, được người đời sau mệnh danh là “Vua của thể loại văn bạch thoại Trung Quốc”. Ông là người tài năng với sở thích phê bình văn học. 

Tương truyền vào một lần nọ, ông tới viếng cảnh Báo Quốc tự ở núi Nga Mi. Đêm đó không ngủ được nên ông muốn mượn kinh Phật để bình phẩm. Phương trượng trong chùa ra vế đối yêu cầu ông đối được mới cho mượn. Khi đó là vào nửa đêm, trụ trì ra vế đối rằng: “Bán dạ nhị canh bán” (半夜二更半), tức là: Nửa đêm hai canh rưỡi. Hóc búa ở chỗ nửa đêm cũng là lúc quá canh hai (hai canh rưỡi), và 2 chữ “bán” lặp lại ở đầu và cuối vế. Kim đành chịu phép không đối được, phải đi nghỉ sớm.

Ba năm sau, ông bị phán xử tử trong một vụ án. Trước giờ hành hình nhìn thấy con trai vẻ mặt đau khổ bi thương nên hỏi hôm đó là ngày mấy. Khi được biết đó là ngày rằm Trung Thu, ông liền nghĩ ra vế đối cho câu của Phương trượng năm nào: “Trung thu bát nguyệt trung” (中秋八月中), nghĩa là Trung Thu giữa tháng Tám. Vừa chỉnh cả ý lẫn lời: Trung Thu cũng là giữa tháng Tám.

Không thể tùy tiện bình luận Kinh Phật mà tạo nghiệp
Không thể tùy tiện bình luận Kinh Phật mà tạo nghiệp (ảnh: dnaindia).

Tùy tiện bình luận kinh sách sẽ phải gánh chịu tai họa

Câu chuyện đã nói lên một vấn đề rất rõ ràng. Kim Thánh Thán yêu thích bình luận thư tịch không có gì đáng trách. Tuy nhiên, Kinh Phật là để con người tu luyện thành giác giả, thoát khỏi chốn hồng trần đầy đau khổ. Một người bình thường như Kim Thánh Thán có được uy đức gì mà dám bình luận Pháp mà bậc giác giả để lại sao? Hơn nữa, kể cả những nhà sư, người tu hành cũng không được phép sửa đổi kinh Phật, bởi tầng thứ của họ không thể đạt tới cảnh giới của Phật, nên sẽ không hiểu được hàm nghĩa trong từng lời giảng của Đức Phật. Nếu sửa đổi hoặc bình luận, sẽ gây hiểu lầm ảnh hưởng tới hậu thế sau này và dẫn tới phá hoại Phật Pháp.

Vì vậy Kim Thánh Thán có thể tùy tiện mà bình luận Kinh Phật không? Thực ra trong u minh từ sớm đã có an bài. Có lẽ phương trượng đã nhìn thấy trước vận mệnh của họ Kim nên mới ra vế đối như vậy.

2. Tài và Đức

Giữa Đức và Tài có mối liên hệ khá đặc biệt. Cổ nhân giảng tích Đức, quả thật rất có đạo lý. Tướng quân Lý Quảng đời Hán, trí dũng song toàn, đặc biệt là thiện xạ; không những vậy cũng thương cảm với binh sĩ. Tuy nhiên, ông vẫn mãi chưa được phong thưởng xứng đáng; sau đó vì không cam lòng chịu tủi nhục mà tự sát. Hơn nữa toàn gia đình cũng bị sát hại sau khi cháu trai Lý Lăng đầu hàng Hung Nô.

Đoạn lịch sử có vẻ không công bằng trong “Sử Ký: Lý tướng quân liệt truyện” kỳ thực đã cho thấy đáp án. Lý Quảng từng hỏi thuật sĩ Vương Sóc rằng tại sao vận mệnh của mình không tốt. Vị thuật sĩ hỏi ông có từng làm việc gì phải hối hận không. Lý Quảng nói: “Khi tôi đảm nhiệm Thái thú Lũng Tây, có người Khương tạo phản, tôi đã dẫn dụ họ đầu hàng, có hơn 800 người đã đầu hàng; nhưng lại dùng thủ đoạn gian dối để xử tử họ trong cùng một ngày. Tới nay, đây là việc tôi thấy hối lỗi nhất”. Vương Sóc nói: “Không có tội ác nào lớn hơn việc sát hại người vô tội đã đầu hàng; đây chính là nguyên nhân ông không được phong Hầu”. 

Như vậy có thể thấy, người có tài hoa cũng giống như có một chiếc áo khoác ngoài lộng lẫy, nó có thể bảo vệ vận mệnh bản thân khỏi cái giá lạnh hay không thì còn phụ thuộc vào việc người đó có đức hạnh hay không. 

3. Có tài mà không có đức thì tai họa khôn lường

Trụ Vương đại nghịch vô đạo, làm cột sắt nóng hãm hại trung thần
Trụ Vương đại nghịch vô đạo, làm cột sắt nóng hãm hại trung thần (ảnh twgreatdaily)

Mọi người thường không dễ dàng nhận ra điều này và lầm tưởng rằng tài năng của họ có thể được sử dụng để làm bất cứ điều gì họ muốn. Trụ Vương nhà Thương là người thiên tư thông minh, có tài hùng biện, hành động nhanh nhẹn, năng lực tiếp thu nhanh, sức lực hơn người, có thể tay không đánh nhau với mãnh thú. 

Tuy nhiên ông lại bảo thủ cố chấp, không chịu tiếp nhận lời khuyên của đại thần; che giấu lỗi lầm bản thân, dựa vào một vài tài năng của mình mà khoe khoang trước mặt đại thần; dựa vào uy danh bản thân mà đi khắp nơi tự đề cao mình, cho rằng tất cả mọi người trong thiên hạ đều kém ông. Không những vậy, ông còn bức hại người tài đức, giết hại bách tính, tăng thuế khóa. Ngoài ra ông còn bất kính với Thần Phật, ham mê rượu chè, hoang dâm vô độ, làm ra “Bể rượu rừng thịt”; cuối cùng tự chịu họa diệt vong.

Con người có tiêu chuẩn sinh tồn của con người, khi một người ỷ lại vào tài năng của mình để làm tổn thương người khác thì coi như đã bước một chân vào cửa tử thần, tai họa không sớm thì muộn cũng sẽ ập đến.

Theo Secret China