Từ xưa đến nay, có những gia đình giàu có, quyền lực nhưng con cháu cũng không thể hưởng. Hơn thế nữa, nhiều thiếu gia con nhà giàu còn “phá gia”, làm tiêu tán cả tài sản và thanh danh của gia tộc.

Có thể thấy, tiền tài bất chính rồi cũng mất, chỉ có hành thiện tích đức thì mới để được phúc lộc cho con cháu.

Hai đại thần liêm khiết thời nhà Thanh

Tăng Quốc Phiên, đại thần nổi tiếng triều đại Mãn Thanh, lãnh đạo Tương quân, quyền cao chức trọng, nắm giữ tài chính, nhưng ông lại không lấy một đồng từ trong quân đội. Lâm Tắc Từ phụng mệnh triều đình nhà Thanh dẹp yên thuốc phiện; chỉ cần ông nới lỏng một chút thì sẽ nhẹ nhàng đút túi hàng trăm vạn đồng, nhưng ông đã không làm vậy. Lựa chọn của hai người họ thật là khác so với suy nghĩ của người bình thường.

Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, Nhiếp Vân Đài, cháu ngoại của Tăng Quốc Phiên đảm nhiệm chức hội trưởng thương hội Thượng Hải. Bởi vì ông là con cháu của gia đình danh giá nên ông có nhiều mối quan hệ với các doanh nhân giàu có. Ông đã chứng kiến được sự thăng trầm của một số người và thấy rằng, người ta thời đó kiếm tiền không khó nhưng giữ được tiền tài mới là khó.

Thời bấy giờ, không ít quan chức cấp cao, công danh lẫy lừng, nhưng chỉ trong chớp mắt bốn mươi, năm mươi năm là gia tộc đó suy tàn. Hầu hết nguyên nhân của sự sa sút đó là do con cháu làm ăn không đàng hoàng; sa vào gái gú; phung phí tiền bạc. Mấy thiếu gia con nhà giàu có, không có mấy ai quan tâm đến việc đọc sách hay truy cầu tiến bộ. Vì vậy ông đã viết một cuốn sách tên là “Bảo phú pháp” (Cách bảo vệ tài phú). Trong đó nói về đạo giữ của cải; và cũng liệt kê ra rất nhiều ví dụ để tăng thêm tính thuyết phục.

Thống soái thề không lấy tiền về cho gia đình

Vào cuối thời nhà Thanh, trong số các gia tộc lớn, có một gia đình giàu có; vượt hơn hẳn ông ngoại Tăng Quốc Phiên của ông. Tuy nhiên vào thời Trung Hoa Dân Quốc, một số gia tộc lớn đã suy tàn. Chỉ trong mấy chục năm, của cải truyền đến đời thứ ba là đã tiêu tán hết. Ngược lại, những gia đình nắm trong tay quyền lực lớn mà không kiếm lợi cho bản thân thì sau này lại phát sinh biến hóa lớn.

Trong sách Nhiếp Vấn Đài đã nói rằng, ông ngoại Tăng Quốc Phiên của ông tại vị 20 năm; nếu dựa vào quyền thế để giành lấy tiền tài cho gia tộc thì rất dễ dàng. Tăng Quốc Phiên là thống soái tối cao của Tương quân; có được quyền hành tài chính tuyệt đối. Quân phí mà triều đình cấp cho Tương quân là do ông ký phát. Có người thống kê, từ khi Tương quân thành lập vào năm Hàm Phong thứ 3, cho đến khi kết thúc chiến sự vào năm Đồng Trị thứ 7, Tăng Quốc Phiên đã ký phát quân lương khoảng 35 triệu đồng. Nếu ông có chút lòng tham thì đã dễ dàng tích lũy được tiền triệu.

Nhưng tiền mà Tăng Quốc Phiên gửi về nhà khi thống lĩnh Tương quân còn ít hơn thời mà ông làm quan ở Kinh thành; thậm chí có khi còn không gửi tiền về nhà. Tăng Quốc Phiên từng thề với thuộc cấp của mình rằng: “Không lấy tiền của quân đội gửi về nhà”. Khi đó, hầu hết các tướng lĩnh và thuộc cấp của ông cũng đều rất liêm khiết; vô hình trung đã tạo phúc cho bách tính.

Tăng Quốc Phiên không muốn để nhiều tiền cho con cháu

Tăng Quốc Phiên không lấy tiền quân đội, phúc đức con cháu
Tăng Quốc Phiên cương quyết không lấy tiền từ quân đội; thậm chí còn gửi tiền về nhà ít hơn khi làm quan ở kinh thành (ảnh Sina)

Trong một bức thư gửi về gia đình, ông nói rằng bởi vì đã phát thệ; cũng từng lấy sáu chữ “Không cần tiền, không sợ chết” làm ý chỉ. Ông không thể lừa gạt tâm chí của chính mình. Ngoại trừ nhu cầu cơm áo bình thường, ông sẽ không gửi quá nhiều tiền về nhà. Một lý do khác là ông sợ gia đình mình sẽ trở nên xa hoa. Ông nói trong bức thư rằng: “Tôi không muốn gửi quá nhiều tiền về nhà; chỉ sợ gia đình quá xa hoa; thế hệ sau trở nên kiêu căng; không có tiền thì con cháu cũng không thể ngông cuồng được”.

Ông không ham làm giàu, cũng không muốn tích góp của cải cho con cháu. Ông lo rằng con cháu sẽ nhiễm thói xa xỉ, khó có thể trở thành người tài. Trong bức thư gửi về gia đình ông nói rằng: “Phàm là con cháu trong nhà, cơm áo phải giống như học trò nghèo thì sau này mới có thể thành tài. Nếu như nhiễm thói xa hoa thì khó mà thành công được”.

Ông còn nói: “Người con trai nếu có tài có đức thì không cần dựa vào tài sản do cha để lại cũng có thể tự kiếm cơm ăn; người con trai mà bất tài, có cho nhiều tiền thì sau này cũng làm nhiều việc ác; rồi sẽ làm bại hoại thanh danh gia đình”.  

Con cháu Tăng gia đều hiển đạt

Dưới ảnh hưởng của Tăng Quốc Phiên, con cháu Tăng gia đều tự lực cánh sinh; sau này còn sản sinh ra rất nhiều nhân tài. Có người thống kê, dòng họ Tăng, bắt đầu từ Tăng Quốc Phiên, đã không có một đứa con “phá gia chi tử” nào trong 8 thế hệ kéo dài trong 200 năm. Trong số con cháu của dòng họ Tăng, có gần 200 người đã được học qua cao đẳng, đều là những nhân tài có danh vọng.

Lo cho nước cho dân, không chịu nhận hối lộ

Trong năm Đạo Quang triều đại nhà Thanh, các doanh nhân nước ngoài đã bán một lượng lớn thuốc phiện vào Trung Quốc. Việc này đã phá hủy môi trường sống và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Năm Đạo Quang thứ 18 (năm 1838), triều đình cử Lâm Tắc Từ làm Khâm sai đại thần, đi về Quảng Châu để dẹp yên thuốc phiện.

Khi đó nhiều người đã tìm cách hối lộ ông. Nếu Lâm Tắc Từ muốn phát tài thì có thể có vài triệu lượng bạc một cách dễ dàng. Như vậy thì gia đình ông có thể sống thoải mái mà không phải lo về cơm áo gạo tiền nữa. Nhưng Lâm Tắc Từ là người lo cho nước cho dân; ông biết được thuốc phiện gây hại cho người dân; nên ông cương quyết từ chối tiền hối lộ của các thương nhân. Ông đã thu giữ và tiêu hủy gần 20.000 hộp thuốc phiện.

Qua năm sau, quân đội Anh uy hiếp triều đình nhà Thanh. Triều đình nhà Thanh vì muốn cầu hòa mà đã cách chức Lâm Tắc Từ để điều tra. Ông bị đày đến biên cương và phải chịu 5 năm sống lưu vong.

lâm tắc từ không nhận hối lộ để phúc cho con cháu
Lâm Tắc Từ không nhận tiền hối lộ từ các thương nhân vì lo cho bách tính (ảnh Wiki)

Lâm Tắc Từ giữ vững ý chí của mình

Nhiều người có thể nghĩ, Lâm Tắc Từ làm như vậy để làm gì? Chỉ vì từ chối nhận hối lộ và cấm thuốc phiện mà ông đã bị cách chức và bị đày ra biên giới. Trước khi đi ông đã làm bài thơ “Phó thú đăng hình khẩu chiêm kỳ gia nhân” (trên đường đi đóng quân xuất khẩu thành thơ để giãi bày với người nhà), trong đó có 2 câu viết rằng: “Cẩu lợi quốc gia sinh tử dĩ, khởi nhân họa phúc tị xu chi”. Có nghĩa là chỉ cần có ích cho nước nhà thì dù  phải hy sinh thân mình ông cũng cam lòng; tuyệt đối sẽ không trốn tránh dù cho biết là sẽ gặp phải tai họa.

Về việc này, Nhiếp Vân Đài đã ghi lại rằng, Lâm Tắc Từ sau khi qua đời, Lâm gia không có tiền tích cóp nhưng cũng không bị suy tàn. Con cháu mấy đời của ông sau này có rất nhiều người đã học hành đỗ đạt. Vào thời Trung Hoa Dân Quốc, vẫn là một nhà dòng dõi Nho học. Lâm Tường, viện trưởng tòa án tối cao thời đó chính là con cháu của Lâm Tắc Từ; hơn nữa đạo đức của người này cũng rất cao thượng.

Có thể thấy, Lâm Tắc Từ từ chối phát tài bất hợp pháp, nhưng con cháu của ông lại được hưởng phúc; Lâm gia vẫn được hiển hách cho đến mãi về sau.

Lâm Tắc Từ đã góp công lớn trong cuộc chiến nha phiến
Lâm Tắc Từ đã góp công lớn trong cuộc chiến nha phiến (ảnh Kknews)

Kiếm tiền nhờ quốc nạn, tiền vào cửa trước mà ra cửa sau

Trong sách, Nhiếp Vân Đài cũng ghi lại câu chuyện về 3 doanh nhân giàu có ở Quảng Đông. Họ là Ngũ Thị, Phan Thị và Khổng Thị. 3 nhà này đã lợi dụng chiến tranh thuốc phiện mà phát tài; kiếm lợi hàng chục triệu đồng. Tài sản của 3 gia đình này có thể nói là cả nước không ai sánh bằng. Họ ăn mặc sang trọng, có xe BMW ra vào, cuộc sống ngập trong nhung lụa. 

Vào thời điểm đó, hầu hết các bức tranh thư pháp cổ nổi tiếng đều được đóng dấu Ngũ Thị, Phan Thị hoặc Khổng Thị; cho thấy những bức tranh quý giá này đã được sưu tập bởi 3 nhà trên. Nhưng vài chục năm sau, trong số con cháu của 3 nhà này, không có một ai thành tài; tất cả đều dần dần suy bại. 

Trong “Lễ ký . Đại học” có nói rằng: “Hóa bội nhi nhập giả, diệc bội nhi xuất”. Đại ý là một người nếu dùng thủ đoạn bất chính mà có được tiền tài; vậy thì người đó cũng theo những cách không hợp với lẽ thường mà mất đi nó.

So sánh Lâm Tắc Từ và 3 doanh nhân ở Quảng Đông. 3 Doanh nhân này phải chăng là rất có đầu óc kinh doanh nên đã làm ăn phát đạt? Còn Lâm Tắc Từ lại rất “ngốc”, không biết lợi dụng cơ hội mà phát tài. Nhưng chỉ vài chục năm trôi qua, nhìn lại con cháu của họ thì đã cách biệt một trời một vực.

Tiền tài tích cóp con cháu cũng không thể hưởng

hành thiện tích đức để phúc cho con cháu
Hành thiện tích đức để phúc cho con cháu (ảnh blueislandpress)

Vào thời điểm đó, có một doanh nhân giàu có họ Trần ở Thượng Hải; có thể nói Trần gia là ‘ông vua’ đầu tư đất đai. Tài sản của Trần gia phải đến 40 triệu đồng. Hai người con trai của ông, mỗi người được chia 20 triệu đồng. 

Năm 1925, Nhiếp Vân Đài đến Trần gia làm khách; nhìn thấy ngôi nhà của Trần gia rất sang trọng. Tường bốn bên đều được trang trí bằng pha lê; trưng bày những đỉnh đồng cổ đại; đều là những đồ cổ có lịch sử hơn ba nghìn năm.

Vào thời điểm đó, gần một nửa số đồ đồng nổi tiếng ở Trung Quốc là của Trần gia. Tuy nhiên, chỉ 7 năm sau, giá đất ở Thượng Hải đột ngột tụt giá thê thảm. Trần gia đầu cơ thất bại dẫn đến phá sản. Hầu như toàn bộ tài sản của gia đình đã bị ngân hàng tịch thu.

Có thể thấy, hành thiện tích đức mới có thể để lại phúc lộc cho con cháu; đây mới gọi là biết tính toán lâu dài cho thế hệ sau. Con cháu có tài mà lại sở hữu quá nhiều của cải cũng dễ bị xa đọa; không có chí tiến thủ; rồi tiền tài ông cha để lại cũng sớm không cánh mà bay.

Theo Bannedbook