Làm sao để trẻ không học phải những thứ xấu?
“Học điều tốt ba năm chưa đủ, học điều xấu một ngày đã nhiều”, nhiều bậc phụ huynh cũng lo lắng con của mình sẽ học phải những thứ xấu khi lớn lên.
- Khang Hy đại đế dùng “tâm pháp” dạy con như thế nào?
- Phương pháp giáo dục con của người xưa: Dùng ‘Đức’ dạy con
Người xưa làm cách nào để tránh cho con trẻ khỏi mắc phải những thói hư tật xấu? Trong “Khổng Tử gia ngữ” có viết: “Ở cùng người lương thiện, cũng như vào phòng đầy hoa lan, lâu ngày không ngửi thấy mùi hương của nó nữa, vì [phẩm cách và đức hạnh] đã cùng nó thay đổi [trở nên cao thượng] rồi. Kết giao với người bất thiện, cũng như vào cửa hàng cá ướp muối, lâu ngày sẽ không ngửi thấy mùi tanh của nó nữa, vì đã cùng nó thay đổi [trở nên xấu xa] rồi.”
Đừng để trẻ hình thành thói quen từ những thứ xấu
Hoàn cảnh có ảnh hưởng rất lớn đến con người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ; môi trường mà trẻ kết bạn và sinh sống sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến phẩm đức của trẻ. Bởi vì trẻ nhỏ có năng lực bắt chước rất lớn, giống như một tờ giấy trắng, chưa hình thành quan niệm đạo đức thiện ác thị phi, tiếp xúc với người nào là tự nhiên sẽ bắt chước theo lời nói và cử chỉ của người đó. Một khi đã hình thành thói quen thì sẽ rất khó sửa lại. Cũng chính là câu mà người ta hay nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Vậy nên người xưa rất coi trọng giáo dục trẻ nhỏ, lựa chọn cho trẻ thầy tốt bạn hiền, tìm nơi ở có dân tình nhân hậu, đây chính là phương pháp giáo dục trẻ em sáng suốt nhất.
Tuy nhiên hoàn cảnh tốt cũng không phải là hoàn cảnh giàu có, mà là hoàn cảnh có đạo đức tốt.
Đào Uyên Minh thời Tấn đã viết trong bài thơ “Di cư” rằng: “Tích dục cư nam thôn, phi vi bặc kỳ trạch. Văn đa tố tâm nhân, lạc dữ sổ triêu tịch” (dịch nghĩa: Xưa muốn ở Nam Thôn, cũng không phải do bói toán lựa chỗ ở tốt. Bởi nghe nói ở đó có nhiều người thiện lương, có thể vui vẻ cùng họ sớm chiều). Có thể thấy, người có học thời xưa rất chú trọng lựa chọn môi trường sống.
Khổng Tử nói: “Lý nhân vi mỹ. Trạch bất xử nhân, yên đắc tri?” Ý tứ là, quê hương nơi mình ở có phong tục nhân hậu, đây là chuyện rất tốt. Lựa chọn chỗ ở mà không chọn ở chỗ có dân tình nhân hậu, như thế thì sao gọi là sáng suốt được?
Chính là cái mà người ta gọi là “nghe quen tai, nhìn quen mắt”, trẻ không thể phân biệt được thiện ác, dễ dàng bị ảnh hưởng. Vì vậy lựa chọn môi trường sống là rất trọng yếu. Một khi trẻ đã có được nền tảng tốt, hiểu được thiện ác thị phi, sau khi lớn lên, chúng tự nhiên sẽ đối diện được với sự phức tạp của lòng người và xã hội, sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ không tốt. Lúc này trẻ có thể đưa ra phán đoán chính xác, biết được cái gì nên học theo, cái gì không.
Trước đây, mẹ của Mạnh Tử chuyển nhà 3 lần cũng là vì muốn Mạnh Tử có một môi trường sống thật tốt. Mạnh gia vốn sống gần nghĩa địa, Mạnh Tử thường chơi trò xây mộ và cúng tế cùng các bạn của mình, Mạnh mẫu cho rằng như thế không tốt, liền chuyển nhà.
Nhưng bên cạnh nhà mới lại là một cái lò mổ, Mạnh Tử rất giỏi bắt chước, ông lại theo người đồ tể học cách giết heo và bán thịt. Mạnh Mẫu cảm thấy như vậy cũng không ổn, nên lại chuyển nhà. Cuối cùng chuyển đến bên cạnh Thái miếu, Mạnh Tử liền học theo lễ nghi của các quan văn ra vào thái miếu, Mạnh mẫu thấy vậy thì rất vui mừng, lúc này mới an tâm ở lại đây.
Xã hội ngày nay phức tạp hơn xưa rất nhiều, không chỉ cuộc sống thực mà còn có cả không gian ảo, các bậc phụ huynh phải đặc biệt chú ý đến những thứ mà con trẻ xem ở trên internet; tác hại của những thứ độc hại ở trên internet thì báo chí cũng đã nói đến rất nhiều, nhưng dường như nhiều người vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, đôi khi đó là nguyên nhân chính khiến trẻ hư và khó dạy bảo.
Theo Vision Times