Người quân tử quý thời gian như vàng ngọc
Thời gian trong ngày của mỗi người đều như nhau, nhưng việc sử dụng nó như thế nào sẽ tạo thành những con người khác nhau. Người quân tử lại càng quý tiếc thời gian, không bao giờ dám lơ là, phóng túng bản thân.
- Bậc quân tử như hoa mai đỏ trong tuyết lạnh, như tùng bách xanh tốt quanh năm
- Bạn có là người quân tử không? 8 phẩm chất của người quân tử
Nội dung chính
Từ nhỏ chăm chỉ học hành
Lưu Thứ, nhà sử học thời Bắc Tống, là người có chí khí cao thượng, cả đời chăm chỉ học hành, tu dưỡng bản thân. Ông quý thời gian như vàng ngọc, mỗi ngày đều sắp xếp thời gian làm việc thật hợp lý để không lãng phí.
Lưu Thứ từ nhỏ đã học tập kinh thư của Nho gia. Mỗi ngày đều đọc sách và ghi nhớ trong lòng, thường hay quên ăn quên ngủ để đọc sách. Khi lên 8 tuổi, trong nhà có một vị khách bảo rằng Khổng Tử không có huynh đệ. Lưu Thứ lập tức nói ngay một câu trong “Luận Ngữ” là “Khổng Tử dĩ kỳ huynh chi tử thê chi” (Khổng Tử đem con gái của anh mình gả cho [ông Nam Dung]) để đối lại. Cả nhà nghe vậy đều kinh ngạc.
Bạn bè cậu có gì thắc mắc mà hỏi thì không có câu nào cậu không trả lời được. Cậu bảo bạn bè rằng, kỳ thực mọi câu trả lời đều có trong sách cả rồi, chỉ cần đọc sách cho nhiều thì đều có thể biết được.
Vào năm 18 tuổi, Lưu Thứ thi đậu tiến sĩ. Tể tướng Yến Thù thấy ông tinh thông “Xuân thu” và “Lễ ký”, đối đáp rành rọt trôi chảy đâu ra đấy, bèn mời ông đến Quốc Tử Giám để giảng Kinh thư. Yến Thù thậm chí tự mình dẫn quan viên cùng đến nghe Lưu Thứ giảng. Đạo đức cao thượng và hiểu biết uyên thâm của Lưu Thứ đã thuyết phục mọi người, khiến ai nấy đều tự nhiên khởi ý muốn học tập Kinh thư.
Người quân tử quý thời gian như vàng ngọc
Một lần, Lưu Thứ biết được có một học giả tên là Tống Thứ Đạo làm quan ở Bạc Châu, trong nhà có rất nhiều kinh thư. Vì vậy ông không quản đường sá xa xôi đi đến đó để mượn sách. Tống Thứ Đạo thấy Lưu Thứ từ xa đi đến nên mời ở lại nhà và mở tiệc để khoản đãi. Lưu Thứ từ chối mà nói rằng: “Ngài hẳn cũng biết rồi. Tôi tìm đến đây không phải để hưởng thụ sơn hào hải vị, mong ngài hủy lệnh mở tiệc cho. Tôi vì ái mộ danh tiếng của ngài nên đến đây để mượn sách”.
Sau đó Tống Thứ Đạo dẫn Lưu Thứ vào Tàng Thư Lâu. Lưu Thứ cả ngày lẫn đêm ở tại nơi này, miệng đọc tay chép. Cứ như vậy đến 10 ngày, cho đến khi ông đọc xong và sao chép lại toàn bộ những kinh thư mà ông muốn.
Tống Thứ Đạo cảm thán nói: “Ngài có tinh thần chịu khổ nhọc như vậy thật khiến cho người ta khâm phục!” Lưu Thứ cười nói: “Nào có khổ gì đâu! Mỗi lần đọc sách là mỗi lần được sáng tỏ. Tôi cảm thấy có niềm vui sướng vô cùng tận ở trong đó!”
Tinh thông sử sách
Thời ấy những người làm việc chép sử không qua khoa cử, học giả nhiều người ít đọc. Chỉ có Lưu Thứ học thức uyên bác, tinh thông cách viết sử, phân tích thấu triệt. Các sự kiện lịch sử từ cổ chí kim, từ lớn tới nhỏ, ông đều biết rõ như lòng bàn tay.
Tư Mã Quang khi muốn tu sửa bộ “Tư trị thông giám” thì người đầu tiên tuyển mộ chính là Lưu Thứ. Một lần, Lưu Thứ đi cùng nhóm của Tư Mã Quang du lịch đến núi Vạn An. Mọi người đi vào một đường núi mà hai bên có những bia đá cổ, trên đó có những danh từ liên quan đến thời Ngũ Đại. Mọi người đều không biết lai lịch của chúng ra sao. Chỉ có Lưu Thứ có thể nói rành mạch về sự ra đời của chúng. Lúc trở về, nhiều người tra cứu lại kinh sách thì thấy đúng y như lời Lưu Thứ đã nói.
Lưu Thứ là một vị quan thanh liêm chính trực, mọi việc đều là “đúng thì nói là đúng, sai thì bảo rằng sai”. Ông đề xướng hoằng dương đạo lý Nghiêu Thuấn, thực hành những điều chính nhân quân tử. Làm việc gì đều giảng hợp dân ý, thuận dân tâm, được dân chúng hết sức kính trọng và yêu mến.
Ông đối với bản thân vô cùng nghiêm khắc. Mỗi ngày ngoài thời gian ngủ thì ông dành hết thời gian cho việc đọc sách và làm những việc có ý nghĩa. Dù là trong hoàn cảnh nào, ông mỗi ngày đều kiên trì đọc sách, mười năm không thiếu ngày nào.
Người quân tử xưa nay đều trân quý thời gian
Ông từng viết một cuốn sách để tự kiểm điểm mình có “20 điều sai trái” và “18 điều thiếu sót”. Ông tự phản tỉnh chính bản thân mình và từ đó tu sửa. Sự chân thật và dũng khí của ông khiến người khác vô cùng kính phục.
Có câu “Thánh nhân bất quý xích chi bích, nhi trọng thốn chi âm”, nghĩa là: Thánh nhân không coi trọng một miếng ngọc bích dài một xích (hơn 33cm), mà coi trọng cái bóng mặt trời dài một thốn (hơn 3cm; bóng mặt trời hàm ý là chỉ thời gian). Người quân tử xưa nay cũng đều quý thời gian như vàng ngọc.
Khổng Tử từng đứng trước dòng sông mà cảm thán: “Thời gian trôi qua như thế này đây, ngày đêm không ngừng nghỉ”. Ông nói: “Học mà không theo kịp, chỉ sợ đánh mất nó”; “làm người là như vậy, gắng sức đến quên ăn, mừng rỡ quên cả ưu sầu, khi tuổi già đến cũng không hay biết”.
Cái đáng quý của người quân tử là có thể giữ vững ý chí của mình từ đầu đến cuối. Không phải chỉ là một chút nhiệt huyết ban đầu rồi để đó; việc học tập là tích tiểu thành đại, duy trì thường hằng thì mới có thể thành công.
Theo Minh Huệ