Nguồn gốc của câu “giao dịch công bằng”
Trong quá khứ, trên quả cân của người làm ăn buôn bán đều có đúc 4 chữ “giao dịch công bằng”. Nói về nguồn gốc của nó thì cũng có một câu chuyện thú vị.
- Người xưa kinh doanh công bằng, không kiếm lợi bất chính
- Luật nhân quả báo ứng công bằng: Vàng bạc tự tìm về chủ cũ
“Giao Dịch Công Bằng, đâu đã vào đấy”
Tương truyền, từ rất lâu về trước, có một tiểu thương tên là Công Bằng, là người trung thực, hiền lành, mua bán công bằng, không lừa dối ai. Có một ngày, Công Bằng làm xong việc, dọn dẹp quầy và trở về nhà. Vừa bước đến cửa nhà thì vấp phải một vật gì đó dưới chân; nhìn kĩ lại thì thấy đó là một thỏi bạc trắng như tuyết; nó lộ ra một nửa trên mặt đất, sáng lấp lánh. Anh lấy xẻng đào thỏi bạc ra, rồi lấy cân để cân thử, ước chừng cũng khoảng 10 lượng. Trên thỏi bạc có khắc 8 chữ “Giao Dịch Công Bằng, đâu đã vào đấy”.
Công Bằng nghĩ: “Số bạc này là ông Trời ban cho mình và một người tên Giao Dịch, mình không thể độc chiếm được”. Nghĩ vậy nên anh quyết định đi ra ngoài, vừa kinh doanh buôn bán, vừa tìm người tên Giao Dịch.
Ngày hôm sau, Công Bằng đi qua các con phố, vừa tìm người vừa vất vả rao bán hàng dọc đường. Mấy tháng sau, bởi vì anh buôn bán nhỏ, chỉ đủ bán và ăn qua ngày, chẳng mấy chốc anh không còn một xu dính túi, chỉ còn lại mỗi thỏi bạc kia; nhưng vẫn không tìm ra tung tích của Giao Dịch. Dọc đường, anh thà co mình dưới mái hiên ngủ qua đêm, chứ nhất định không dùng thỏi bạc kia. Thời tiết ngày càng lạnh, nhưng đói rét cũng không làm dao động quyết tâm tìm Giao Dịch của anh.
Quyết tâm chia đều thỏi bạc
Anh vừa đi vừa tìm, tối hôm đó anh đến một thị trấn nhỏ; anh quả thực là không chịu được nữa, nên gục xuống trước một tiệm cơm, miệng còn không ngừng gọi: “Giao Dịch huynh ở nơi nào? Giao Dịch huynh ở đâu?” Chủ tiệm cơm này tên là Giao Dịch, tiểu nhị nghe thấy ngoài cửa có người gọi tên ông chủ nên vội chạy ra xem; đến nơi thì thấy một người quần áo lam lũ đang ngủ trước cửa, liền vội vàng chạy vào nói với ông chủ.
Giao Dịch biết tin thì vội chạy ra dìu Công Bằng vào trong tiệm. Một mặt sai người làm đun nước pha trà, một mặt hỏi Công Bằng nguyên do. Khi Giao Dịch biết Công Bằng từ xa đến tìm mình để chia đều số bạc thì rất cảm động, anh nói: “Chỉ là một thỏi bạc, cần gì phải như vậy. Anh cứ lấy đi có phải là xong rồi không? Huống hồ đây lại là nhặt được!”
Công Bằng nói: “Trên thỏi bạc viết rất rõ ràng, tôi sao có thể độc chiếm một mình được?” Giao Dịch thấy Công Bằng nhân nghĩa như vậy thì rất quý trọng, xúc động mà nói: “Cuộc sống của tôi cũng không có khó khăn gì, một nửa thỏi bạc kia xin nhường cho anh!” Công Bằng không hiểu nên hỏi: “Anh là ai?” Giao Dịch nói: “Tôi chính là Giao Dịch, người mà anh đã tìm kiếm bấy lâu nay”.
Chỉ cần thiện lương, ‘đâu đã vào đấy’
“Ôi! Tạ ơn trời, cuối cùng cũng tìm được anh!” Công Bằng lập tức muốn dùng dao chia đôi thỏi bạc. Giao Dịch xin nhường mà Công Bằng không chịu; vì vậy đành gọi tiểu nhị mang đến một cái dao chẻ củi.
Công Bằng đặt thỏi bạc trên một khối đá ở ngoài sân, lấy dao chém tới; một nửa thỏi bạc rơi vào trong khe đá. Công Bằng lấy tay mò vào trong; đá cứa vào tay chảy cả máu mà vẫn không lấy được miếng bạc ra. Giao Dịch thấy nửa thỏi bạc rơi trong khe đá có hai chữ “Giao Dịch”, nên vội nói: “Anh xem, không cần lấy ra nữa, một nửa của anh ở đây rồi”. Công Bằng đáp: “Đâu có được, anh không có được thì tôi cũng không thể lấy một mình”.
Giao Dịch thấy Công Bằng xác thực là “công bằng”, liền mang tới một cây sắt, hai người cùng thử cạy ra. Khối đá được nạy ra, dưới đất xuất hiện 9 vại 18 bình vàng bạc, trên đó đều có 8 chữ: “Giao Dịch Công Bằng, đâu đã vào đấy”.
Sự việc này nhanh chóng lan rộng trong thị trấn; người ta không nói về vận may của họ mà nói về phẩm đức cao quý của hai người Giao Dịch và Công Bằng. Về sau, người làm ăn buôn bán vì để tưởng nhớ Giao Dịch và Công Bằng, học tập tinh thần thành thực của họ, vì vậy đã khắc tên của họ ở trên quả cân.
“Giao dịch công bằng” cũng đã trở thành cán cân lương tâm cho những người kinh doanh buôn bán.
Theo Chánh Kiến
Xem thêm video: