Niệm xấu xuất ra liền tạo nghiệp, tâm sinh thiện niệm giải oán xưa
Người xưa có câu: “Người vừa sinh một niệm, trời đất đã tỏ tường. Thiện ác nếu không báo, ông trời ắt vị tư”. Con người ở trong mê, tâm sinh ra niệm xấu cũng xem như không có gì đáng kể, nhưng thực ra là đã tạo nghiệp.
- Trời ban phúc cho người hành thiện, câu chuyện của một thương nhân
- Một niệm ác quỷ dữ đi theo, một niệm thiện phúc thần bảo hộ
Nội dung chính
Suy nghĩ theo vọng tưởng liền tạo nghiệp
Người có suy nghĩ không đúng đắn, nếu đức lớn thì có thể dùng thân lãnh chịu, để chứng tỏ mắt Thần khó che giấu, từng ly từng tí cũng phải hoàn trả. Người có niệm xấu mà đức mỏng thì tiền đồ bị hủy hết, để cho thấy ông Trời không vị tư, quả báo không sai lệch.
Chuyện kể rằng, ở Trường Châu có một thư sinh. Hôm đó đến nhà bạn làm thơ phú, viết một bài có tiêu đề “trí giả nhạo thủy” (bậc trí giả yêu thích nước). Viết xong tự thấy văn vẻ bay bổng và cũng được các bạn ca ngợi không ngớt.
Mọi người vui vẻ uống rượu, đến tối hơi say rồi thì chàng thư sinh mới trở về nhà. Lúc này trong lòng vọng tưởng: “Nếu mình đỗ khoa cử thì sẽ lấy cô bé A Canh nhà hàng xóm làm thiếp. Mình sẽ làm một phòng riêng cho A Canh. Rồi mua y phục trang sức hoa lệ kiều diễm cho cô ấy”. Vừa nằm bên vợ vừa trằn trọc suy nghĩ viển vông như vậy cho đến canh ba cũng không ngủ được.
Báo ứng suýt nữa thì mất mạng
Ở địa phương có một người chuyên giúp người khác sao chép thư tịch. Đêm đó nguyên thần (linh hồn) của người này được Thần thổ địa đem đi viết sổ sách. Thấy trên sổ có viết tên của vị thư sinh kia, trên có bút đỏ phê rằng: “Suy nghĩ theo vọng tưởng, nhưng cảnh thực sự là do người. Vì hắn vọng tưởng nên vào ngày 17 tháng Giêng chịu quả báo đói rét một ngày ở trạm dịch Tùng Lăng”. Người sao chép sau khi tỉnh dậy thì viết những điều mình thấy lên tường.
Hôm sau người sao chép đến bái kiến vị thư sinh. Lúc đó thư sinh đang thay y phục, chuẩn bị giày dép để đến nhà ngoại theo lời mời đi du ngoạn cảnh núi Mai Tây.
Kết quả thuyền đi qua cầu Tân Kiều thì đâm vào thuyền của sứ giả tuần giang, tất cả đều bị bắt. Chàng thư sinh do có thân phận thư sinh nên không bị trói, nhưng bị bắt ngồi im ở đầu thuyền. Thư sinh cùng với mọi người trên thuyền bị dẫn đến dịch quán Ngô Giang rồi mới được phóng thích. Thư sinh bị đói rét suýt nữa thì chết.
Chưa đỗ công danh đã muốn bỏ vợ thuở hàn vi
Chàng thư sinh bị quả báo như vậy thì vẫn còn may mắn. Như câu chuyện về một người trẻ tuổi họ Lý quê ở Phúc Kiến thì lại càng khiến người ta kinh sợ. Học trò Lý vốn giỏi làm thơ và viết văn. Trên đường đi thi khoa cử thì có dừng lại tá túc tại một quá trọ ở Cừ Châu.
Chủ quán trọ đối xử với học trò Lý rất thân thiện, tiếp đãi đặc biệt nhiệt tình. Học trò Lý cảm thấy khó hiểu nên mới hỏi nguyên do. Chủ quán nói: “Đêm qua tôi nằm mơ gặp Thần thổ địa nói với tôi rằng: ‘Ngày mai có một tú tài họ Lý đến đây. Anh ta sẽ đỗ đầu khoa cử, cần đối xử tốt với anh ta’”.
Học trò Lý nghe vậy thì vui mừng ra mặt. Đêm ngủ còn suy nghĩ miên man là sẽ đỗ đạt và làm quan như thế nào. Khi nghĩ đến người vợ ở nhà thì sinh ra một niệm: “Vợ đó là mình lấy khi nghèo. Sau này làm quan thì không xứng với mình nữa, nên bỏ vợ rồi cưới người khác”.
Tưởng suy nghĩ không ai biết nhưng đã tạo nghiệp rất lớn
Hôm sau học trò Lý lên đường đi thi. Đêm hôm đó chủ quán lại được Thần thổ địa báo mộng: “Người học trò này tâm địa bất thiện. Chưa thi đỗ công danh mà đã nghĩ đến việc bỏ vợ rồi. Lần này thi sẽ bị trượt”.
Sau đó học trò Lý quả nhiên thi trượt, buồn bã trở về. Anh lại đến tá túc ở quán trọ lần trước. Chủ quán kể lại giấc mơ hôm trước gặp Thần thổ địa. Học trò Lý nghe xong vô cùng kinh ngạc, không ngờ suy nghĩ thầm kín của mình đã bị người khác nhìn thấy. Lúc này vừa xấu hổ, vừa hận bản thân mà rời đi.
Tạo nghiệp thì phải hoàn trả
Trái lại, con người vào lúc then chốt, nếu trong tâm sinh thiện niệm thì có thể giải trừ được khổ nạn và cải biến vận mệnh. Chuyện kể rằng, vào thời nhà Thanh có một hòa thượng tu hành trong đền Quan Đế. Hòa thượng tâm địa lương thiện, tu luyện tinh tấn. Nhưng lúc đó ở địa phương đang có nạn cướp hoành hành rất dữ dội.
Vào một buổi tối nọ, hòa thượng mơ thấy một vị Thần nói với ông: “Ngày mai là ngày chết của ông. Có một tên cướp cưỡi ngựa trắng tên là Chu Nhị. Anh ta và ông có oán trong quá khứ chưa trả. Ông có lẩn trốn cũng vô ích”.
Trong mộng, hòa thượng cầu khẩn: “Xin Thần tiên thương con đời này thường làm việc thiện, xin hãy cứu giúp con”. Vị Thần nói: “Ta không thể cứu ông được. Chỉ có ông mới cứu được chính mình mà thôi”.
Hôm sau, quả nhiên có tên cướp cưỡi ngựa trắng đi vào trong núi. Tên cướp túm lấy hòa thượng rồi hỏi nơi có tiền tài và phụ nữ ẩn náu, và bắt ông phải dẫn đường cho hắn ta. Hòa thượng lúc này thầm nghĩ trong tâm: “Hôm nay là ngày hết mệnh của ta. Nếu lại còn giúp tên cướp lấy tiền và hãm hại phụ nữ thì chẳng phải tội nghiệp càng nặng thêm hay sao”.
Tâm sinh thiện niệm giải oán xưa
Vì vậy hòa thượng nói lớn với tên cướp: “Tôi không dẫn đường cho ông. Ông chẳng phải là Chu Nhị đó sao? Tôi vì oán xưa nên bị ông giết. Ông cứ giết tôi là được rồi”.
Tên cướp kinh ngạc nói: “Sao ông lại biết tên tôi? Ông nhất định là một vị cao tăng đắc đạo”.
Hòa thượng kể lại giấc mộng gặp Thần cho hắn nghe, tên cướp liền vứt đao đi và nói rằng: “Oan oan tương báo biết đến bao giờ mới hết? Thần nói không cứu ông, do đó điều thực sự cứu ông chính là ông đã không làm dẫn đường cho tôi. Chính ông đã tự cứu lấy mình. Tôi với ông bây giờ giải trừ tất cả ân oán trong lịch sử, thế thì còn có gì không thể nữa đây?”
Tên cướp nói xong thì quỳ xuống lễ bái trước tượng Thần rồi xuống núi rời đi.
Thế mới thấy rõ, “Trên đầu ba thước có Thần linh”, từng ý từng niệm đều không thể qua được mắt Thần. Là thành hay bại, là phúc hay họa, đôi khi chỉ do sai khác một niệm mà ra.
Tài liệu tham khảo: “Đức dục cổ giám” của Sử Ngọc Hàm đời Thanh
Theo Minh Huệ