Người quân tử tấm lòng quảng đại, không ghi nhớ hận thù, lấy đức báo oán, nhờ vậy mà thu phục được nhân tâm, lưu danh hậu thế.

Người xưa thường nói, “lấy đức báo oán”, có nghĩa là lấy đức độ mà đối xử với kẻ xấu. Không khó để tìm thấy những tấm gương đạo đức cao thượng như vậy trong lịch sử. Ví như, anh em Đỗ Sở Khách và Đỗ Như Hối thời nhà Đường đã dùng đức để báo oán và giải cứu “kẻ thù”; hay như Vương Hữu thời Bắc Tống, có thể chịu đựng được những điều người khác không thể chịu đựng được và làm những việc mà người khác không thể làm được. Họ đã lưu lại tấm gương đạo đức cao thượng, khiến người đời sau ngưỡng mộ. 

Người quân tử lấy đức báo oán

Đỗ Sở Khách là người ở Đỗ Lăng (nay là phía đông nam huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây) thời nhà Đường. Ông là em trai của Đỗ Như Hối, một vị tể tướng nổi tiếng của nhà Đường. Khi ở tuổi thiếu niên, Đỗ Sở Khách đã thể hiện sự tôn trọng tiết tháo một cách kỳ lạ. Càng lớn, ông càng bộc lộ tài năng xuất chúng và dần trở nên nổi tiếng.

Khi Vương Thế Sung tự xưng là Trịnh Đế và chiến đấu với Lý Thế Dân (sau này là Hoàng đế Đường Thái Tông) ở Lạc Dương, Đỗ Sở Khách và chú là Đỗ Yêm đã bị Vương Thế Sung bắt giữ. Bởi vì Đỗ Yêm từng có mâu thuẫn với Đỗ Như Hối nên đã vu khống anh trai của Đỗ Như Hối trước mặt Vương Thế Sung, dẫn đến cái chết của người anh trai, đồng thời giam giữ Đỗ Sở Khách và không cho ăn, khiến ông suýt chết đói. 

Quân tử nhân từ lấy đức báo oán
Mặc dù có oán với chú, nhưng người em vẫn cố gắng thuyết phục anh trai cứu giúp ông (ảnh minh họa Pinterest)

Tuy nhiên, khi thế lực của Vương Thế Sung đã được dẹp yên, Đỗ Sở Khách đã nhờ Đỗ Như Hối cố gắng giải cứu Đỗ Yêm. Đỗ Như Hối trong lòng oán hận Đỗ Yêm vì đã giết anh trai của mình. Nhưng Đỗ Sở Khách vẫn kiên trì thuyết phục, nhấn mạnh rằng sự hận thù trong gia đình sẽ chỉ gây đau khổ.

Đỗ Sở Khách nói:“Chú đã từng giết hại anh em của chúng ta. Nếu anh cả bây giờ từ bỏ chú và không muốn cứu giúp, vậy thì Đỗ gia của chúng ta sẽ đầy bi kịch, anh em tương tàn. Đây chẳng phải là điều vô cùng đau khổ sao?” Những lời này đã chạm đến trái tim của Như Hối, anh trai đã cảm nhận được sự thuần chân, lương thiện của Sở Khách. Vì vậy, Đỗ Như Hối đã đến gặp Đường Thái Tông và thỉnh cầu khoan dung cho tội ác của Đỗ Yêm, nhờ vậy mà Đỗ Yêm đã thoát khỏi tội chết.

Vào năm Trinh Quán thời Đường Thái Tông, Đỗ Sở Khách giữ chức Thứ sử Bồ Châu, ông nổi tiếng vì tài năng xuất chúng. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng sử của Ngụy Vương phủ và được thăng chức làm Công bộ thượng thư, chịu trách nhiệm xử lý các công việc chính vụ của Vương phủ. Ông nổi tiếng vì nghiêm khắc chính trực và công chính vô tư. 

Cách cư xử của Đỗ Sở Khách thể hiện phẩm chất đạo đức cao thượng, ông khoan dung cho kẻ thù của mình, dùng tấm lòng nhân ái để đối đãi và cứu mạng họ.

Chí công vô tư, không vì tư lợi mà thay đổi

Vương Hữu, tự Cảnh Thúc, là người ở huyện Tân (nay là huyện Tân, thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông), đại thần thời Bắc Tống. Ông nổi tiếng với học vấn uyên bác và tài năng văn chương.

Những năm đầu thời nhà Tống, ông làm tri huyện Lộ Châu, sau được thăng làm Thượng thư Binh bộ thị Lang, trở thành một trong những danh thần trong triều đình. Ông cả đời thủ vững tiết tháo cao thượng, không bị lợi ích cám dỗ, không khuất phục trước quyền lực, nổi tiếng là người đức hạnh, được mọi người thời bấy giờ đánh giá cao. 

lấy đức báo oán; quân tử độ lượng lấy đức báo oán
Người quân tử chí công vô tư, không vì tư lợi mà thay đổi (ảnh minh họa Vandieuhay)

Vào thời Ngũ Đại, Vương Hữu từng thẳng thắn khuyên Đỗ Trọng Uy không nên nổi dậy chống lại Lưu Hán (quốc gia do Lưu Tri Viễn lập nên). Khi đảm nhiệm chức quan vào thời Tống, ông cũng kiên quyết chống lại âm mưu của vị đại thần quyền lực Lô Đa Tốn nhằm hãm hại Tể tướng Triệu Phổ. 

Khi đó, Tiết độ sứ Phù Ngạn Khanh trấn giữ huyện Đại Danh và không có thành tích công lao gì. Tống Thái Tổ nghi ngờ Phù Ngạn Khanh có liên quan đến các hoạt động phi pháp, nên đã cử Vương Hữu đến thay thế cho chức vụ của Phù Ngạn Khanh ở Đại Danh, lấy việc này để giám sát hành động của Phù Ngạn Khanh. Thái Tổ nói với Vương Hữu: “Nếu ngươi có thể phát hiện ra Phù Ngạn Khanh có tội, ta sẽ cất nhắc cho ngươi lên chức quan giống như Tể tướng Vương Phổ.” 

Vương Hữu đến đất Ngụy và phát hiện ra rằng 2 đứa con của Phù Ngạn Khanh đang lạm dụng quyền lực ở đó. Ông đã thu thập tội ác của họ và cuối cùng lưu đày 2 người mà không liên lụy đến những người vô tội khác. Sau khi trở lại triều đình, ông báo cáo rằng: ” Phù Ngạn Khanh vô tội, thần dám bảo đảm điều đó bằng mạng sống của mình.” Ngạn Khanh vì điều này được miễn tội, mọi người đều nói rằng Vương Hữu có âm đức.

Vương Hữu còn khuyên Thái Tổ: “Các vị vua Ngũ Đế đã tàn sát người vô tội vì tâm đố kỵ, làm cho vận mệnh đất nước không bền vững. Thần khẩn cầu bệ hạ hãy coi đây là một lời cảnh báo để đất nước tránh khỏi tai họa!” Nghe vậy, Thái Tổ vô cùng tức giận và cảm thấy Vương Hữu quá thẳng thắn, nên bị giáng chức xuống làm Tư Mã của Hoa Châu.

Khi Vương Hữu chuẩn bị đến Hoa Châu, người thân và bằng hữu đã đến tiễn ông, họ nói với ông: “Chúng tôi vốn nghĩ rằng ngài nhất định sẽ trở thành một vị Tể tướng…” Vương Hữu mỉm cười trả lời: “Tuy rằng ta sẽ không thể trở thành Tể tướng, nhưng con trai ta nhất định sẽ làm được.”

Lời nói của Vương Hữu là chỉ con trai Vương Đán. Vương Hữu từng trồng 3 cây hòe trong sân nhà, bóng mát của 3 cây hòe này phủ kín sân. Vương Hữu nói với mọi người: “Trong số con cháu của ta, nhất định sẽ có người trở thành một trong Tam Công, và 3 cây hòe này chính là biểu tượng.” Sau này, con trai ông là Vương Đán quả nhiên đã trở thành Tể tướng nổi tiếng vào thời nhà Tống, ứng nghiệm lời tiên tri của Vương Hữu. Vì thế, mọi người gọi họ là “Tam hòe Vương thị”. 

Vương Hữu cả đời đã làm nhiều việc thiện, hơn nữa khi đứng trước sự lựa chọn giữa thiện và ác, ông vẫn thủ vững chính nghĩa, dù có bị giáng chức nhưng ông không hề hối hận hay oán trách, bao dung những điều người khác không thể dung thứ, có thể làm những việc mà người khác không thể làm được. Ông tin tưởng bản thân một đời quang minh lỗi lạc, giữ vững lương tâm, thì chắc chắn sẽ mang lại những hồi báo tốt đẹp cho con cháu. Sau đó, quả nhiên đã ứng nghiệm. Điều này chứng tỏ Ông Trời sẽ ban thưởng cho những người thiện lương.

Theo Epoch Times