Đâu đó chúng ta thường nghe nói “anh ta là đồ sĩ diện”; “cô ta là đồ sĩ diện”, nói nhiều thành quen nên dần dần ai cũng cho sĩ diện là cái gì đó không tốt. Nhưng thực ra từ sĩ diện không có nghĩa xấu như vậy.

Sĩ diện là lẽ thường tình của kẻ sĩ tri thức

Từ “sĩ diện” là một từ ghép của tiếng Việt, gồm hai từ Hán-Việt, là “sĩ” và “diện” ghép thành. “Diện” có nghĩa là vẻ ngoài, còn “sĩ” nghĩa là người có học thức thời cổ, là người trí thức.

Cuốn “Luận ngữ” bàn về sĩ như sau: “Hành dĩ hữu sỉ, sử vu tứ phương, bất nhục quân mệnh”. Đại ý là trí thức là một người phải chịu trách nhiệm đối với chính hành vi của mình; có ý thức trách nhiệm; có cảm giác xấu hổ và luôn lo sợ nhân cách, phẩm chất của bản thân mình bị vấy bẩn. 

Khi bản thân gánh vác trọng trách thì luôn có ý thức bảo vệ lợi ích quốc gia. Bất luận là đi đến địa phương nào thì họ đều có thể hoàn thành nhiệm vụ mà mình gánh vác một cách tốt nhất. Người như thế sẽ không bao giờ làm ra những việc khiến quốc gia phải hổ thẹn và nhân cách của mình bị sỉ nhục. Đây được gọi là “sĩ”.

Có thể nói, kẻ sĩ trong văn hóa truyền thống là một người được tôn trọng bậc nhất trong xã hội; mà ở đỉnh cao nhất là người mà từ nhân cách, đạo đức, phong thái, cho tới tài năng đều vượt xa người thường.

Vậy thì đối với một người mà nói, vẻ ngoài có học thức, sang trọng quý phái, lịch lãm trầm ổn, là điều mà ai cũng hướng đến. Người trí thức hiểu biết lễ nghĩa nên giữ “sĩ diện” cũng là một lẽ tự nhiên.

sĩ diện hão là gì; sĩ diện sống ảo; sĩ diện trong tình yêu
Người trí thức hiểu biết lễ nghĩa nên giữ “sĩ diện” cũng là một lẽ tự nhiên (ảnh Sohu)

Sĩ diện hão là tự làm hại mình

Chỉ là ngày nay khi các giá trị văn hóa truyền thống bị phai nhạt dần; thậm chí là hiểu sai lệch, làm mất hết nội hàm vốn có của nó; chỉ còn phần vỏ ngoài (diện) rỗng tuếch, nên từ sĩ diện này hầu như chỉ còn dùng với nghĩa tiêu cực.

Thời xưa có một truyện cười như sau: Có một học trò trong nhà rất nghèo, nhưng lại rất sĩ diện. Anh ta luôn sợ mất thể diện nên đành phải làm ra vẻ hào phóng; chưa bao giờ nói trong nhà thiếu tiền. Có tên trộm cho là anh ta thật sự giàu có; một tối nọ đến nhà ăn trộm lại phát hiện ra trong nhà ngoài bốn bức tường ra thì chẳng có thứ gì đáng giá, bèn chửi rủa: “Xui thật! Ra là tên nghèo kiết xác!”

Người học trò nghe thấy vậy, vội vàng mò ở đầu giường ra mấy đồng tiền, đuổi theo tên ăn trộm nói: “Là ngươi tới không đúng lúc, cầm lấy tiền này đi đi. Nhưng mà ngươi ra ngoài để lại cho ta chút thể diện; tuyệt đối đừng nói là nhà ta nghèo rớt mồng tơi đấy!”

Anh học trò nghèo này thật là thà chết đói chứ không để mất thể diện; mà cái cái sĩ diện của anh ta là sĩ diện hão, chỉ tự hại mình; cả đời hư ảo không có một chút thảnh thơi.

Kẻ sĩ thực sự thì không cần quá coi trọng bề ngoài

sĩ diện nghĩa là gì; sĩ diện đàn ông; sĩ diện và tự trọng
Càng sĩ diện hão thì nội tâm càng khổ sở (ảnh Adobe Stock)

Người sĩ diện thường là vì nội tâm mềm yếu, không tự tin; cho nên mới cần dùng thể diện để chứng minh bản thân; mà người có nội tâm mạnh mẽ thường không để ý quá nhiều nếu bị mất mặt.

Cổ đại còn có một câu chuyện khác: Hai người nọ đi cùng nhau. Người thứ nhất nhìn thấy phía trước có một cỗ kiệu đẹp đẽ quý giá đi tới, liền nói với người thứ hai: “Chủ nhân của cỗ kiệu này là bạn thân của tôi; y mà nhìn thấy tôi thì nhất định sẽ hạ kiệu thi lễ. Nhưng tôi không thích thấy người sang bắt quàng làm họ, nên phải tránh đi”. Nói xong liền đến trốn ở cổng của một căn biệt phủ gần đó; không ngờ căn nhà đó lại là của chủ nhân trong cỗ kiệu.

Vị chủ nhân kia hạ kiệu, thấy có người trốn ở cổng nhà mình, tức giận quát: “Ngươi ở cổng nhà ta lén lén lút lút làm gì đấy?” Sau đó hạ lệnh người hầu đánh đuổi ông ta đi.

Người kia nhìn thấy ông bạn mặt mũi sưng bầm hỏi: “Nếu huynh là bạn thân của ông ta, tại sao lại bị đánh đuổi thế này?” Ông ta trả lời: “Y trước giờ vẫn thế, hay trêu chọc tôi quen rồi”.

Hãy luôn là chính mình!

Người sĩ diện hão thì lúc nào cũng phải giả tạo; bạn bè chơi lâu ngày rồi nhất định cũng phát hiện ra. Vì vậy mà cũng chẳng có bạn bè thân thiết, chơi với nhau đãi bôi; cũng đúng với kiểu ‘bề ngoài’ mà anh ta thể hiện.

Kẻ sĩ coi trọng bên trong, đề cao bản thân từ trong tâm; làm cho bản thân ngày càng mạnh mẽ. Còn người kém cỏi thì lại theo đuổi bề ngoài, thường khổ sở vì những thứ không đâu. Càng coi trọng bề ngoài thì lại càng không tiến lên được; rốt cuộc cả đời mãi ham mê hư vinh, khoác lác về bản thân, tìm kiếm sự chú ý. Loại sĩ diện này khiến con người mê mờ tâm trí, lạc lối trong cuộc đời.